Sau
khi ăn, Faye chỉ ước có một chiếc giường bên cạnh để ngủ hoặc thậm chí
ngủ gục luôn trên bàn làm việc bất chấp mọi thứ xung quanh.
Faye
Perminsky, một chuyên viên trang điểm 43 tuổi đến từ Potters Bar,
Hertfordshire, mắc phải một chứng bệnh hiếm gặp, nó làm cho người bệnh
bị choáng vì kiệt sức ngay sau khi ăn uống.
Trước
đây, Faye làm trong bộ phận hành chính ở một công ty truyền thông, cô
luôn phải đấu tranh để cho đôi mắt không nhắm tịt lại, thậm chí nhiều
lần cô đã ngủ gục ngay tại bàn làm việc.
“Hôm
đó, tôi có bữa trưa với một ít khoai tây nướng, ngay sau khi ăn xong,
mắt tôi bắt đầu nặng trĩu và dần dần khép lại, tôi cảm thấy mọi thứ xung
quanh mờ đi. Tất cả mọi thứ tôi muốn lúc đó là ngủ. Điều tiếp theo mà
tôi biết là tôi đã thức dậy trên một đống tài liệu", Faye kể lại.
Chứng bệnh khiến Faye "hễ ăn là lăn ra ngủ".
Faye
nói thêm rằng việc cô buồn ngủ sau khi ăn có liên quan đến những món ăn
mà cô đã ăn trước đó. “Bánh mỳ kẹp trứng, khoai tây nướng, cà ri gà,
cơm, hay thậm chí là một chiếc bánh sandwich, tôi ăn chúng và chỉ vài
phút sau thôi, tôi mong là sẽ có ngay một chiếc giường cạnh đó để ngủ.
Món ăn duy nhất không làm tôi buồn ngủ là salad nhưng nó lại không thể
khiến tôi no bụng lâu được”.
Faye
đã phải sống chung với chứng bệnh này trong mười năm nay. Có một thời
gian cô nghĩ rằng có thể cô bị mắc bệnh fibromyalgia (hội chứng đau xơ
cơ), hay bệnh ME - myalgic encephalopathy (hội chứng mệt mỏi kinh niên),
cả hai bệnh này đều có những triệu chứng giống nhau như kiệt sức về thể
chất và tinh thần. Tuy nhiên, gần đây các bác sĩ đã chỉ ra rằng các
triệu chứng mà Faye gặp phải có liên quan đến những thức ăn mà cô ăn.
Theo
bác sĩ Abbi Lulsegged, bác sĩ tư vấn chuyên khoa nội tiết tại trường
King’s College, London, Anh, Faye đang mắc phải các triệu chứng của bệnh
hạ đường huyết sau khi ăn. Nhiều người chúng ta đang sai lầm khi cho
rằng các triệu chứng mệt mỏi, kiệt sức mà chúng ta thường gặp là do
những căng thẳng trong cuộc sống chứ không phải do những thứ mà chúng ta
ăn hàng ngày.
Chứng bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của Faye và gia đình.
“Một
số loại thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có hàm lượng
carbohydrate cao, là những tác nhân khiến cho chúng ta cảm thấy buồn ngủ
quá mức”, bác sĩ Abbi cho biết. Với nhiều người, các triệu chứng như
mệt mỏi, buồn ngủ, kiệt sức chỉ xuất hiện trong một vài phút, nhưng một
số người phải mất hàng giờ để thoát khỏi tình trạng này sau khi ăn.
Mệt
mỏi, kiệt sức sau khi ăn uống đã theo Faye trong suốt cuộc hôn nhân 9
năm với chồng cô Richard. Nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của cô
và gia đình.
“Nếu
chúng tôi đi ăn tối ở ngoài, chúng tôi sẽ phải quay về nhà 1 giờ sau
đó, thậm chí là nửa giờ bởi tôi không thể giữ cho mình tỉnh táo được.
Mặc dù chồng tôi không buồn và rất thông cảm với tôi vì anh ấy đã quen
với nó, nhưng sự thờ ơ không cố tình của tôi có ảnh hưởng đến cậu con
trai 7 tuổi”, Faye chia sẻ.
“Vào
những ngày cuối tuần, chúng tôi không thể ra ngoài và chơi với nhau một
ngày trọn vẹn vì tôi phải ngủ trưa sau khi ăn. Chồng tôi và bé Samuel
chỉ có thể xem TV hay làm gì đó trong khi tôi ngủ. Cả ngày hầu như tôi
chẳng làm được gì nhiều”, Faye nói thêm.
Một
trường hợp khác tương tự như tình trạng bệnh của Faye là Sharon Anne
Jackson, một nhân viên lễ tân 42 tuổi đến từ Reading. “Sau khi ăn với
bạn bè và đồng nghiệp, tôi cảm thấy mình như đang bị ngập trong một màn
sương mù vậy. Tôi có thể nhìn thấy miệng họ cử động như đang nói chuyện
nhưng tôi không thể nghe thấy bất cứ thứ gì họ nói cả. Tôi có cảm giác
mình đang ôm một chiếc gối và tất cả những gì tôi muốn là ngủ và ngủ”,
Sharon nói. Là một nhân viên lễ tân, Sharon không thể ngủ gật được, do
đó, thứ duy nhất cô có thể ăn vào bữa trưa là món salad.
Theo Trí thức trẻ