Hồ sơ Trầm Bê: Đại gia khét tiếng vừa bị bắt

Khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản, đại gia Trầm Bê sớm trở thành "ông trùm" ngành ngân hàng khi thao túng hoạt động tại SouthernBank

Khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến lâm sản, đại gia Trầm Bê sớm trở thành "ông trùm" ngành ngân hàng khi thao túng hoạt động tại SouthernBank rồi tiếp đến là Sacombank.

Nổi danh là "ông trùm" trong ngành tài chính ngân hàng nhưng đại gia Trầm Bê (58 tuổi), nguyên Phó chủ tịch Sacombank vừa bị cơ quan điều tra bắt tạm giam 4 tháng, lại khởi nghiệp trong lĩnh vực khai thác và chế biến lâm sản.

Khởi nghiệp bằng chế biến lâm sản

Khởi đầu từ năm 1991 với vai trò Giám đốc Công ty Chế biến Lâm sản Đông Anh, khoảng 4 năm sau, ông trở thành Chủ tịch HĐQT tại công ty này.

Đến năm 1999, nhận thấy sự phát triển đầy tiềm năng của thị trường bất động sản, ông Trầm Bê quyết định lấn sân sang thị trường còn rất mới mẻ này. Mở đầu bằng việc đầu tư vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI) và trở thành thành viên HĐQT ngay sau đó.

trầm bê, Sacombank, SouthernBank, ngân hàng phương nam, Phan Huy Khang, Phạm Công Danh, nợ xấu

Dinh thự nguy nga của gia đình đại gia Trầm Bê tại quê nhà Trà Vinh.

Trong nhiều năm, BCCI trở thành đại gia bất động sản phía Nam khi sở hữu quỹ đất rộng lớn cùng nhiều dự án tham vọng thời đó.

Sau khi gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực bất động sản, ông tiếp tục đầu tư sang lĩnh vực y tế, thị trường còn rất tiềm năng khi chưa có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân nào thời đó.

Năm 2001, ông Bê cùng với 2 người bạn là bác sĩ Nguyễn Hải Nam và Lâm Trung Lương thành lập bệnh viên Triều An, một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận là bệnh viện đa khoa chuyên sâu, đến nay đây vẫn là bệnh viện tư lớn nhất TP.HCM.

Trong quá khứ đầu tư kinh doanh của mình, bất kỳ lĩnh vực nào ông Trầm Bê đầu tư đều là những lĩnh vực rất mới và thị trường còn bỏ ngỏ.

Giai đoạn năm 2002-2009, cái tên Trầm Bê được nhiều người biết tới hơn khi ông đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐQT của Công ty Chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Công ty Sơn Sơn là đơn vị duy nhất đủ tiền để sở hữu dây truyền chiếu xạ thanh long.

Thâu tóm ngân hàng

Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, cái tên Trầm Bê lần đầu xuất hiện vào năm 2004, khi ông đầu tư vào Ngân hàng TMCP Phương Nam (SouthernBank) và là thành viên HĐQT.

Đây cũng là giai đoạn “hoàng kim” của SouthernBank, khi ngân hàng này ghi nhận mức lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Năm 2007, SouthernBank đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng.

Ông Trầm Bê nhanh chóng gia tăng quyền lực của mình tại ngân hàng này bằng cách cho các con nắm giữ những vị trí lãnh đạo và thâu tóm phần lớn cổ phần.

trầm bê, Sacombank, SouthernBank, ngân hàng phương nam, Phan Huy Khang, Phạm Công Danh, nợ xấu

Ngân hàng Phương Nam từng có giai đoạn hưng thịnh trước khi rơi vào diện yếu kém.

Sau khi xây dựng quyền lực tại SouthernBank, ông Trầm Bê lên kế hoạch thâu tóm một ngân hàng thuộc top trên là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB).

Bằng cách trở thành cổ đông của Sacombank, ông được bầu làm Phó chủ tịch thường trực trong cuộc "thay máu" của nhà băng này diễn ra tháng 2/2012.

Con trai ông là Trầm Khải Hòa cũng trở thành hành viên HĐQT Sacombank từ tháng 5/2012. Tại SouthernBank, con trai Trầm Trọng Ngân cũng lên giữ chức Phó chủ tịch thường trực thay cho vị trí ông Trầm Bê để lại.

Không lâu sau, hệ thống ngân hàng rơi vào khủng hoảng. SouthernBank bị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp vào nhóm 9 ngân hàng yếu kém bắt buộc tái cơ cấu.

Với tầm ảnh hưởng của mình tại SouthernBank và Sacombank, ông Trầm Bê được cho là người đứng sau thương vụ sáp nhập ồn ào nhất hệ thống ngân hàng lúc bấy giờ giữa hai nhà băng này vào tháng 8/2015.

Cuối tháng 2 vừa qua, dù đã bị Sacombank và NHNN thông báo chấm dứt toàn bộ hoạt động quản trị tại ngân hàng, trên thực tế ông Trầm Bê vẫn là người đứng tên lượng lớn cổ phiếu tại Sacombank.

trầm bê, Sacombank, SouthernBank, ngân hàng phương nam, Phan Huy Khang, Phạm Công Danh, nợ xấu

Tổng tài sản nắm giữ trực tiếp của ông vào khoảng 430 tỷ đồng tới từ hơn 27,65 triệu cổ phiếu STB, và cổ phần tại BCCI. Tuy nhiên, ước tính tổng tài sản thực tế của ông có thể lên tới 2.000 tỷ đồng.

Không chỉ là Thành viên HĐQT của Bệnh viện Triều An, ông Trầm Bê còn đang đảm nhiệm vị trí Phó chủ tịch Công ty cổ phần Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam cùng với nhiều công ty với số vốn hàng trăm tỷ đồng như Công ty Hàm Giang, Sơn Sơn, BCCI…

Theo báo cáo quản trị của Sacombank, tính đến cuối năm 2016, gia đình ông Trầm Bê sở hữu 179 triệu cổ phiếu tại nhà băng này, tương đương tỷ lệ 9,49%

Trong đó, riêng ông Trầm Bê sở hữu 27,6 triệu cổ phiếu STB, tương ứng với tỷ lệ 1,467%.

Bức tranh toàn cảnh ngân hàng Sacombank Từng được coi là 'đế chế' ngân hàng của gia đình ông Đặng Văn Thành, hiện tại, Sacombank là ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5, nhưng lợi nhuận ngân hàng chỉ đứng thứ 11 hệ thống.

Ông Trầm Trọng Ngân nắm giữ hơn 89,18 triệu cổ phần, chiếm 4,73% vốn, con trai Trầm Khải Hòa sở hữu 33,35 triệu cổ phần, tương đương 1,8% vốn và con gái Trầm Thuyết Kiều sở hữu 27 triệu cổ phần, tương đương 1,43%.

Chồng bà Kiều là ông Lê Trọng Trí, Phó tổng giám đốc Sacombank, cũng đang nắm giữ hơn 2 triệu cổ phiếu STB, tương ứng tỷ lệ 0,11%.

Ông Phan Huy Khang là ai?

Ông Phan Huy Khang, nguyên là Tổng giám đốc Sacombank, 44 tuổi. Theo báo cáo hội đồng quản trị Sacombank công bố cuối tháng 1, ông Khang đang sở hữu hơn 22,4 triệu cổ phiếu Sacombank, quy đổi khoảng 292 tỷ đồng.

Ông Phan Huy Khang tham gia Sacombank với vai trò Phó tổng giám đốc từ tháng 4/2012. Trước đó, từ năm 1994 đến tháng 4/2012, ông đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng tại SouthernBank. Trước khi Sacombank và SouthernBank sáp nhập thành Sacombank, ông Phan Huy Khang là Tổng giám đốc SouthernBank.

Ngày 3/7 vừa qua, sau khi đại hội cổ đông năm 2015 và 2016 của Sacombank diễn ra, Chủ tịch HĐQT ngân hàng là ông Dương Công Minh đã ra thông báo bổ nhiệm bà Nguyễn Đức Thạch Diễm làm quyền Tổng giám đốc, sau này là Tổng giám đốc thay ông Phan Huy Khang.

Ngày 31/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 25 đối tượng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự và ra lệnh bắt tạm giam đối với 16 bị can trong đó có ông Trầm Bê và ông Phan Huy Khang.

Ông Trầm Bê sinh năm 1959 tại Trà Vinh, là đại gia từng thành công trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau.

Ông từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southernbank) trước khi tham gia và giữ chức vụ tương tự tại Sacombank.

Tháng 10/2015, Sacombank và Southernbank sáp nhập.

Đến 11/11/2015, Hội đồng quản trị của Sacombank đã họp và thống nhất cho ông Trầm Bê thôi giữ chức vụ Phó chủ tịch thường trực theo nguyện vọng cá nhân.

Ngày 24/2, Ngân hàng Nhà nước thông báo chấm dứt các chức vụ của ông Trầm Bê và con trai Trầm Khải Hòa tại Sacombank.


Theo Zing

Trầm Bê


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.