Cuộc sống người đồng tính ở quốc gia Hồi giáo

"Bạn có thể sống mà không lo lắng về nó, miễn là bạn không mặc một chiếc váy xòe màu hồng và cầm cờ cầu vồng chạy xuống phố."

"Bạn có thể sống mà không lo lắng về nó, miễn là bạn không mặc một chiếc váy xòe màu hồng và cầm cờ cầu vồng chạy xuống phố."



Ali, một người đàn ông đồng tính hoạt động trong nhóm hỗ trợ những người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính và chuyển giới ở Lahore.

Họ gặp mặt thất thường tại một căn nhà đơn giản nằm giữa một dãy cửa hiệu, thường đóng cửa vào buổi tối. Các rèm cửa sổ đều được buông xuống. Thỉnh thoảng các thành viên xem phim hoặc đọc thơ. Đôi khi, họ tổ chức tiệc, nhảy nhót, uống rượu và xả hơi.

Người tham dự là những người được mời bằng cách truyền miệng. Các thành viên liên lạc với nhau qua danh sách e-mail và cẩn trọng để không làm lộ địa điểm gặp mặt. Một căn phòng được dành riêng cho "các tình huống khủng hoảng," khi một ai đó cần nơi để trốn tránh, hầu hết là trốn khỏi chính gia đình mình. Đây là không gian an toàn đối với họ - một nhóm hỗ trợ cho những người đồng tính nam (gay), đồng tính nữ (lesbian), lưỡng tính (bisexual) và chuyển giới (transgender) ở Pakistan.

"Thế giới đồng tính nam ở đây rất kín đáo," Ali, một thành viên không muốn tiết lộ đầy đủ danh tính, cho biết. "Tôi ước gì nó có thể cởi mở hơn một chút nhưng bạn chỉ được làm với những gì bạn có."

Đó là sự thay đổi chậm chạp khi một số người đồng tính nam và đồng tính nữ trẻ tuổi, nhiều người được giáo dục ở phương Tây, tìm kiếm sự chấp nhận hơn về giới tính của mình, thậm chí là trong một môi trường tôn giáo bảo thủ.

Những hành động đồng tính luyến ái vẫn bị coi là phạm pháp tại Pakistan, dựa trên pháp luật do thực dân Anh đề ra trong thời kỳ cai trị. Không có pháp chế quyền công dân để bảo vệ những người đồng tính nam và đồng tính nữ khỏi sự phân biệt đối xử.

Trong một thời gian dài, sự mù quáng ngoan cố của nhà nước đã cung cấp đủ không gian cho những người đồng tính nam và đồng tính nữ. Họ xã hội hóa, hẹn hò và thậm chí sống cùng nhau như các cặp đôi, thế nhưng theo một cách kín đáo.

Một nhà báo, chừng 40 tuổi, đã sống như một người đồng tính nam tại Pakistan gần 2 thập kỷ qua. "Rất dễ để trở thành gay ở đây," anh nói mặc dù anh và một vài người được phỏng vấn khác không muốn tiết lộ danh tính vì sợ phản ứng của xã hội và luật pháp.

 "Bạn có thể sống mà không lo lắng về nó," anh nói, "miễn là bạn không mặc một chiếc váy xòe màu hồng và cầm cờ cầu vồng chạy xuống phố."

Lý do là trong khi quan niệm về đồng tính luyến ái có thể là điều cấm kỵ, quan hệ đồng tính và người đồng tính vẫn phổ biến. Xã hội Pakistan phân biệt giới tính rõ ràng, với những điều cấm kỵ về tình dục ngoài hôn nhân, vốn khiến việc thực hiện một mối tình lãng mạn bí mật với người khác giới khó khăn hơn là một mối quan hệ với người đồng tính. Những cách thể hiện giữa hai người đàn ông ở nơi công cộng như ôm, nắm tay là điều bình thường.

"Một người đàn ông có thể đi với một người đàn ông bất kỳ lúc nào, bất cứ đâu và không ai soi mói," nhà báo trên cho biết.

Đối với nhiều người cùng hoặc thuộc thế hệ trước anh, quan hệ tình cảm đồng giới không phải là một vấn đề lớn. Nhiều người đàn ông Pakistan, những người có quan hệ với nam giới, không nghĩ bản thân mình là gay. Một số quan hệ với người cùng giới một cách đều đặn khi họ cần thay đổi không khí trong khi một vài người lại làm chuyện đó vì tiền.

Tuy nhiên tất cả các ví dụ về quan hệ đồng tính luyến ái - trong thơ Sufi, văn học Urdu hay hành vi tình dục kín đáo - xảy ra trong phạm vi cá nhân, Hina Jilani, một luật sư nhân quyền và là một nhà hoạt động đấu tranh cho quyền phụ nữ, quyền dân tộc thiểu số cho biết. Đồng tính luyến ái có thể được biểu lộ nhưng không được đặt tên.

"Rào chắn lớn nhất là đang tìm một bối cảnh thích hợp để vấn đề này được công khai," bà Jilani nói thêm.

Đó là những gì nhóm hỗ trợ đồng tính nam và đồng tính nữ đang dần dần tìm cách để thực hiện.

Động lực đằng sau nhóm hỗ trợ tới từ hai người phụ nữ, một 30 và một 33 tuổi. Họ nhận thức rất rõ điều kỳ quặc rằng hai người phụ nữ (là bạn tình của nhau) trở thành những kiến trúc sư của thế giới đồng tính hiện đại tại Lahore; nếu những người đàn ông gay và lưỡng tính không biểu lộ trong ý thức xã hội tập thể của Pakistan thì những người đồng tính nữ càng ít nhận thấy hơn.

"Nhóm hỗ trợ được thành lập dựa trên kinh nghiệm bản thân về sự cô lập cực độ, cảm giác bị lạc lõng và khác biệt," người phụ nữ 30 tuổi cho biết.

Cô quyết định cần phải tìm những người giống mình ở Pakistan. 8 người, hầu hết đều là bạn của cặp đôi, đã tham dự buổi gặp mặt đầu tiên vào tháng 1 năm 2009.

Hai tháng sau đó, hai người phụ nữ thành lập một nhóm các nhà hoạt động đặt tên là O. Họ yêu cầu không tiết lộ tên đầy đủ bởi nó được đăng ký với danh nghĩa một tổ chức phi chính phủ vì luật pháp chống lại các hoạt động đồng tính luyến ái.

O thực hiện nghiên cứu tới các vấn đề đồng tính nữ, đồng tính nam, lưỡng tính và chuyển giới, cung cấp những lời khuyên pháp lý và giúp những người gặp rắc rối với gia đình thoát khỏi tình thế khó khăn...Tổ chức này cũng tập trung vào các nỗ lực về chức năng gia đình cũng như xây dựng nhận thức, sự chấp nhận của xã hội hơn là giải quyết sự phân biệt đối xử dựa trên luật pháp.

Ý chí quyết tâm của họ không làm đảo lộn điều 377 trong Bộ luật hình sự Pakistan về "tội trái với tự nhiên" nhưng lại tác động lên các bậc phụ huynh để họ quyết định có tránh xa đứa con bị gay của mình hay không.

"Gia đình đóng một vị trí quan trọng đối với chúng ta," người phụ nữ 33 tuổi, tự nhận mình là người lưỡng tính nói. Cô và bạn tình của mình đều khẳng định rằng họ đã được gia đình chấp nhận sau một thời gian thuyết phục.

Hầu hết những người tham gia tích cựu vào việc thúc đẩy cộng đồng người đồng tính nam và đồng tính nữ ở Pakistan, thậm chí họ không được đi du học, là những người tốt nghiệp đại học và quen thuộc với sự tiến bộ trong tư tưởng của phương Tây về vấn đề giới tính.

Những người tự nhận mình là đồng tính nam ở đây thường là tầng lớp trung hoặc thượng trung lưu, người phụ nữ 33 tuổi nói. Bạn sẽ nhận thấy tầng lớp thấp hơn hoặc phụ nữ tầng lớp lao động từ chối gọi mình là đồng tính nữ bởi họ là đó là một lời lăng mạ đối với họ, thay vào đó họ sẽ nói là "phụ nữ yêu phụ nữ".

Trong khi nhà báo chừng 40 tuổi sống như một người đàn ông đồng tính nam khá cởi mở và nói về sự chấp nhận của gia đình, anh hiểu rằng những người đồng tính nam lớn tuổi hơn thường giấu kín về bản năng tình dục của mình nhưng anh cũng đang nhận ra một sự thay đổi về điều này.

Anh cũng nhìn thấy cuộc xung đột nghiêm tiềm ẩn đối với những người Pakistan trẻ hơn, những người lớn lên với nhiều ý thức phương Tây hơn về xác định giới tính.

"Họ có sự tiếp cận với những thứ tới từ phương Tây nhưng họ không có cách nào để diễn tả sự tồn tại của nó," anh nói. "Chắc chặn họ sẽ có cảm giác rõ rệt hơn về sự thất bại và thể hiện nó theo cách mà thế hệ chúng tôi không làm vậy.

Một ví dụ về sự xung đột ý thức hệ xảy ra vào ngày 26 tháng 6 năm ngoái khi Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad tổ chức lễ tôn vinh đồng tính nữ, đồng tính nam, người lưỡng tính và người chuyển giới đầu tiên. Hoạt động ủng hộ quyền lợi của người đồng tính nam đã gây ra một sự phản ứng dữ dội và gây các cuộc biểu tình tại Karachi, Lahore, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài khu ngoại giao đoàn ở Islamabad. Năm nay, đại sứ quán Mỹ cho biết, họ sẽ tổ chức một sự kiện tương tự nhưng không đưa tin công khai về nó.

"Đó là chính sách của chính phủ Mỹ để hỗ trợ và thúc đẩy quyền bình đẳng đối với tất cả mọi người," Rian Harris, một phát ngôn viên đại sứ quán trả lời qua e-mail khi được hỏi về cuộc xung đột. "Chúng tôi cam kết đứng lên vì những giá trị này trên toàn thế giới, bao gồm ở Pakistan."

Tuy nhiên, nhiều người trong cộng đồng gay tại Pakistan lại cho rằng sự kiện này gây bất lợi cho họ. Nhà hoạt động 33 tuổi tin rằng đó là một sai lầm.

"Thiệt hại mà sự kiện tôn vinh của Mỹ gây ra là rất to lớn," cô nói, " và chỉ tạo ra không khí lo sợ chưa từng có trước đó. Đánh giá của công chúng không phải là những gì chúng tôi cần bây giờ."

"Đối với tôi tất cả các hoạt động tuyên truyền là để tạo ra không gian, nơi chúng tôi có thể hình dung về tương lai cho mình," nhà hoạt động 30 tuổi cho biết thêm.

Theo VNN



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.