Phương pháp dạy Toán đặc biệt ở Singapore

Giáo viên ở Singapore không yêu cầu học sinh thuộc lòng bảng nhân chia hay luyện tính nhẩm. Thay vào đó, các em có thể gấp giấy, đếm kẹo để hiểu vấn đề và làm việc theo nhóm.

Giáo viên ở Singapore không yêu cầu học sinh thuộc lòng bảng nhân chia hay luyện tính nhẩm. Thay vào đó, các em có thể gấp giấy, đếm kẹo để hiểu vấn đề và làm việc theo nhóm.

Singapore là quốc gia nổi tiếng có nhiều người giỏi Toán học. Theo kết quả nghiên cứu về xu hướng Toán và Khoa học quốc tế (TIMSS) của Hiệp hội Đánh giá Thành tựu Giáo dục Quốc tế (IEA) công bố ngày 29/11, học sinh Singapore giỏi Toán và Khoa học nhất thế giới.

Khi dạy Toán, giáo viên ở Mỹ, Anh hoặc một số quốc gia khác thường yêu cầu học sinh phải học thuộc lòng bảng phép nhân từ 1 đến 12 và luyện tập tính nhẩm. Trong khi đó, Singapore lại cấm học sinh học vẹt, đồng thời khuyến khích các em vận dụng kiến thức vào thực tế, chia sẻ ý tưởng khi làm việc theo nhóm.

Phương pháp dạy Toán đặc biệt ở Singapore - Ảnh 1.
Học sinh Singapore được khuyến khích làm việc theo nhóm với sự hướng dẫn của giáo viên. Ảnh: Getty.

Các lớp học Toán ở Singapore luôn ồn ào và bàn tán sôi nổi. Học sinh gấp giấy, xây dựng mô hình, sắp xếp lại các mẩu trái cây hoặc kẹo mút. Theo Independent, phương pháp trên do Bộ Giáo dục Singapore đề xuất triển khai và là một trong những yếu tố giúp nước này có tên trong bảng xếp hạng quốc tế về thành tích Toán học.

Ling Yuan, giáo viên dạy Toán tại trường Trung học Công giáo Singapore, cho biết trẻ em cần hiểu tốt những thứ cơ bản, có một nền tảng vững chắc trước khi tiếp thu những kiến thức sâu hơn. Đầu tiên, các em phải thao tác với đối tượng trong thực tế, sau đó diễn đạt lại bằng tranh ảnh trước khi sử dụng ký hiệu.

“Phương pháp sử dụng tranh ảnh, cụ thể hóa bằng đồ vật khá hữu hiệu bởi nó giúp học sinh hình dung được số lượng và tỷ trọng. Khi đó, một bức tranh cụ thể hình thành trong đầu các em. Học sinh hiểu biết sâu sắc hơn thông qua mô phỏng bằng các hạt đậu hay sợi mì ống…”, Ling nói.

Cũng theo giáo viên này, họ không bắt học sinh phải ghi nhớ, học thuộc lòng bảng nhân chia. Thầy cô sẽ dạy trẻ cách tính 12 x 6 bằng cách tách thành hai phép tính là 2 x 6 và 10 x 6 sau đó cộng tổng với nhau. Nhờ đó, các em sẽ có được kết quả nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Trẻ em ở Singapore bắt đầu đi học khi 7 tuổi, mỗi lớp khoảng 40 học sinh và trộn lẫn các trình độ với nhau. Giáo viên thường chờ cho tất cả học sinh cùng đạt đến một tiêu chuẩn cơ bản cho mỗi chủ đề trước khi chuyển sang dạy khái niệm tiếp theo.

Trong lúc chờ các bạn yếu hơn tiếp thu kiến thức cơ bản, các em giỏi sẽ dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về chủ đề đó. Ngoài ra, trường cũng khuyến khích các em học hỏi lẫn nhau.

Phương pháp dạy Toán đặc biệt ở Singapore - Ảnh 2.
Học sinh được sử dụng đồ vật thực tế tính toán và tìm ra kết quả. Ảnh: Arkonline.org.

“Bạn có thể sẽ sốc khi bước vào một lớp học ở Singapore. Giáo viên không phải là người đứng trên bục giảng mà sẽ làm việc với từng nhóm học sinh và tham gia bàn luận về vấn đề sôi nổi. Thầy cô khuyến khích các em giải quyết vấn đề cùng nhau”, Ling giải thích.

Người này cũng cho hay đôi khi phụ huynh cũng tỏ ra lo lắng vì con cái họ dường như đang chơi trong các giờ Toán. Tuy nhiên, họ sẽ hài lòng khi xem điểm kiểm tra giữa năm của đám trẻ.

Giáo viên sẽ đưa ra ví dụ minh họa cho các khái niệm thông qua hình ảnh, sử dụng hình chữ nhật được chia thành nhiều phần hoặc một khối hình nào đó. Học sinh có thể vẽ số lên đối tượng. Đây được gọi là phương pháp tiếp cận “maths mastery” (làm chủ Toán học).

Bên cạnh đó, nếu như ở Anh, học sinh được học kiến thức dàn đều, trải rộng nhưng không sâu thì tại Singapore, các em được tiếp cận số lượng chủ đề hạn chế nhưng chọn lọc, tập trung nghiên cứu và hiểu ở mức độ sâu hơn. Qua đó, họ không chỉ học được kiến thức để giành điểm cao trong các kỳ thi mà còn có thể áp dụng thực tế.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.