Trạng chết, Chúa cũng... băng hà

Không ít cán bộ, công chức bao năm nay sống trên lưng doanh nghiệp bằng các thủ đoạn nhũng nhiễu của mình và họ làm giàu cũng nhờ doanh nghiệp.

Không ít cán bộ, công chức bao năm nay sống trên lưng doanh nghiệp bằng các thủ đoạn nhũng nhiễu của mình và họ làm giàu cũng nhờ doanh nghiệp.

Ngày 15/11, một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin công chức của quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng bị chậm lương, mà nguyên do là vì các doanh nghiệp trên địa bàn quận nộp thuế chậm, hoặc giãn thời gian nộp. Theo thống kê sơ bộ, thu ngân sách trên địa bàn quận mới chỉ đạt 62%.

Dân nộp thuế chậm, doanh nghiệp nộp thuế chậm… thế là công chức đói. Và chắc chắn không chỉ riêng quận Liên Chiểu mới có tình trạng này, mà sẽ có nhiều nơi khác cũng bị như vậy. Chỉ có điều họ không nói mà thôi. Và cứ đà “rơi” về kinh tế như thế này, chuyện công chức bị chậm lương sẽ không còn là chuyện xa xôi nữa.

Qua đây mới biết, khi nền kinh tế khấm khá, chính đội ngũ công chức cũng thường chẳng coi doanh nghiệp ra gì. Không ít người trong đội ngũ này đã nghĩ đủ mọi mưu ma chước quỷ nhằm nhũng nhiễu doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải cống nạp, phải chạy cửa sau để có tiền đáp ứng cái “tham” của mình. Bây giờ doanh nghiệp khốn khó, không có tiền nộp thuế và đội ngũ công chức bị chậm lương, bị đói.


Vậy không hiểu có ai vắt tay lên trán mà nghĩ rằng, trong phạm vi chức trách, quyền hạn của mình, trước đây mình đã nhũng nhiễu doanh nghiệp như thế nào và bây giờ phải tìm cách cứu doanh nghiệp như thế nào. Nhiều công chức nghĩ rằng, tiền lương cho họ và các khoản trợ cấp xã hội khác là ngân sách Nhà nước, chẳng liên quan gì đến doanh nghiệp. Nhưng họ có biết đâu rằng, hàng triệu công chức ở Việt Nam sống được là bằng tiền thuế của người dân và của doanh nghiệp. Thế cho nên mới biết ý nghĩa của câu ngạn ngữ: “Không ai nắm tay được từ tối đến sáng”.

Còn trong tác phẩm “Chuông nguyện hồn ai” của Hemingway đã dẫn một câu nổi tiếng của một nhà văn Anh rằng: “Đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, mà chuông nguyện chính hồn anh đó”. Cho nên, đã đến lúc đội ngũ công chức, mà đặc biệt là những người đang nắm giữ trách nhiệm liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp phải ý thức được rằng: Cứu doanh nghiệp chính là cứu mình.

Một thực tế bấy lâu nay ai cũng biết, nhưng không thể chỉ ra được: Đó là tình trạng các doanh nghiệp phải đi lo lót, biếu xén để có được dự án. Cũng không ai có thể biết rằng, để có được một dự án như xây dựng khu đô thị, khu chung cư, dự án khai thác khoáng sản v.v... doanh nghiệp phải bỏ ra bao nhiêu tiền. 5 hay 10 hay 20% có trời mà biết? Nhưng những người có trách nhiệm xét duyệt, thẩm định, cấp giấy phép cho doanh nghiệp thì biết rõ hơn ai hết.

Không ít cán bộ, công chức bao năm nay sống trên lưng doanh nghiệp bằng các thủ đoạn nhũng nhiễu của mình và họ làm giàu cũng nhờ doanh nghiệp. Nay doanh nghiệp chết, họ tưởng rằng họ vô can và hậu quả nhỡn tiền là doanh nghiệp không có tiền nộp thuế, hay nói nôm na là doanh nghiệp không có tiền để nuôi họ.

Cho nên, rất mong các công chức đọc lại truyện Trạng Quỳnh và để ngấm câu “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”.

Theo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.