Khen ngợi con: dễ mà khó!

"Con nặn cái gì mà lung tung thế. Nhồi đất lại cho mau. Nặn thế này thì có mà bị cô mắng chết. Sao ngu thế...!". Đó không phải là những lời lẽ quá xa lạ của một số cha mẹ ngày nay. Có vẻ như sự khen ngợi - động viên con trẻ luôn là món ăn "khó nuốt" của không ít bậc phụ huynh.

Quên khen con

Trong những tình huống tương tự, phản ứng thường thấy ở phụ huynh vẫn là la mắng. Ở đây, bóng dáng của sự động viên biến mất vì sự nóng nảy của cha mẹ. Cùng tình huống trên, khi chúng tôi can thiệp ngay với phụ huynh, và hỏi bé: "Con nặn con gì mà lạ thế?". Bé đáp: "Con nặn con rắn". "À thế à, con rắn như thế nào mà xinh thế con?". "Dạ con nặn hai con rắn, con rắn mẹ cõng con rắn con...".

Lúc bấy giờ, không chỉ chúng tôi mà ngay cả người trong cuộc cũng cảm thấy bất ngờ vì sự sáng tạo của trẻ. Nếu không có lời khen ngợi, động viên, cha mẹ sẽ không thể nhận ra trí tưởng tượng phong phú của con mình.

Thực tế cho thấy, khi cha mẹ quên động viên, con cái sẽ không cảm nhận được động cơ cần cố gắng. Khi cha mẹ không khuyến khích - khen ngợi, chắc chắn trẻ sẽ không nỗ lực hết mình vì không cảm nhận được giá trị của chính mình. Nếu thường xuyên không nhận được sự động viên, trẻ sẽ không ý thức được những tình cảm đích thực của cha mẹ dành cho mình.

Không nhất thiết phải là những món quà to về vật chất, không cần đến những quy đổi "tiền bạc" hay những bữa ăn, đôi lúc, sự khuyến khích - khen ngợi chỉ là một lời nói, một cái xoa đầu, một cái vỗ vai, một nụ cười hoặc một cái nheo mắt thân tình.

Khen đúng và khéo léo

Trước hết, phải hiểu khen ngợi và khuyến khích là nhu cầu không thể thiếu của con người, trong đó trẻ em trước tuổi thành niên thực sự luôn mong mỏi được nhận sự khen ngợi - khuyến khích từ người lớn. Tuy nhiên, lời phê bình chân thành là một ngọn đuốc sáng, lời khen tặng qua quýt sẽ như là một dải băng đen che mắt. Vì thế, khen ngợi - khuyến khích con cần phải xuất phát từ tấm lòng và một chút khéo léo.

Bên cạnh đó, cha mẹ nên khen ngợi - khuyến khích con mình một cách nghiêm túc và có cơ sở. Thực ra, khen con không khó, vấn đề là phải khen đúng ưu điểm hay sự vượt trội của trẻ. Hãy bắt đầu bằng việc đánh giá thực lực của con, nhìn ra triển vọng của con để có sự hỗ trợ cần thiết.

Khen là rất cần nhưng sẽ chưa đủ nếu thiếu thưởng. Thưởng có khen sẽ nhân lên niềm vui cho con trẻ. Tuy nhiên, khen trẻ là kích thích trẻ phấn đấu chứ không nên "bơm phồng" sự thật để rồi trẻ ngộ nhận mình là số một. Nên lưu ý, việc khen ngợi - khuyến khích là để giúp trẻ nỗ lực và cố gắng hơn, chứ không phải là sự thừa nhận hay tôn vinh để trẻ trở thành nhân vật trung tâm...

Khen ngợi và khuyến khích con dễ mà khó vì đa số chúng ta có quan điểm là phải nghiêm khắc, đòi hỏi con nhiều hơn, rằng khen ngợi sẽ làm "hỏng" con mình. Tuy nhiên, nếu cảm nhận hạnh phúc của con chính là hạnh phúc của mình, bạn sẽ biết đưa ra lời khen ngợi vừa đủ để trẻ từng bước khẳng định sự tự tin vào bản thân và trở nên cứng cáp, vững vàng trong cuộc sống về sau.

Theo TS Nguyễn Thị Tứ



Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.