Mẹ bầu kiêng khem vì sợ béo: Hậu họa khôn lường
Quá sợ viễn cảnh phát phì, nhiều thai phụ đã tìm mọi cách “cắt giảm” thực đơn để rồi nhận lấy hậu họa khôn lường.
Quá sợ viễn cảnh phát phì, nhiều thai phụ đã tìm mọi cách “cắt giảm” thực đơn để rồi nhận lấy hậu họa khôn lường.
Ngày nay, khi cánh cửa công nghệ thông tin và đa phương tiện rộng mở, các chị em mang thai có cơ hội tiếp xúc với kiến thức chung của thế giới. Chính vì vậy, họ biết cách tự chăm sóc bản thân và thai nhi để có một thai kỳ khỏe mạnh và đứa trẻ ra đời cứng cáp.
Tuy nhiên, nhiều khi vì quá “bội thực” thông tin, mà nhiều mẹ bầu đã tác động xấu đến sự phát triển của đứa bé trong bụng mà không hề hay biết. Trong hệ thống thông tin này, một yếu tố thường gặp và được nhiều chị em quan tâm tìm hiểu chính là tiêu chuẩn cân nặng tăng thêm của phụ nữ trong giai đoạn mang thai.
Chị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) là một ví dụ điển hình, từ khi mới có bầu đến tháng thứ 4, chị đã tăng 6 kg. Đến thời điểm 22 tuần đi khám định kỳ và siêu âm 4D, chỉ số cân nặng tăng thêm của chị đã ngấp nghé con số 13. Những bước đi nặng nề và lượng đường cũng như protein trong xét nghiệm nước tiểu của chị đã khiến bác sĩ phải cảnh báo rằng chị khó mà sinh thường được nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Nhiều chị em dễ phát phì trong thời kỳ mang thai do thay đổi thói quen ăn uống. (Ảnh minh họa)
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có rất nhiều thay đổi do sự điều khiển của các hoóc môn. Có người thì chán ăn, nhưng cũng có người thấy nhu cầu dinh dưỡng của bản thân tăng lên đột biến. Chính vì vậy, nhiều mẹ bầu không thấy mình tăng lên nhiều cân, và cũng nhiều người bỗng dưng phát phì vì ăn uống không điều độ. Như trường hợp của chị Thủy ở trên, do luôn có cảm giác thèm ăn và lại tâm niệm “ăn cho hai người”, nên lúc nào người ta cũng thấy chị đang nhóp nhép nhai một thứ gì đó.
Tuy nhiên, không phải cứ ăn nhiều, lên cân nhiều mới là tốt. Chị Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mình đi học lớp tiền sản, thấy giáo viên nói là khi mang bầu chỉ nên tăng từ 8 đến 12 kg thôi. Nếu tăng nhiều quá thì cũng chẳng vào con được mấy, mà lại đâm ra nặng nề và khó đẻ. Đã thế, đẻ xong lại béo phì, muốn giảm cân cũng phải trường kỳ kháng chiến mới được”.
Quả thật, theo tiêu chuẩn quốc tế, một phụ nữ mang thai nên tăng từ 8-12kg so với cân nặng trước thai kỳ. Nhưng cũng vì kiến thức mang tính “tiêu chuẩn” này mà nhiều chị em phụ nữ thực hành một hướng hoàn toàn tiêu cực.
Sau khi đi học lớp tiền sản về, với 10kg cân nặng tăng thêm ở tháng thứ 6 của mình, chị Nguyệt quyết tâm “phanh” chuyện ăn uống lại. Chị bắt đầu đặt ra cho mình một chế độ kiêng khem với mục tiêu đến ngày sinh nở chỉ tăng tổng cộng là 12kg. Thay vì ăn uống đầy đủ chất, chị bỏ hoàn toàn các thức ăn có nhiều tinh bột như cơm, bánh mì, chỉ ăn đúng 3 bữa/ngày, và trong bữa ăn chỉ ăn rau củ luộc. Ngay cả cữ sữa tối trước khi đi ngủ 1 tiếng chị cũng bỏ, cho dù đến giờ đó, bụng chị đói meo. Giải pháp của chị là ôm gối đi ngủ cho quên cơn đói, vì thể nào “sáng ngủ dậy cũng được ăn sáng luôn rồi”.
Đứng lên bàn cân mỗi tuần, chị chưa kịp hí hửng được bao lâu thì đến ngày đi khám định kỳ ở tuần thứ 30, bác sĩ nhẹ nhàng nhắc nhở chị là đứa bé có dấu hiệu phát triển chậm lại. Tại thời điểm đi khám, cân nặng của bé trai trong bụng chị so với chỉ số trung bình vẫn còn kém khoảng 1 tuần tuổi, mặc dù trước đó bé luôn được khen là có các chỉ số phát triển lý tưởng.
Cũng rơi vào trường hợp lo lắng về cân nặng như trên, chị Phương (Từ Liêm, Hà Nội) sau một tháng cố gắng ép cân, giờ đây đã "tỉnh ngộ" sau khi bị cả bác sĩ lẫn chồng mắng cho một trận ra trò. Trong tháng vừa qua, chị càng cố nhịn và cắt giảm bớt khẩu phần hàng ngày, thì chị lại càng thèm ăn. Ăn ít đi một bát cơm, thì giữa buổi làm hay cả khi tối muộn, cơn đói bụng lại giục giã chị tìm đến gói bánh quy, cốc sữa, và muôn kiểu đồ ăn vặt khác. Thậm chí, có lúc chị đang đi đường cũng phanh gấp lại để mua ngay một chiếc bánh rán nóng hổi để ăn cho đỡ thèm. Và giờ đây, chị lại đang phải thực hiện một chế độ ăn uống khác còn nghiêm ngặt hơn, khi những dấu hiệu tiểu đường cuối thai kỳ đã dần xuất hiện.
Hãy chọn hoa quả làm thức ăn vặt cho mình - đây là biện pháp rất hiệu quả để tránh tăng cân mà không khiến cho cơ thể thiếu chất. (Ảnh minh họa)
Vẫn biết nên có động thái kiểm soát cân nặng trong giai đoạn mang thai, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc các mẹ bầu tìm cách giảm cân cho… thon thả về sau. Để tránh trường hợp tăng quá nhiều cân, cũng như tránh việc tăng cân quá ít, gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và đến cả sức khỏe của chính bản thân người phụ nữ, các chuyên gia khuyên bạn nên ghi nhớ:
- Số cân nặng nên tăng thêm không phụ thuộc vào “tiêu chuẩn thế giới”, mà phụ thuộc vào chính cơ thể của bạn. Nếu bạn là một người thấp bé, nhẹ cân thì nên tăng từ 10-15kg. Còn nếu bạn vốn có một cơ thể đẫy đà, thì chỉ cần tăng từ 7-11kg.
- Không được bỏ bữa. Chính việc duy trì một chế độ ăn đầy đủ và đều đặn giúp bạn tránh được cảm giác thèm ăn và ăn bù một cách thiếu khoa học bằng những thức ăn sẵn nhiều chất béo.
- Ăn đủ chất. Dù chất béo, tinh bột và đường khiến bạn tăng cân nhanh hơn, nhưng nếu thiếu chúng thì không chỉ cơ thể bạn mà cả đứa bé trong bụng cũng thiếu chất và kém phát triển. Chính vì vậy, hãy cân đối các thực đơn chứ không được loại bỏ hoàn toàn các chất nói trên ra khỏi bữa ăn của mình.
- Ăn nhiều rau xanh và hoa quả. Đặc biệt, những lúc cảm thấy đói bụng, thay vì nhịn ăn để chống béo phì, hãy chuẩn bị sẵn những loại hoa quả tươi ngon để cho mình thưởng thức, đồng thời bổ sung thêm nhiều loại vitamin và dưỡng chất cho bé yêu phát triển toàn diện.
Theo TTVN