Con dâu khóc ròng vì mẹ chồng ép... đẻ nữa đẻ mãi

Cũng bởi chồng chị là con một, nhà neo người nên mẹ chồng cứ thích con đàn cháu đống. Chị đã sinh ba đứa con rồi nhưng vẫn còn ít so với mong muốn của mẹ chồng, bà ép chị phải sinh thêm.

Cũng bởi chồng chị là con một, nhà neo người nên mẹ chồng cứ thích con đàn cháu đống. Chị đã sinh ba đứa con rồi nhưng vẫn còn ít so với mong muốn của mẹ chồng, bà ép chị phải sinh thêm.

Ngày anh đưa chị về ra mắt, mẹ anh đã tỏ ra “bồ kết” chị. Bởi chị tuy không sắc nước hương trời nhưng ngoan ngoãn, hiền lành, dễ bảo. Và cái quan trọng hơn là chị có dáng “thắt đáy lưng ong” chỉ cần “đụng vào là đẻ”. Thấy nhiều người cưới nhau đã lâu mà không có con hoặc đẻ được một “mống” đã “tịt” nên khâu chọn lựa con dâu của bà khá kĩ càng. Bà thích những người con gái “dễ đẻ” để tăng nòi giống của nhà bà lên theo cấp số nhân.

Anh là đứa con duy nhất của bà. Bố anh mất từ hồi anh mới lên hai tuổi. Thương con, dù còn xuân sắc nhưng bà vẫn ở vậy nuôi con chứ không nỡ lòng đi thêm bước nữa. Nhà vốn đã neo người, quanh năm suốt tháng chỉ có hai mẹ con làm bầu làm bạn. Lắm lúc nhìn thấy người ta con cái đề huề, gia đình đông đúc bà cũng thấy chạnh lòng. Bà cũng từng ước rồi khao khát mình có con đàn cháu đống như họ.

Thương mẹ, hiểu được nỗi lòng của mẹ nên khi lớn lên đến tuổi lập gia đình anh cố gắng chiều theo ý mẹ. Rong ruổi kiếm tìm mãi rồi anh quyết định chọn chị, một người con gái đủ các tiêu chí mà mẹ anh hài lòng.

Chị là con cả trong một gia đình thuần nông đông con không mấy khá giả. Ngày chị lấy anh ai cũng trầm trồ, cho rằng chị tốt số. Bởi nhà anh không giàu nhưng mẹ con anh ai cũng rất hiền lành, cuộc sống ở nhà chồng của chị sẽ “dễ thở”. Chị sẽ không phải lo lắng nhiều đến chuyện quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Nhưng khi về sống chung rồi chị mới vỡ lẽ, nhà chồng hiền thì hiền thật nhưng chỉ thích “con đàn cháu đống” nên cứ ép chị phải đẻ ít nhất cũng phải “trọn một bàn tay”.

mẹ chồng
Ảnh minh họa

Nhà chị vốn đông con, chị hiểu cảnh đông con sẽ cực khổ đến nhường nào. Chị sợ đẻ nhiều không lo được cho con đến nơi đến chốn thì cũng phải tội, rồi cứ kiếp này qua kiếp khác cái nghèo vẫn cứ đeo đẳng. Đồng ý, sinh con đẻ cái là chuyện thường nhưng chị chỉ muốn “dừng lại ở hai con để nuôi và dạy cho tốt”. Sau ba năm lấy anh, chị sinh được một trai, một gái. Nghĩ nhà đã “có nếp có tẻ” chị có ý định kế hoạch không sinh thêm nữa: “Có trai, có gái rồi sinh nữa làm gì”. Nhưng mẹ chồng chị nhất quyết không chịu. Lúc đầu, bà nói nhẹ: “Nhà mình vốn neo người, con cố sinh thêm mấy đứa nữa cho vui cửa vui nhà, sau này chúng nó lớn lên lúc mình đau ốm còn có đứa này đứa nọ. Chứ ít con chẳng biết trông cậy vào ai”. Thấy mẹ chồng nói cũng có lý, lại được chồng chị hùa vào: “Đúng đấy em ạ, con cái là của trời cho, người ta không sinh được đã đành, còn mình sinh được thì cứ sinh. Vất vả một chút nhưng hạnh phúc”. Chị đành tặc lưỡi nghe theo: “Thôi thì sinh thêm một đứa nữa vậy”.
 
Đứa con thứ ba của chị chào đời, cuộc sống gia đình chị bắt đầu gặp nhiều khó khăn. Đồng tiền kiếm được quê vốn đã khó, nay lại thêm con thêm nhiều thứ phải chi tiêu. Đó là chưa kể lúc con ốm đau cứ phải còng lưng chạy vạy. Đã ba đứa cháu nhưng mẹ chồng chị vẫn còn chưa hài lòng, bà còn chê ít: “Ba đứa vẫn còn ít quá, thêm một đứa nữa đi con”. Chị chết lặng, đẻ nhiều mà không có điều kiện để bồi bổ như người ta nên sức khỏe chị có phần giảm sút. Lần này chị chống chế: “Thôi, ba đứa đủ rồi, con không sinh thêm nữa đâu, sinh nhiều lấy gì cho nó ăn, rồi lớn lên còn đi học nữa”. Mẹ chồng chị lại khuyên: “Con cứ đẻ thêm đi, có gì mẹ phụ giúp nuôi nấng”. Nhìn cảnh đàn con nheo nhóc, chị không đành lòng sinh thêm nữa. Chị chỉ muốn làm việc chăm chỉ để lo cho ba đứa nên người.

Biết nói nhẹ không làm thay đổi ý định của chị mẹ chồng chị quay ra khó chịu: “Đông con càng vui chứ sao, tôi chả hiểu chị nghĩ thế nào, lúc nào cũng sợ nghèo đói. Có ai giàu ba họ, ai khó ba đời bao giờ đâu”. Thấy chẳng ăn thua, bà giận dữ ra mặt: “Chị không sinh thêm nữa, tôi bảo chồng chị lấy vợ khác để nó sinh cháu cho tôi. Tôi nói là nó nghe đó, chị liệu cái thân chị ấy”. Nghe mẹ chồng nói thế chị chẳng biết làm gì ngoài khóc.

Thà rằng chưa chị chưa sinh được cháu cho bà thì bà nói thế cũng được, đằng này chị đã ba mặt con rồi. Chị không nghĩ mẹ chồng lại “khát” cháu đến mức như thế. Thà nhà giàu có dư giả, sinh nhiều con mà vẫn có thể lo cho con đến nơi đến chốn thì chị chẳng nói làm gì, đằng này kinh tế vốn đã eo hẹp. Hai vợ chồng chỉ biết nhìn vào mấy sào ruộng sao có thể lo nổi cho con? Hơn thế, việc chị tặc lưỡi sinh thêm con vì mẹ chồng ép đẻ khiến chị "nổi danh" vì vi phạm luật sinh đẻ kế hoạch. Mỗi lần đi họp ở địa phương, tên chị lại được dịp nêu đi nêu lại để cảnh cáo, cảnh báo.

Sinh nhiều là không lo được cho con thì tội con lắm. Nhưng nếu không sinh thì chắc chắn gia đình chị không yên vì ý định lấy vợ khác cho con của mẹ chồng chị. Vì chị biết chồng chị vốn rất nghe lời mẹ. Chị rơi vào tình thế bế tắc thật sự nghĩ hoài mà chẳng thể tìm cho mình một lối thoát... 

Theo Trí thức trẻ


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.