Kết hôn muộn - Góc nhìn từ người trong cuộc

So với các thế hệ trước, giới trẻ định hình những quan điểm mới về kết hôn, nhiều trong số họ dành thời gian để ổn định cuộc sống, đầu tư nhiều hơn vào bản thân.

Kết hôn muộn không còn xa lạ trong bối cảnh ngày nay. Đối với xã hội, đây có thể là một xu hướng đáng báo động, khi kết hôn muộn ảnh hưởng lớn tới các mặt của đời sống xã hội. Vậy còn góc nhìn từ người trẻ? Lý do gì khiến họ lựa chọn kết hôn muộn? 

Theo số liệu sơ bộ năm 2023 được Tổng cục Thống kê công bố, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước là 27,2 trong khi con số này ở năm 2022 là 26,9 và 2021 là 26,2. Ở một số thành phố lớn nơi có mức sống cao, số tuổi kết hôn trung bình cũng tăng dần theo từng năm: tại Hà Nội trong năm 2023 là 27,9. Đặc biệt phải kể đến TP.HCM với 30,4 tuổi, cao nhất cả nước. 

Có muôn vàn lý do khiến cho người trẻ quyết định trì hoãn việc kết hôn. So với các thế hệ đi trước, Millennials, Gen Z hay thậm chí là Gen Alpha định hình được những quan điểm mới về việc kết hôn, khi rất nhiều trong số họ quyết định dành thời gian để ổn định cuộc sống, đầu tư nhiều hơn vào bản thân thay vì vội vàng tìm kiếm “bến đỗ cuộc đời”.

Kinh tế có phải là yếu tố chính?

Áp lực về tiền bạc, tỷ lệ cạnh tranh cao trong công việc, số người thất nghiệp hiện nay khiến người trẻ lựa chọn kết hôn muộn như một lẽ đương nhiên. Anh Phạm Đình Diện, 28 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội cũng không có ý định sẽ kết hôn trước năm 30 tuổi: “Mình còn trẻ nên mình chưa đủ điều kiện kinh tế để lo cho người yêu và cũng chưa đủ chín chắn để bước vào một mối quan hệ quá ràng buộc như hôn nhân". 

Kết hôn muộn - Góc nhìn từ người trong cuộc-1

Áp lực tài chính khiến nhiều người chùn bước trước cánh cửa hôn nhân. (Ảnh minh họa)

Bạn Đỗ Công Thành, 23 tuổi, đến từ Hải Phòng bày tỏ: “Ở độ tuổi của mình, mọi người có xu hướng ổn định tài chính, lo cho tương lai nhiều hơn là tìm kiếm tình yêu”. Thành chia sẻ thêm, nam giới thường có xu hướng chịu áp lực từ vấn đề tiền bạc nhiều hơn, muốn ổn định về sự nghiệp để trở thành chỗ dựa vững chắc cho nửa kia, nhưng để ổn định và kết hôn thì qua “độ tuổi vàng”. Đối với phụ nữ hiện nay, họ có xu hướng độc lập về tài chính để tự do trong mọi quyết định chi tiêu cho gia đình và nhu cầu riêng của bản thân.

Có thể thấy, kinh tế luôn là yếu tố được đặt lên hàng đầu khi có ý định tiến tới hôn nhân. Khi hiện nay, giá cả tiêu dùng, giá nhà và các dịch vụ khác tăng cao, chưa kể tới các khoản chi phí khác nếu có ý định sinh con. Không lựa chọn kết hôn sớm nghĩa là người trẻ có cơ hội tập trung hơn vào những điều họ đang ưu tiên trong cuộc sống, một trong số đó là ưu tiên ổn định tài chính, có nhà, có xe, từ đó có sự chuẩn bị tốt hơn cho cuộc sống hôn nhân sau này. 

Ưu tiên những dự định của bản thân

Bạn Hoàng Thanh Trúc, 22 tuổi, hiện đang học tập và làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) chia sẻ: “Trước mắt tôi đang có kế hoạch học tiếp lên Thạc sĩ, sau khi học xong tôi muốn dành thời gian để đi du lịch với bạn bè và khám phá thế giới. Tôi cũng nghĩ bản thân mình chưa đủ trưởng thành để bước vào cuộc sống hôn nhân, tôi vẫn muốn kết nối và tìm kiếm người yêu nhưng cũng xác định rõ với người ấy rằng mình chưa sẵn sàng kết hôn".

Kết hôn muộn - Góc nhìn từ người trong cuộc-2

Một số bạn trẻ lựa chọn dành thời gian du lịch khám phá thay vì yên bề gia thất (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Suy nghĩ của Trúc cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn trẻ hiện nay. Các bạn trẻ gen Z hầu như đều có tư duy độc lập từ rất sớm, họ muốn phát triển bản thân và có nhiều trải nghiệm trước khi quyết định bước vào cuộc sống hôn nhân. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi xã hội ngày càng phát triển thì kéo theo đó là sự cạnh tranh ngày càng lớn, nếu người trẻ không khẳng định được mình thì rất khó để thành công. Hơn thế nữa, với xu hướng thích xê dịch của giới trẻ hiện nay thì việc có gia đình sớm sẽ không thoả mãn được nhu cầu của họ.

“Cuộc sống hiện tại ai cũng muốn chăm sóc cho bản thân nhiều hơn, tức là phải dành thời gian nhiều hơn cho bản thân. Thời gian dành cho bản thân còn cảm thấy không đủ thì rất khó để quan tâm tới chồng và gia đình nhà chồng nếu lựa chọn kết hôn”, bạn Trúc tâm sự.

“Một ngày tôi đi làm 8 tiếng, cuối tuần tụ tập với bạn bè, gia đình và học thêm các lớp kỹ năng mềm. Cuộc sống bận rộn nên khi có thời gian rảnh tôi muốn dành cho bản thân hơn là yêu ai đó. Hiện tại tôi thấy mình đầy đủ về cả vật chất và tinh thần nên vẫn rất hạnh phúc”, bạn Thuỳ Dung 24 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chia sẻ.

Kết hôn muộn - Góc nhìn từ người trong cuộc-3

Người trẻ không có xu hướng ưu tiên hôn nhân trong bối cảnh hiện nay. (Ảnh minh họa)

Đối với những người trẻ có tâm lý “lười” yêu vì cuộc sống của họ quá bận rộn, bước vào một mối quan hệ tình cảm hay thậm chí là hôn nhân chiếm quá nhiều thời gian. Quan điểm của họ là không nhất thiết phải tìm kiếm niềm vui và hạnh phúc từ một mối quan hệ, thay vào đó là tự mình khiến mình hạnh phúc. Những bạn trẻ này có xu hướng ưu tiên những giá trị khác hơn hôn nhân, họ thường đặt ra mục tiêu rất rõ ràng cho tương lai của mình. 

Sợ hãi thực tế cuộc sống

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, kết nối thực đang bị thu hẹp lại, môi trường giao tiếp dần chuyển dịch lên không gian mạng, qua các trang mạng xã hội hoặc những ứng dụng hẹn hò, dẫn đến tình trạng “tìm hiểu nhanh, yêu vội”. Đó thường là những mối quan hệ ảo, chưa đủ niềm tin và kết nối sâu sắc nên khó đi tới hôn nhân. 

Kết hôn muộn - Góc nhìn từ người trong cuộc-4

Việc sử dụng các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Bumble… không còn xa lạ. (Ảnh minh họa)

Bạn Khánh Linh 20 tuổi, đến từ Hà Nội bày tỏ: “Bản thân mình cũng là người dành kha khá thời gian để trải nghiệm các ứng dụng hẹn hò, mình cũng nói chuyện với nhiều đối tượng nhưng hầu hết các mối quan hệ không tiến tới đâu. Mình cảm thấy chán nản với việc tìm kiếm mối quan hệ vì cảm thấy lúc nào mình cũng là một trong những sự lựa chọn của người ta, thật lòng mình không tin là bản thân có thể có một mối quan hệ nghiêm túc trong 'văn hoá hẹn hò' như ngày nay".

Giới trẻ đang có nhiều cơ hội và cách thức để tiếp cận tình yêu, quá dễ dàng để kết nối sẽ dẫn đến nhiều lựa chọn. Họ có thể có suy nghĩ rằng không người này thì người khác, dễ dàng bỏ ngỏ “mối” này và tiến nhanh tới “mối” khác.

Không chỉ vậy, tình trạng những cuộc hôn nhân ít bền vững cùng với tỷ lệ ly hôn cao, bạo lực gia đình ngày càng gia tăng khiến giới trẻ và đặc biệt là nữ giới e ngại việc thành gia lập thất và có xu hướng độc thân nhiều hơn. 

“Những vụ việc ly hôn, chồng hành hung vợ xuất hiện rất nhiều trên mạng xã hội và xung quanh mình khiến mình lo lắng và sợ hãi. Nếu không yêu và cưới đúng người thì hôn nhân rất có thể sẽ trở thành nấm mồ của tình yêu, hay đáng sợ hơn là trở thành nấm mồ của… chính mình”, Dung Nhi, 20 tuổi, hiện đang sinh sống và học tập tại Hà Nội bày tỏ quan điểm. 

Kết hôn muộn - Góc nhìn từ người trong cuộc-5

Nhiều vụ ly hôn, bạo lực gia đình cũng tác động lớn tới xu hướng kết hôn của người trẻ hiện nay. (Ảnh minh họa)

Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho người trẻ hiện nay có xu hướng kết hôn muộn. Thực trạng này không chỉ ở Việt Nam còn được ghi nhận ở rất nhiều các nước phát triển trong khu vực như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,… Điều này được lý giải với xu hướng phát triển đề cao tính tự do và tự chủ cá nhân, xã hội cởi mở hơn dẫn đến việc người trẻ cũng không vội vàng bước vào hôn nhân nếu chưa có đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi độc thân.

Có thể trong tương lai, xu hướng này sẽ trở thành trào lưu nếu như không có sự can thiệp kịp thời. Bởi dù sao nếu tỉ lệ kết hôn muộn hay thậm chí không lập gia đình ngày càng gia tăng thì sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ về mặt xã hội như tình trạng thiếu hụt nguồn lao động hay già hoá dân số. 

Ở một mức độ nào đó, xu hướng kết hôn muộn phù hợp với suy nghĩ và dự định của nhiều bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, nếu như không có sự quan tâm và định hướng phù hợp thì tình trạng này cũng có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng tiêu cực cho sự phát triển lâu dài của xã hội.

Theo 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/ket-hon-muon-goc-nhin-tu-nguoi-trong-cuoc-ar903848.html

kết hôn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.