Tại sao gọi ngày rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu?

Gia đình nào cũng tổ chức cúng rằm tháng Giêng, nhưng không phải ai cũng biết vì sao ngày 15 tháng 1 Âm lịch lại được gọi là Tết Nguyên tiêu.

Rằm tháng Giêng là một trong những dịp lễ quan trọng ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam với tên gọi Tết Nguyên tiêu.

Vì sao gọi rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu?

Trong tiếng Hán, "nguyên" có nghĩa là thứ nhất, và "tiêu" có nghĩa là đêm. Nguyên tiêu được hiểu là đêm rằm đầu tiên của năm mới. Ngày 15 tháng 1 Âm lịch là thời điểm trăng tròn đầu tiên sau Tết Nguyên đán. Chính vì thế, Tết Nguyên tiêu còn được gọi là lễ Thượng nguyên (Tết Trung nguyên là rằm tháng Bảy, còn Tết Hạ nguyên là rằm tháng Mười).

Trả lời trên Vietnamnet, TS Trần Long, giảng viên khoa Văn hóa học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết, Tết Nguyên tiêu ở Việt Nam có nguồn gốc sâu xa từ Trung Quốc, có nhiều tài liệu và câu chuyện được lưu truyền về nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu.

Một trong những câu chuyện được kể nhiều nhất là câu chuyện về một con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới và bị thợ săn bắn chết. Tin tức này đến tai Ngọc hoàng, vị thần đứng đầu thiên đình, khiến ngài nổi giận và quyết định ra lệnh phóng hỏa thiêu trụi mọi thứ ở trần gian vào ngày rằm tháng Giêng.

May mắn thay, một vị thần với lòng thương dân sâu sắc đã xuống hạ giới và chỉ dẫn cho người dân cách thoát khỏi tai ương. Ngài mách mọi người treo đèn lồng màu đỏ trước cửa nhà. Ngọc hoàng từ thiên đình nhìn xuống, thấy màu đỏ chan hòa, tưởng rằng hạ giới đã chìm trong ngọn lửa hừng hực nên không ra lệnh đốt nữa. Nhờ đó, trần gian đã thoát khỏi sự huỷ diệt.

Do vậy, trong Tết Nguyên tiêu, người Trung Quốc thường treo đèn lồng đỏ như một cách tỏ lòng biết ơn đối với vị thần thiện tâm.

Tại sao gọi ngày rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu?-1
Vì sao gọi rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu? (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Một câu chuyện phổ biến khác kể về nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu xuất phát từ thời nhà Hán. Có một cung nữ vô cùng buồn tủi vì không thể trở về thăm cha mẹ vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm. Trong cơn tuyệt vọng muốn tự tử, cô đã được một vị quan cảm động và giúp đỡ.

Ông nghĩ ra một kế sách: Báo với hoàng đế rằng thiên đình sẽ giáng họa, sai hỏa thần xuống thiêu rụi kinh thành vào ngày 16/1 Âm lịch. Để tránh tai họa, trước đó một ngày, mọi gia đình phải thắp đèn lồng trước cửa để xua đuổi tai ương. Nhờ vậy, kinh thành được trang hoàng rực rỡ và cung nữ ấy có cơ hội lén về nhà mà không bị phát hiện.

Một câu chuyện khác về nguồn gốc Tết Nguyên tiêu liên quan đến Hán Văn đế của Trung Quốc. Vị vua này lên ngôi đúng vào ngày rằm tháng Giêng, vì thế hàng năm khi ngày này đến, ông thường rời cung điện để hòa mình vào không khí lễ hội, vui cùng dân chúng. Chữ "đêm" trong cổ ngữ Trung Hoa phát âm là “tiêu”, và vì rằm tháng Giêng là đêm trăng tròn đầu tiên của năm, nên Hán Văn đế quyết định gọi ngày này là Tết Nguyên tiêu.

Ngoài các truyền thuyết liên quan đến hoàng cung và vua chúa, rằm tháng Giêng còn được cho là có nguồn gốc từ nghề nông. Sau rằm tháng Giêng, vụ chiêm bắt đầu, nông dân khắp nơi chuẩn bị cho mùa vụ mới. Trước khi xuống đồng, họ tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa và vụ mùa bội thu.

Các tài liệu khác cũng chỉ ra rằng rằm tháng Giêng có mối liên hệ sâu sắc với Phật giáo. Vào ngày này, chư tăng tập trung để nghe Phật thuyết Pháp, và những tín đồ Phật giáo nhân dịp này để tưởng nhớ đến đức Phật. Nhiều người tin rằng đây là đêm đức Phật giáng lâm, nên họ đi chùa cầu an, cầu phúc cho bản thân và gia đình.

Dù có nhiều cách lý giải về nguồn gốc ngày Tết Nguyên tiêu, tất cả những câu chuyện và truyền thuyết này đều thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với thiên nhiên, trời đất, thần phật, tổ tiên và ước vọng về một năm mới bình an, may mắn, và thịnh vượng.

Tại sao gọi ngày rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu?-2
Lễ hội Tết Nguyên tiêu tổ chức tại TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Thọ)

Ý nghĩa ngày Tết Nguyên tiêu

Ở Việt Nam, ngày Tết Nguyên tiêu có những phong tục đẹp và ý nghĩa. Đây là thời điểm mà mọi gia đình sửa soạn lễ cúng gia tiên, dâng lên ông bà tổ tiên những món ăn truyền thống như bánh chưng, xôi, gà luộc, hoa quả... để tỏ lòng tri ân và cầu mong sự phù hộ cho gia đình. Ngoài ra, đi chùa cũng là một hoạt động phổ biến trong ngày này. Người dân thường đến chùa lễ Phật, cầu bình an, sức khỏe và may mắn cho bản thân và gia đình.

Một trong những điểm nhấn của Tết Nguyên tiêu chính là lễ hội hoa đăng. Ở nhiều nơi, người ta thả đèn lồng lên trời hoặc đèn hoa đăng trên mặt nước, tạo nên một khung cảnh lung linh đầy huyền ảo. Hành động thả đèn không chỉ để ngắm cảnh đẹp mà còn mang ý nghĩa gửi gắm những ước nguyện và hy vọng của con người.

Bên cạnh đó, Tết Nguyên tiêu còn là dịp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Những phong tục, nghi lễ và các trò chơi dân gian trong ngày này đã góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giáo dục thế hệ trẻ về những nét đẹp trong phong tục tập quán của ông cha.

Theo VTCnews

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vtcnews.vn/tai-sao-goi-ngay-ram-thang-gieng-la-tet-nguyen-tieu-ar924929.html

Rằm tháng giêng

Tết Nguyên Tiêu


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.