Nửa đời yêu thương con riêng của chồng, mẹ kế khóc nức nở ngày nhận 'quả ngọt'

Cha mẹ ly hôn khi anh Vương còn nhỏ dại. Buồn chán, anh sống bất cần. Từ ngày về sống với mẹ kế, anh biết sợ “những giọt nước mắt” của yêu thương.

Mẹ kế cảm hóa con chồng

Những ngày đi làm xa, anh Nguyễn Quốc Vương (SN 1990, quê ở huyện An Lão, Bình Định) quay quắt nỗi nhớ nhà. Anh nhớ nhất người mẹ không máu mủ ruột rà nhưng thương anh hơn cả con ruột. 

Anh Vương gọi mẹ kế của mình là "mẹ Thanh" (bà Nguyễn Kim Thanh, quê ở Bình Định) ước chừng mới được 10 năm. Trước đó, anh từng ghét cay ghét đắng mẹ kế dù bà chẳng hề làm gì mình.

Nửa đời yêu thương con riêng của chồng, mẹ kế khóc nức nở ngày nhận quả ngọt-1
Anh Vương và mẹ Thanh trong dịp đi Lâm Đồng. Ảnh: NVCC

Cha mẹ ruột ly hôn từ năm anh Vương 5 tuổi. Anh biết lý do cha mẹ bỏ nhau. Điều đó ám ảnh suốt tuổi thơ của một đứa trẻ.

Anh Vương sống cùng mẹ, thỉnh thoảng đi thăm cha. Năm anh học lớp 8, cha đã sống với mẹ kế được hơn 5 năm. Mẹ kế có một cậu con trai riêng, nhỏ tuổi hơn anh Vương. Chồng trước của bà qua đời do bạo bệnh.

Cũng trong năm học lớp 8 đó, anh Vương nghịch phá, bị mẹ ruột đánh một trận tơi bời. Anh bỏ nhà vào sống cùng cha và mẹ kế.

Mẹ kế là giáo viên dạy văn ở trường anh Vương theo học. Về sống chung nhà, anh bướng bỉnh, không chịu gọi mẹ, chỉ gọi một tiếng "cô" như lúc ở trường. Anh nghịch phá, mẹ kế không đánh mắng nhưng anh vẫn ghét bà.

Ở trường, bà Thanh là giáo viên giỏi, còn Vương thuộc diện học sinh cá biệt. Anh phá phách, chểnh mảng việc học. Bà âm thầm xin xỏ, năn nỉ đồng nghiệp bỏ qua và giúp anh Vương. Về nhà, bà không nói cho anh biết, chỉ ngồi khóc một mình. 

Nhà có gì tốt, món ăn ngon, bà Thanh luôn nhường phần hơn cho con trai riêng của chồng, khuyên con trai ruột nhường nhịn.

Khi anh Vương lớn hơn, cha mới kể cho anh nghe những chuyện mẹ kế từng làm trong thầm lặng. Anh dần nhận ra rằng, mẹ kế không sinh ra mình nhưng công nuôi dưỡng tựa như biển trời. 

Từ một người sống bất cần đời, anh Vương được mẹ kế cảm hóa trở thành chàng trai giàu tình cảm, sống có trách nhiệm.

Yêu thương như ruột thịt

Anh Vương lấy vợ, mẹ kế đi khắp nơi vay tiền tổ chức đám cưới. Lễ cưới của anh mời rất đông khách, đủ đầy lễ nghĩa. Lúc làm lễ gia tiên, anh Vương trịnh trọng dẫn vợ đến chào bà Thanh.

Anh xúc động, lần đầu gọi bà Thanh một tiếng “mẹ”. Bà Thanh bật khóc, ôm vợ chồng anh Vương vào lòng.

Sau này, lễ cưới con trai riêng của bà Thanh lại tối giản hết mức. Đám cưới có vài mâm, khách mời chẳng được mấy người. Bà động viên con: “Đám cưới anh Vương mời nhiều khách rồi. Đám cưới con không mời nữa, làm phiền người ta”.

Nửa đời yêu thương con riêng của chồng, mẹ kế khóc nức nở ngày nhận quả ngọt-2    
Bà Thanh yêu thương cả hai con trai. Ảnh: NVCC

Con trai riêng của bà Thanh hiền lành, thương và nể trọng anh Vương như ruột thịt. Từ nhỏ đến lớn, anh chưa bao giờ so bì, hơn thua với người anh khác cha khác mẹ. Vợ anh noi gương chồng, sống hòa thuận với vợ chồng anh trai.

Vợ anh Vương lần lượt sinh con, 1 trai và 1 gái. Đứa cháu nào cũng do một tay bà Thanh chăm sóc. 

Hồi bé, con trai của anh thường quấy khóc, chỉ khi nằm cùng bà Thanh thì mới ngủ ngoan. Bởi vậy, bé được 18 tháng tuổi đã sang ngủ hẳn và bám bà cho đến lớn. Bà đi đâu cháu cũng lẽo đẽo theo sau. Bà có ít tiền, toàn mua quà vặt cho cháu.

Những lúc cháu nội làm nũng, nói răng con hô giống bà nội, bà Thanh liền mắng yêu: “Bà có đẻ ra cha con đâu mà giống”. Cháu bé nghe vậy nhõng nhẽo: “Kệ, bà không đẻ cha, nhưng đẻ ra con”. Vậy là, bà cháu ôm nhau cười khúc khích.

Đời anh Vương lăn lộn từ nhỏ chẳng biết sợ điều gì, nhưng nước mắt của mẹ Thanh là ngoại lệ. Mỗi lần bà Thanh gọi “Vương ra đây mẹ bảo”, anh sợ đến tái mặt. Anh không sợ bà đánh mắng, mà lo bà khóc nhiều không tốt cho sức khỏe.

Đôi lúc ngồi suy ngẫm, anh Vương lại tặc lưỡi, nếu gia đình anh mà không có mẹ Thanh xuất hiện thì không biết sẽ ra sao. 

Anh Vương đi làm xa, bà Thanh trở thành chỗ dựa tinh thần cho vợ con anh. Mỗi dịp về thăm nhà, anh đều tranh thủ sà vào lòng, ôm mẹ Thanh làm nũng. Những lúc ấy, lòng anh lại dâng lên những cảm xúc thật khó tả. 

 

Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/nua-doi-yeu-thuong-con-rieng-cua-chong-me-ke-khoc-nuc-no-ngay-nhan-qua-ngot-2297347.html

mẹ kế


Có nên mở hé cửa hoặc cửa sổ khi có bão để giảm nguy cơ tốc mái, hư hại nhà cửa?
Trong khi bão số 3 (bão Yagi) đang đi sâu vào đất liền, trên các mạng xã hội, có một số người khuyên rằng khi có bão, nên mở hé cửa sổ hoặc để một cửa nào đó mở nhằm giảm áp suất không khí trong nhà, giúp giảm nguy cơ bị tốc mái, vỡ cửa sổ và các kiểu hư hại khác. Đây có phải là việc nên làm trong cơn bão không?

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.