Đầu năm mướt mải lo cúng sao “giải hạn”

Do không hiểu rõ ý nghĩa của giải hạn nên nhiều người đã bỏ cả việc đón Tết, công việc đầu năm để mướt mải chạy theo những buổi giải hạn ở khắp các đền, chùa, miếu, phủ.

Do không hiểu rõ ý nghĩa của giải hạn nên nhiều người đã bỏ cả việc đón Tết, công việc đầu năm để mướt mải chạy theo những buổi giải hạn ở khắp các đền, chùa, miếu, phủ. Vì quá mê muội, cuồng tín, những buổi lễ dâng sao trở nên xô bồ khi nhuốm màu kinh doanh, tiền bạc.
 

Những con ngựa giấy chờ đợi làm lễ.

 
Ăn Tết không yên vì sao xấu
 
Những ngày đầu Tết Nguyên đán Bính Thân, người dân Hà Nội đổ xô đi cúng lễ giải hạn. Tại rất nhiều đền, phủ, chùa vào tháng giêng, những bàn đăng ký “dâng sao, giải hạn” mọc lên khắp nơi ở các khu vực hành lễ.
 
Những cuốn sách tử vi, bản tra cứu sao chiếu mạng, giấy đăng ký, hướng dẫn cách “dâng sao, giải hạn” bày la liệt phục vụ các thượng đế.Lễ cúng giải hạn cũng có đủ loại hình thức, thủ tục và... giá cả khác nhau từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng.
 
Tại chùa Phúc Khánh, một chị bán vàng hương cho hay: “Ngay từ mùng 1, rất nhiều người tới lễ và hỏi han về thủ tục, ngày giờ để đăng ký giải hạn”.
 
Chị Thu Hoa, một khách đi lễ ưu phiền: “Năm Bính Thân, tôi bị sao Kế đô, còn chồng sao La hầu chiếu. Thấy bảo, đây là những sao xấu nên tôi lo quá.
 
Ăn Tết cũng không ngon, cứ nhấp nhổm lo lắng, chỉ sợ chưa kịp giải hạn, sao “quả tạ” lại rơi trúng vào đầu. Tôi đăng ký giải hạn sớm ngày nào, yên tâm ngày đó”.
 
Một số bà cùng đi lễ ngồi kể những câu chuyện của thế giới thần linh “hù dọa” người nghe liên quan tới “sao Thái bạch, sạch cửa nhà”, “nam La hầu, nữ Kế đô”, “49 chưa qua, 53 đã đến”… khiến mọi người sợ hãi và lo âu.
 
Có bà còn kể chuyện, chỉ vì sao Thái bạch, không chịu đi giải hạn, có gia đình đã chết mấy mạng người làm ai nấy bủn rủn chân tay “quyết chí” giải hạn bằng mọi giá.
 
Nhiều người mang danh sách thành viên trong gia đình đến chùa để giải hạn. Tính cả triệu đồng cho một khóa lễ, cầu an cho cả gia đình.
 
Cũng theo Thu Hoa, chị và vài người bạn phải giải hạn khắp mọi nơi: đền, chùa, miếu, phủ kéo dài đến hết tháng giêng, dù có phải dẹp việc chúc Tết và nghỉ việc cơ quan đầu xuân.
 
“Pháp sư” hốt bạc
 
Không chỉ giải hạn ở chùa, có không ít người còn tìm tới các điện thờ do các “ông đồng”, “bà cốt” lập nên, mức giá cũng dao động từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng. Điện thờ ông đồng Lê Quang (Ba Vì), đoàn người khệ nệ bê đồ vàng mã.
 
Ngoài sân, hàng chục con ngựa giấy, tiền vàng nằm ngổn ngang. Ông đồng nhảy múa, làm lễ theo tiếng cheng cheng. Vợ ông đồng hỉ hả, từ tháng giêng cho tới hết tháng ba, chồng bà làm không hết việc.
 
Mỗi khóa lễ trung bình khoảng chục triệu đồng, tính sơ sơ, 3 tháng “vụ mùa”, gia đình bà kiếm tiền tỉ như chơi.Có con nhang, đệ tử bỏ tiền hàng chục triệu, hàng trăm triệu để thỉnh “pháp sư” về nhà cúng sao giải hạn cho “độc quyền”.
 
Hầu hết họ là dân làm ăn, kinh doanh, số ít là quan chức. Nghĩ giải được hạn và lộc càng phát, họ sẵn sàng sắm các đồ tế lễ đắt tiền. Có cầu ắt có cung, các thầy bùa, “pháp sư” tha hồ sang chảnh hét giá.
 
Có ông kinh doanh bất động sản đặt hẳn 100 hình nhân, 100 ngựa giấy, 100 thuyền rồng chưa kể rất nhiều vàng, mã, hoa quả khác.
 
Tính sơ sơ, chỉ riêng chỗ ấy cũng ngốn của ông 200 triệu đồng, chưa kể tiền trả công cho “pháp sư” 40 triệu đồng.
 
Không ít thầy bói, tướng số lợi dụng cơ hội này đã bày ra đủ trò, từ mang “sao sát chủ” ra hù dọa đến cúng sao tốt, tăng phúc để moi tiền. Sợ lời hù dọa, có người còn đặt hàng các thầy cúng giải hạn vào những ngày mùng 8, 15, 18 hàng tháng.
 
Mỗi tháng giải hạn tiêu tốn không dưới 80 triệu đồng (tiền công, vàng mã, hoa quả cúng lễ…). Một số kẻ xấu đã lợi dụng những tình trạng này để trộm cắp đồ đạc của đệ tử thập phương, khấn thuê, phao tin đồn nhảm, tuyên truyền những thông tin thiếu lành mạnh nhằm gây hoang mang trong dân chúng.

Theo Pháp luật Plus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.