Quanh trào lưu khoe quà trên mạng xã hội

Không chỉ người trẻ tuổi mới chăm khoe quà tặng trên mạng xã hội, trào lưu này lan sang cả những người đã giàu trải nghiệm sống. Những món quà tạo bão tương tác thường xa xỉ, như xe sang, hàng hiệu thậm chí có người còn không ngại khoe tiền, vàng.

Quanh trào lưu khoe quà trên mạng xã hội-1
Lọ Lem từng khoe quà tặng mẹ ngày 8/3: Một bức tranh hoa mẫu đơn do cô tự vẽ cùng bức thư viết tay. Món quà giản dị này nhận được nhiều bình luận tích cực từ cộng đồng mạng

Khoe cả đi thăm người ốm

Tạo trào lưu khoe quà xa xỉ chính là “sao” Việt. Dịp valentine vừa qua, ca sĩ Đăng Khôi khoe hình ảnh tặng vợ chiếc ô tô điện màu hồng. Không phải lần đầu Đăng Khôi tặng vợ quà xa xỉ. Nhân dịp kỷ niệm 8 năm ngày cưới, anh tặng vợ một căn hộ diện tích 160 m2 . Kỷ niệm 7 năm ngày cưới anh tặng vợ bất động sản trị giá hơn 40 tỷ đồng. Có khán giả bình luận: Những màn tặng quà cho vợ của Đăng Khôi còn ấn tượng hơn con đường ca hát của anh.

Đầu năm 2025, con gái của diễn viên, MC Quyền Linh gây chú ý với xe sang trị giá nhiều tỷ đồng. Đây là món quà cô tặng bản thân, có sự hỗ trợ về tài chính của cha mẹ. Lọ Lem, biệt danh của con gái Quyền Linh thoải mái chia sẻ loạt ảnh nhận xe mới. Cư dân mạng được dịp bình luận rôm rả, không ít ý kiến chỉ trích phong cách sang chảnh của Lọ Lem đối lập với lối sống giản dị, thường mang dép tổ ong của người cha nổi tiếng. Có người lại thắc mắc: Lọ Lem lấy đâu số tiền lớn để mua xế sang?Cuộc sống yên lành của cô gái 19 tuổi bỗng dưng bị tác động chỉ vì món quà quá đặc biệt có giá hơn cả một đời tích lũy của một người lao động bình thường.

Phong cách của “sao” tác động mạnh tới công chúng. Nếu không có trào lưu khoe quà trên mạng xã hội, làm sao biết được ở nước ta có nhiều cô dâu sở hữu nhiều vàng đến vậy? Có cô dâu khoe hình ảnh cổ và tay đeo đầy vàng, còn ôm theo cả hộp lớn đựng kiềng vàng thu hút bão “like” (thích). Một cô dâu ở An Giang từng khoe quà cưới “siêu khủng” gồm tiền Việt, USD, kim cương, vàng… Cô còn viết, quà vẫn còn nữa mà hết chụp nổi, sau đó nhận luôn thành tích “khởi nghiệp thành công”.

Chẳng cần giàu sang cũng có thể gia nhập trào lưu khoe quà trên mạng. Ngày đầu tiên đi làm sau tết, mạng xã hội tưng bừng cảnh khoe tiền, từ người trẻ đến người không còn trẻ đều hào hứng khoe những phong bao lì xì. Quả là “tuổi gì cũng thích lì xì”. Trong một năm, phụ nữ có nhiều dịp khoe quà hơn nam giới: sinh nhật, lễ tình nhân, Quốc tế phụ nữ, Ngày phụ nữ Việt Nam. Cứ những dịp này không khí mạng xã hội chắc chắn thuộc về chị em.

Còn có một mùa thuộc về các phụ huynh, ấy là mùa khoe giấy khen của con khi năm học kết thúc. Các phụ huynh coi đây là món quà con cái tặng cha mẹ. Khoe thành tích học tập của con cũng từng gây tranh cãi khắp cõi mạng.

Nhà thơ Đ.A đánh giá: “Tôi thấy kiểu khoe tệ nhất trên mạng xã hội bây giờ không phải khoe xe, khoe hàng hiệu mà là khoe đi thăm người ốm. Nhiều người ốm không muốn lộ diện thế mà hình ảnh tiều tụy của họ lại tràn lan cõi mạng vì người đến thăm đã tung ảnh, rất kém nhân văn”. Thi sĩ nhìn nhận, ham khoe trên mạng xã hội đến từ lối sống ảo và áp lực của việc “nuôi phây”.

“Việc quá chú trọng vật chất và thành tựu bên ngoài khiến con người bỏ qua những giá trị nội tại và cảm xúc chân thật. Mặc dù chia sẻ niềm vui là quyền tự do cá nhân, nhưng nếu chỉ xây dựng hình ảnh qua những món quà hay thành tích, sẽ tạo áp lực tâm lý, đặc biệt đối với giới trẻ. Họ dễ dàng đánh giá bản thân qua những yếu tố vật chất mà không quan tâm đến phát triển toàn diện về tinh thần và phẩm chất cá nhân”.

Nhà nghiên cứu Phạm Thị Huyền,

Viện Nghiên cứu Con người - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam

Thiếu cân bằng trong xây dựng giá trị bản thân

Trào lưu khoe quà trên mạng xã hội khiến nhiều chàng trai rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Một doanh nhân ngoại quốc sống tại khu đô thị Ciputra (Hà Nội), chia sẻ, anh mến một phụ nữ Việt. Cô ấy đã qua một lần đò và có sở thích khoe quà trên mạng xã hội. Khi anh ngỏ lời yêu, cô đề nghị anh nên nói những lời yêu trong không gian của nhà hàng sang trọng, kèm theo quà tặng là chiếc nhẫn kim cương. Đề nghị của cô khiến xúc cảm trong anh tụt dốc. Hai người không đến được với nhau.

Minh Hằng (25 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) lại nhìn nhận theo hướng tích cực. Theo chị, trào lưu khoe quà trên mạng xã hội thịnh hành nhiều năm nay góp phần kích thích tiêu dùng. Chị nói: “Khảo sát trực tuyến người tiêu dùng do hãng Nielsen tiến hành nhiều năm trước đã chỉ ra, người châu Á - Thái Bình Dương chuộng hàng hiệu nhất thế giới, trong đó Việt Nam xếp thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Ở ta hàng hiệu là quà tặng được cả nam và nữ đều yêu thích”.

Thanh Hòa (42 tuổi, kinh doanh tự do tại Hà Nội) đã ngừng sử dụng facebook một năm nay. Chị trải lòng: “Mấy năm nay làm ăn khó khăn, chúng tôi chắt chiu từng chút để nuôi con ăn học. Nhưng lên mạng xã hội thấy ai cũng khoe nhà, khoe xe, khoe những chuyến du lịch, khiến tôi thấy buồn, thương cho thân mình, thương cho chồng con, nên ngừng sử dụng mạng xã hội”.

Nhà nghiên cứu Phạm Thị Huyền (Viện Nghiên cứu Con người - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) cho rằng: “Chia sẻ niềm vui khi nhận quà là tự nhiên nhưng khi trở thành xu hướng lại đặt ra những câu hỏi về tâm lý và giá trị xã hội. Hành động này có thể xuất phát từ mong muốn chia sẻ niềm vui và thể hiện sự tự hào cá nhân, sự biết ơn đối với người tặng quà nhưng có thể trở thành sự phô trương, dẫn đến tâm lý so sánh và ganh đua trong cộng đồng mạng”.

Bà Huyền đánh giá, xu hướng khoe quà trên mạng phản ánh sự thay đổi trong văn hóa, khi giá trị vật chất được đề cao hơn cảm xúc cá nhân. Trào lưu cho thấy sự thiếu cân bằng trong việc xây dựng giá trị bản thân.

Theo Tiền phong

Xem link gốc Ẩn link gốc https://tienphong.vn/quanh-trao-luu-khoe-qua-tren-mang-xa-hoi-post1719500.tpo

trào lưu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.