Diễm, mối tình đầu chưa kịp nói lời yêu của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã rời cõi tạm cách đây 14 năm, để lại cho đời những bản tình ca sống mãi với thời gian.

Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ tài hoa đã rời cõi tạm cách đây 14 năm, để lại cho đời những bản tình ca sống mãi với thời gian. Hầu hết cảm hứng sáng tác ca khúc tình ca của ông bắt nguồn từ những bóng hồng. Với trái tim luôn thổn thức trong tình yêu, chuyện tình của ông cũng đẹp, lãng mạn như chính ca từ đã đi vào lòng người biết bao thế hệ.
 

Nguồn ảnh: Internet.

 
Yêu từ cái nhìn đầu tiên
 
Diễm trong nhạc phẩm Diễm xưa chính là Ngô Thị Bích Diễm - con gái thầy Ngô Đốc Kh.- người Hà Nội, dạy Pháp văn tại trường Đồng Khánh và trường Quốc Học Huế. Bích Diễm giống bố, người dong dỏng cao, nét mặt thanh tú, bước đi thong thả nhẹ nhàng.
 
Chuyện tình với Diễm bắt đầu khoảng năm 1960. Khi đó, gia đình Trịnh Công Sơn gặp khó khăn kinh tế, gian phố lớn ở đường Phan Bội Châu (Ngã Giữa) phải sang cho người khác và qua thuê một căn hộ ở tầng 1 dãy lầu mới xây ở đầu cầu Phủ Cam.
 
Hằng ngày Trịnh Công Sơn đứng trên lầu ngắm các cô nữ sinh đi qua cầu Phủ Cam, đi dọc theo đường Nguyễn Trường Tộ đến trường Đồng Khánh. Ông xao xuyến khi nhìn thấy Diễm lần đầu với dáng cao, thướt tha trong tà áo dài.
 
Những ngày không thấy Diễm đi qua, ông đau khổ vô cùng. Ông trông thấy con đường trước nhà “dài hun hút cho mắt thêm sâu” (Diễm xưa). Nhưng ông cũng biết gặp Diễm để nói lên nỗi đau ấy không phải là chuyện dễ.
 
Thầy Ngô Đốc Kh.- thân sinh của Diễm, là một ông giáo rất nghiêm. Ông không thể chấp nhận một anh chàng chưa có bằng đại học, tóc dài, cằm lún phún râu chuyện trò với các cô con gái đài các của ông.
 
May sao lúc ấy hoạ sĩ Đinh Cường thuê nhà ở gần nhà Diễm để làm xưởng vẽ. Hai người canh chừng những khi thầy giáo có giờ dạy, mà Diễm đang ngồi ở nhà học bài liền “liều” mình qua thăm.
 
“Diễm xưa” ra đời
 
Mỗi lần được gặp Diễm, trái tim người nhạc sĩ lại bồi hồi cảm xúc. Ông biết rằng mình đã yêu người con gái ấy. Trái lại, Diễm tỏ ra hờ hững. Những lần Trịnh Công Sơn ghé, có khi Diễm tiếp, có khi Diễm để cho người nhà tiếp và cũng có khi đang có bố ở nhà Diễm tránh để cho khách ngồi chơi xơi nước rồi tự ý ra về.
 
Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình để nói cho tác giả Ướt mi biết điều đó.
 
Là một người tinh tế, Trịnh Công Sơn nhận ra tình cảm của mình không được đáp lại. Nhưng muôn đời vẫn vậy, con tim có lý lẽ riêng của nó. Ông vẫn say đắm yêu người con gái ấy. Đôi lúc chạnh lòng, ông cũng không kềm được những tâm sự có chút hoang hoải buồn:
 
“Người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định. Định hướng mà không định hướng bởi vì những bước chân ấy dường như đang phiêu bồng trên một đám mây hoang lạc của giấc mơ.
 
Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.
 
Trịnh Công Sơn trút hết nỗi lòng yêu Diễm vào bài Diễm xưa như sau này ông đã kể lại nhiều lần. Có một điều lúc ấy ông không để ý.
 
Được cho là người tình đầu tiên của cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn. Tuy nhiên, trong mối tình với Diễm, Trịnh dường như chưa kịp nói lời yêu, mà chỉ thổ lộ tình cảm qua những ca khúc tặng Diễm và Diễm cũng vì cách trở mà không dám đáp lại tình cảm của Trịnh.
 
Có lẽ mối tình ấy đẹp như một nụ hoa mãi e ấp.

Theo Một Thế Giới

Bình luận