Những điều nước Mỹ dạy du học sinh Việt

Nếu cứ mãi sống một cách vô thức, ta sẽ tự biến mình thành những đối tượng già nua và dần sẽ bị đào thải ra khỏi bước tiến của sự phát triển.

Tâm sự của một bạn du học sinh sau khoảng thời gian dài học tập, sinh sống tại Mỹ về những mong muốn, khát khao thay đổi cái nhìn, nhận thức của người Việt Nam nói chung và thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng.

Với tốc độ phát triển chóng mặt của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, sự già nua, chậm trễ dần dần sẽ bị thay thế bởi sức trẻ, sự năng động và óc sáng tạo. Con người từ hàng triệu năm trước vẫn luôn không ngừng tiến hoá và phát triển, chính vì thế vào thời điểm hiện tại ta càng không thể dậm chân tại chỗ và chờ đợi bước tiến tiếp theo một cách vô định. Nếu cứ mãi sống một cách vô thức, ta sẽ tự biến mình thành những đối tượng già nua và dần sẽ bị đào thải ra khỏi bước tiến của sự phát triển.

Việc được sống và học tập tại Mỹ, với tôi là cơ hội vô cùng lớn trong cuộc đời để được học hỏi những tinh hoa từ đất nước với vị thế là “người dẫn đường” cho sự phát triển của cả thế giới. Để có thể tồn tại và bứt phá cùng dòng tiến của nhân loại, việc đất nước ta nên làm là học theo những nước đi trước và dĩ nhiên học phải đi đôi với hành. Học từ những điều nhỏ nhất, mỗi cá nhân hãy tự thúc đẩy chính bản thân mình thay đổi, đừng trông đợi xã hội xung quanh mình biến chuyển. Mỗi cá nhân đều có vai trò quan trọng trong việc định hình nên xã hội. Nếu tất cả mọi người cùng nhận thức đúng đắn và thay đổi tích cực, một sức mạnh tổng hợp sẽ được tạo ra, khiến cho xã hội chuyển mình và phát triển. Ngược lại, nếu ai cũng trông chờ vào người khác, xã hội sẽ trì trệ, chậm trễ và tụt hậu với đà phát triển của thế giới.

Thay đổi nhận thức là việc quan trọng hàng đầu

Nói đến việc học hỏi từ một nền văn minh đi trước thì không thể là chuyện “một sớm một chiều”. Ta nên tiếp cận với sự thay đổi từ những điều cơ bản nhất, điều mà đa số người dân Việt Nam còn thiếu hụt, do đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Một trong những điểm yếu lớn nhất của người Việt Nam nằm chính ở sự nhận thức, điều cơ bản nhất cần có của một nước phát triển. Với vị thế là một nước nhỏ trên bản đồ thế giới, trải qua hàng nghìn năm sống dưới ách đô hộ, đất nước ta mới thực sự vươn lên và phát triển được trong vòng hơn hai mươi năm gần đây. Nhìn nhận thẳng vào những thứ ta còn thiếu sót, yếu kém thì mới có thể tìm lối giải quyết, từ đó khắc phục và tạo đà phát triển cho những lợi thế mà ta đang có. Nhưng không thể đổ tại sự khó khăn, nghèo khó mà ta chấp nhận là “kẻ đi sau”. Người Mỹ vẫn luôn nhắc đi nhắc lại một câu rằng: “Đừng bao giờ nghĩ mình kém cỏi, mà hãy tự hỏi bản thân đã thực sự nỗ lực cố gắng hết sức mình chưa?”

Thường có sự đố kỵ, ganh ghét tồn tại trong mỗi con người

Trong suy nghĩ của người Mỹ, họ luôn gạt đi tất cả những suy nghĩ tiêu cực, dù trong hoàn cảnh khó khăn thế nào đi nữa. Hãy luôn có niềm tin vào bản thân, niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn, vì không có thứ gì tồn tại một cách hoàn hảo, và cũng không có gì là bất biến, không thể thay đổi. Một điểm quan trọng nữa trong nhận thức của người Mỹ là họ luôn tin vào khả năng của chính mình. Chính vì vậy họ luôn đánh giá rất khách quan về điểm mạnh của từng người. Đây cũng là điều mà ta đang cần trong tình trạng con người sống chung với nhau nhưng thường có sự ganh ghét, đố kỵ trong mỗi người. Điều này sẽ khiến xã hội thụt lùi, vì nhiều người luôn tìm cách hạ thấp người khác, nhằm mục đích để nâng cao vị thế của bản thân. Ngược lại, với nhận thức của một đất nước văn minh, người Mỹ chung sống với nhau trong sự cởi mở, cạnh tranh sòng phẳng. Họ sống trong một xã hội, nơi mỗi người đều có quyền tự do phát triển những điểm mạnh của riêng mình.

Người Mỹ luôn có nhận thức đúng về lợi thế của bản thân, song không bao giờ ganh ghét, đố kỵ và luôn tìm cách phát huy điểm mạnh của mình để thành công. Với người Mỹ, họ luôn nhìn nhận sự thành công của mỗi người qua những nỗ lực, cố gắng mà cá nhân đó đã bỏ ra để đạt được mục tiêu, qua đó đánh giá mức độ thành. 

Điển hình như câu chuyện về Steve Jobs, một người với xuất phát điểm là một cậu bé không được sống trong bàn tay nuôi dạy của cha mẹ đẻ; tự quyết định bỏ học đại học để theo đuổi niềm đam mê công nghệ của bản thân, ai dám nghĩ rằng Steve Jobs sẽ thành công? Vậy mà với niềm đam mê cũng như một khối óc vĩ đại, Steve Jobs đã thành công và có thể nói những sản phẩm, những triết lý của ông đã góp phần làm nên bước tiến mới của nhân loại. Thành công rực rỡ như vậy, Steve Jobs không thể nào tránh khỏi cảnh “người đời dòm ngó”. Vào thời gian xuất phát điểm của Apple, nhiều người cho rằng Bill Gates đã sao chép hầu hết ý tưởng của Steve Jobs để áp dụng vào một dòng sản phẩm của Microsoft trong cùng thời gian đó. Nhưng thay vào việc kiện tụng, chèn ép lẫn nhau, cả hai quá đủ thông minh để nhận ra rằng họ cần nhau như thế nào để phát triển. Từ đó cả hai công ty của Steve Jobs và Bill Gates đã ký một bản hợp đồng chéo với nhau cùng sử dụng chung ý tưởng. Đến thời điểm này, không ai có thể bàn cãi được rằng: Apple và Microsoft là hai công ty có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghệ của nhân loại. Nhìn nhận vào sự thành công của họ, yếu tố cộng hưởng, chung tay phát triển dường như là điều không thể thiếu để đưa họ đến đỉnh cao như ngày hôm nay. 

Người Việt Nam còn rất dè dặt trong việc chia sẻ và thiếu cởi mở về bản thân

Một việc quan trọng nữa cần phải học hỏi từ nước Mỹ là họ luôn giữ cho mình một lối sống cởi mở. Chính vì lối sống đó họ mới có thể đánh giá và nhìn nhận mọi sự việc một cách thấu đáo và rộng lượng hơn. Điều này thể hiện một cách rõ rệt ngay trong cuộc sống hàng ngày, họ không ngần ngại với việc bắt chuyện với bất cứ ai ngay cả khi xếp hàng chờ mua cà phê buổi sáng, trên xe buýt, hay trong những buổi tiệc với những người bạn mới. Thường thì cuộc hội thoại của họ không hề liên quan đến những vấn đề gì quá cao xa. Chính vì họ ko ngần ngại cởi mở về bản thân, họ cảm thấy họ có thể chia sẻ nhiều điều về cuộc sống xung quanh mình, kể cả là những điều khá thầm kín. Chính những chia sẻ đó hình thành một sự gần gũi, đồng cảm, giúp hai người có thể tin tưởng, thấu hiểu nhau hơn và từ đó hình thành một mối quan hệ bền chặt.

Nhìn lại người Việt Nam, chúng ta vẫn còn rất dè dặt trong việc chia sẻ và thiếu cởi mở về bản thân. Trong giao tiếp hàng ngày, nếu giữa hai người tồn tại khoảng cách, tiếp cận câu chuyện một cách dè dặt, sẽ dễ gây ra những hiểu lầm và làm cho việc đặt lòng tin vào người đối diện trở nên khó khăn. Việc gây dựng lòng tin cũng như đặt niềm tin vào người khác là điều hết sức quan trọng. Niềm tin chính là cơ sở cho mọi thành công. Một khi có được niềm tin về công việc, chúng ta mới có được động lực để cống hiến hết mình với công việc đó.

Để thấm nhuần những bài học đáng giá về sự phát triển của Mỹ, cũng như những nước phát triển khác, không phải chuyện “ngày một ngày hai”. Bản thân tôi cũng chưa thể hiểu và cảm nhận hết những nét đẹp của nước Mỹ, nhưng với thời gian sinh sống và học tập tại Mỹ, tôi nghiệm ra được rất nhiều điều, và điều đó thôi thúc tôi phải thay đổi. Tôi muốn sống tốt hơn, sống có ích hơn. Điều tôi mong muốn nhất từ các bạn trẻ Việt Nam rằng, hãy luôn tin tưởng vào chính bản thân mình và hãy tin rằng mình sẽ là người gây dựng và phát triển đất nước lớn mạnh hơn, vì chính chúng ta là những con người đó, chúng ta chính là hiện thực, là tương lai của đất nước Việt Nam.

Theo Trace, Duy Phan / Trí Thức Trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.