‘Harvard ném phao, sinh viên phải tự bơi hoặc chết chìm'

Tôn Hà Anh - nữ sinh đạt học bổng toàn phần chia sẻ, Đại học Harvard không cho cô danh tiếng, mà mang lại cả thế giới và cơ hội trong lòng bàn tay.

Tôn Hà Anh - nữ sinh đạt học bổng toàn phần chia sẻ, Đại học Harvard không cho cô danh tiếng, mà mang lại cả thế giới và cơ hội trong lòng bàn tay.

Duệ Quách - Người sáng lập của Calm Clarity là một người Mỹ gốc Việt từng nhận học bổng danh giá tại trường Đại học Harvard. Trong chia sẻ của mình, Diệu Quách nói: "Harvard khi đó (và có thể đến tận bây giờ) là nơi bạn hoặc biết bơi hoặc sẽ chết chìm".

Có chung suy nghĩ này, Tôn Hà Anh (sinh năm 1992, cựu học sinh trường Amsterdam, sinh viên năm cuối ngành Kinh tế Đại học Harvard cũng chia sẻ, sinh viên trong trường luôn nắm tay nhau để không bị "chết chìm". Đó là cách chia sẻ trong học tập. Cô cùng Nguyễn Tuấn Hải - Nhà sáng lập Eton Grammar School đã có buổi trò chuyện “Các câu chuyện giáo dục qua lăng kính Harvard”.

Trước đó, Hà Anh từng nhận học bổng toàn phần của 5 trường đại học danh tiếng tại Mỹ: Harvard, Princeton, Columbia, Brown và Wellesley.

Những áp lực vô hình của Harvard

Cô sinh viên Việt Nam Tôn Hà Anh kể lại cảm xúc, khi mới vào trường, Hà Anh từng có cảm giác... bực mình, bởi Harvard không có ngành Kế toán hay Báo chí. Harvard quan niệm những ngành đó là hướng nghiệp nên dạy các kỹ năng như tư duy, sáng tạo, tự học, quản lý, đề cao việc tự học và nghiên cứu.

Những giáo sư hàng đầu ở Harvard đều bắt học sinh dành thời gian tìm hiểu, nghĩ ra ý tưởng trước khi được phép làm việc với họ.

‘Harvard ném phao, sinh viên phải tự bơi hoặc chết chìm'
Hà Anh chia sẻ về những trải nghiệm ở Harvard. Ảnh: Quyên Quyên.

Hà Anh ví, Harvard đưa cho mỗi sinh viên một chiếc phao, họ phải tự xoay sở. Còn ông Nguyễn Tuấn Hải đưa ra thống kê, có tới 15-20% học sinh đã nhập học Harvard đã bỏ cuộc, có thể không phải vì họ kém cỏi mà do môi trường không phù hợp.

Hà Anh chia sẻ: “Mỗi sinh viên đặt chân vào Harvard đều từng là những người xuất sắc nhất trong môi trường cũ. Cùng học và làm bạn với những người đứng đầu trong môi trường nặng về học thuật, kỳ vọng của người xung quanh… là áp lực vô hình của những sinh viên trường Harvard”.

Sinh viên trong trường còn gặp áp lực về thời gian khi có đến hàng trăm sự kiện diễn ra trong liên tiếp. Với sức hút từ những diễn giả lớn trên thế giới, sinh viên có quá nhiều điều làm cùng một lúc mà không thể “phân thân”. Vì vậy, ngoài tình yêu với học thuật, người thành công trong môi trường Harvard phải biết sắp xếp thời gian hiệu quả.

Điều đặc biệt, trong một môi trường tự xoay sở, những sinh viên của Harvard phải nắm tay nhau để cùng “sống”. Ví dụ, khi Giáo sư yêu cầu mỗi tuần một sinh viên đọc 1.000 trang. Không thể thực hiện, các thành viên trong lớp thường chia thành từng nhóm đọc để tóm tắt, chia sẻ cho nhau. Điều này trở thành một nét văn hóa đặc trưng của Harvard.

Ngoài ra, ở Harvard còn có áp lực giữa sự chênh lệch của tầng lớp thượng lưu và bình dân, như Diệu Quách – một người gốc Việt ở Mỹ nói: “Với tôi, Harvard là nơi người ta đeo lên mình những khuôn mặt giả tạo chính đáng”.

Hà Anh cho biết, trường học luôn tồn tại những nhóm kín là sinh viên quý tộc. Các thành viên khác chỉ có thể vào được bằng thư giới thiệu, đồng thời phải trải qua thử thách. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng gì đến cô bởi số lượng nhóm này chỉ chiếm 0,01%. Theo Hà Anh, những năm qua, Harvard đã luôn cố gắng thay đổi và mang lại môi trường bình đẳng, đa dạng hơn.

Bài học về người vô gia cư và tính nhân bản trong giáo dục Harvard

Theo nữ sinh người Việt, ở Harvard có tỷ lệ cứ 7 sinh viên thì có một giáo sư, vì vậy khoảng cách giữa họ rất gần gũi. Mỗi tuần, giáo sư phải có 2-3 giờ mở cửa phòng để học sinh tự do đến hỏi những vấn đề còn băn khoăn, luôn có học sinh xếp hàng dài để nói chuyện với thầy.

‘Harvard ném phao, sinh viên phải tự bơi hoặc chết chìm'

Nguyễn Tuấn Hải - Nhà sáng lập Eton Grammar School cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm du học. Ảnh: Quyên Quyên.

Ngoài xã hội, những giáo sư có thể là những lãnh đạo cấp cao nhưng trong bài giảng, họ luôn tâm huyết chia sẻ những trải nghiệm của mình.

Cô kể lại câu chuyện bài giảng của một giáo sư, ông đã nói với sinh viên về thắc mắc khi nhìn thấy những người vô gia cư ở Mỹ không có công ăn việc làm. Trong khi đó có những cửa hàng bán quần áo luôn thiếu người. Sau này, khi được học ông mới biết phần đông số người vô gia cư đều mắc bệnh tâm thần, suốt cuộc đời họ không thể có việc làm và không ai thuê họ cả. Bệnh tâm thần phát triển vào lúc 20-40 tuổi, là độ tuổi tinh hoa nhất mà một con người có thể ôm cả thế giới trong lòng bàn tay. Đó là một điều rất đau lòng.

Hà Anh bày tỏ, những kiến thức khô khan đã được chia sẻ thành những câu chuyện rất thật, như một bài giảng in trong tâm trí cô gái.

Nhận xét về những giáo sư của Harvard, cô gái Việt Nam cho rằng: Đa số những người càng giỏi họ càng khiêm tốn. Còn Nguyễn Tuấn Hải nhận định, họ thực sự lôi cuốn như những “ngôi sao”. Ở Mỹ luôn có những Giáo sư quyền lực trong xã hội nhưng không quyền lực trong học trò.

Hà Anh phân tích, bên cạnh sự cạnh tranh gắt gao, tính chất nhân bản của giáo dục đã luôn được Harvard thể thiện. Từ khâu tuyển sinh, bên cạnh kỳ thi chuẩn hóa, Havard không chỉ nhìn vào điểm số mà coi trọng thư giới thiệu của thầy cô để biết được nhân cách của sinh viên. Bài luận không nhằm những vấn đề to tát mà kể chuyện bởi chính những chuyện sâu thẳm và cá nhân nhất. Cuộc phỏng vấn để vào trường cũng tìm hiểu rất kỹ con người thực sau khi bước ra khỏi thành tích học tập. Harvard luôn cố gắng xây dựng môi trường đa dạng và lấy “đa dạng” là tôn chỉ để thành công.

Hà Anh kể chuyện, những chiếc bàn trong nhà ăn của Harvard rất to và dài, điều này bắt buộc sinh viên luôn phải ngồi cùng để từ đó nói chuyện với những người không quen biết. Vì vậy, từ một tân sinh viên, Hà Anh đã quen đến nửa trường sau năm học đầu tiên. Ở Harvard không mang sứ mệnh thay đổi thế giới.

Ở Harvard cũng luôn có truyền thống văn hóa đẹp, đó là thế hệ đi trước giúp đỡ thế hệ sau. Harvard không mang sứ mệnh giải cứu các vấn đề của thế giới, mà giúp thay đổi cuộc sống của nhiều người, chú trọng giúp sinh viên giải quyết các vấn đề.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.