Học Thạc sĩ để ... 'trốn' trưởng thành

Một bộ phận sinh viên hiện nay xem việc theo học thạc sĩ như một “lối thoát” để kéo dài thời đi học, tạm thời lẩn tránh áp lực bước vào đời và những trách nhiệm của người trưởng thành.

Việc theo đuổi bậc học cao hơn như thạc sĩ thường được xem là một bước đệm vững chắc cho sự nghiệp. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, nhiều bạn trẻ lựa chọn con đường này như một cách để "thoát ly" thực tại mỗi khi công việc bế tắc hay chưa sẵn sàng tâm lý trở thành người lớn. Thậm chí, câu nói "chán việc thì đi học thạc sĩ" đã trở thành một câu nói đùa phổ biến trong Gen Z hiện nay.

Học cao học để... "tránh" lớn

Vừa tốt nghiệp cử nhân loại ưu ngành Quản trị kinh doanh tại một trường Đại học có tiếng vào giữa tháng 8, Phạm Thùy Trang (22 tuổi, Thanh Hóa) đã vội vàng chuẩn bị các thủ tục để học lên cao học. Trang cho biết, sở dĩ có sự lựa chọn này là bởi bản thân đang trong quãng thời gian rảnh rỗi sau khi tốt nghiệp, chưa kiếm được việc làm, cộng với sự thiếu tự tin khi khả năng chuyên môn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu từ các nhà tuyển dụng. Trang cho biết học thạc sĩ chính là “liều thuốc” tạo ảo giác giúp bản thân ... cảm thấy chưa phải là người lớn.

Gần đây, cô nàng dành nhiều thời gian hơn tìm hiểu về chương trình Thạc sĩ Kinh tế. Ý tưởng nảy sinh khi Trang vô tình đọc được từ những thông tin trên mạng xã hội, cho rằng việc theo học cao học chính là một giải pháp tình thế cho sinh viên mới ra trường chưa muốn trưởng thành. Trang chia sẻ: "Việc học Thạc sĩ tuy tốn kém, nhưng mình cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng, biết đâu ở thời điểm hiện tại đó là lựa chọn phù hợp với bản thân thì sao."

Học Thạc sĩ để ... trốn trưởng thành-1
Chán nản, áp lực với công việc, cuộc sống, nhiều sinh viên chọn cách học lên cao như một giải pháp "thoát ly" khỏi thực tại (Ảnh minh họa bởi AI).

Giống với Trang, Phạm Minh Anh (21 tuổi, Hải Phòng) đã chọn con đường học lên cao học ngay từ khi còn là sinh viên năm ba. Được sự ủng hộ nhiệt tình của gia đình, Minh Anh còn song song theo học một chương trình đào tạo song bằng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Hiện tại, Minh Anh đang chuẩn bị tốt nghiệp bằng đại học đầu tiên và sẽ dành 3 năm tiếp theo để hoàn thành chương trình đào tạo kép. Mặc dù bố mẹ khuyên về quê làm việc sau khi ra trường, Minh Anh vẫn quyết định ở lại Hà Nội để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Cô bạn chia sẻ: “Mình thích cuộc sống tự do ở Thủ đô và muốn tận dụng thời gian này để trang bị thêm kiến thức, kỹ năng.”

Học Thạc sĩ để ... trốn trưởng thành-2
Sợ tự lập quá sớm, Gen Z ngày nay chọ cách học cao để "trốn" cảm giác trở thành người lớn (Ảnh minh họa bởi AI).

Dù vậy, Minh Anh cũng thẳng thắn chia sẻ, suốt những năm qua, bản thân được gia đình bao bọc và chu cấp đầy đủ. Việc chưa từng phải đi làm thêm trang trải cuộc sống khiến nữ sinh cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến tương lai. “Mình xem quãng thời gian học thạc sĩ như một giai đoạn chuyển tiếp, giúp làm quen dần với việc tự quản lý tài chính và chuẩn bị tốt hơn cho công việc sau này. Ngoài ra, mình sợ cảm giác phải tự lập quá sớm. Sau nhiều năm được gia đình bao bọc, mình chưa quen với việc phải đối mặt với áp lực cuộc sống", Minh Anh bộc bạch.

Mai Khanh (24 tuổi, Đồng Nai) cũng đang trải qua tình cảnh tương tự. Tốt nghiệp loại Xuất sắc ngành Quan hệ công chúng, kiếm được một việc làm ổn định chỉ sau 1 năm ra trường, thế nhưng, cô nàng sớm cảm thấy “vỡ mộng” bởi thực tế cuộc sống và môi trường làm việc vốn không hề “màu hồng” như bản thân vẫn tưởng. Đó cũng chính là lúc Mai Khanh nghĩ đến việc học thạc sĩ như một “lối thoát” khỏi những khó khăn, bộn bề chốn công sở.

“Ngày còn sinh viên, mình luôn hào hứng với viễn cảnh tự lập. Nhưng khi bước vào đời, mình mới nhận ra những áp lực của công việc. Mình ước gì có thể quay lại thời sinh viên, khi cuộc sống đơn giản và không có nhiều áp lực. Chính vì vậy, mình đã quyết định theo học thạc sĩ”, Mai Khanh chia sẻ.

Lướt một vòng các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp cụm từ “chán việc thì đi học thạc sĩ”, "học thạc sĩ vì chưa muốn trưởng thành" bên dưới những bài đăng than vãn của các bạn trẻ mỗi khi gặp phải những khó khăn, trục trặc khi phải đối mặt với cuộc sống tự lập "hậu tốt nghiệp".

Liệu có phải giải pháp trốn tránh hiệu quả?

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn nhận định rằng việc học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp có thể ảnh hưởng đến tâm lý và định hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ. Bà cho biết: "Việc nhiều bạn trẻ chọn học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp có thể xuất phát từ nhiều lý do khác nhau. Một số bạn muốn nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn để tăng cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Tuy nhiên, cũng có một nhóm bạn trẻ chọn con đường này để tránh phải đối mặt với áp lực của công việc và cuộc sống thực tế. Trong bối cảnh xã hội ngày càng cạnh tranh, áp lực về việc làm và thành công có thể trở nên quá lớn, khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống lao động ngay lập tức".

Học Thạc sĩ để ... trốn trưởng thành-3

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn: "Trong bối cảnh xã hội ngày càng cạnh tranh, áp lực về việc làm và thành công có thể trở nên quá lớn, khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy chưa sẵn sàng bước vào cuộc sống lao động ngay lập tức".

Theo chuyên gia, việc học thạc sĩ ngay sau khi tốt nghiệp đại học là một lựa chọn an toàn cho nhiều bạn trẻ, khi các bạn được tiếp tục làm quen với môi trường học thuật quen thuộc. Tuy nhiên, sự an toàn này cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến các bạn trì hoãn việc hòa nhập vào thị trường lao động. Việc lùi lại một bước có thể giúp tránh những áp lực ban đầu của công việc, nhưng cũng đồng nghĩa với việc bỏ lỡ cơ hội rèn luyện các kỹ năng mềm quan trọng và khám phá những tiềm năng mới của bản thân. Đôi khi, việc học thêm trở thành một cách để kéo dài thời gian đưa ra những quyết định định hình sự nghiệp và cuộc sống.

Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn khuyên các bạn trẻ nên vạch ra định hướng rõ ràng trước khi quyết định học lên cao vì khoản đầu tư cho việc này không nhỏ. Ngay khi còn là sinh viên, các bạn trẻ nên chuẩn bị tâm lý cũng như kiến thức kinh nghiệm cho việc đi làm để khi tốt nghiệp các bạn tự tin bước vào thị trường lao động. Chuyên gia chia sẻ: "Các bạn trẻ nên tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc làm việc bán thời gian trong thời gian học, điều này sẽ giúp các bạn tích lũy kinh nghiệm và chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp sau này. Quan trọng nhất là các bạn nên xác định rõ mục tiêu học tập của mình và không ngại bước vào cuộc sống lao động để tránh rơi vào vòng xoáy của áp lực và sự trì hoãn."

Theo SV.Tienphong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://svvn.tienphong.vn/hoc-thac-si-de-tron-truong-thanh-post1665424.tpo

Sinh viên


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.