Những mâu thuẫn giữa bố mẹ và ông bà khi nuôi dạy con

Ông bà là một phần quan trọng trong cuộc sống của bất cứ đứa trẻ nào. Tuy nhiên đôi khi sự quan tâm của ông bà với những đứa cháu lại dễ châm ngòi cho một cuộc chiến gia đình.

Ông bà là một phần quan trọng trong cuộc sống của bất cứ đứa trẻ nào. Tuy nhiên đôi khi sự quan tâm của ông bà với những đứa cháu lại dễ châm ngòi cho một cuộc chiến gia đình.

Khoảng cách thế hệ khiến cho quan điểm đối với việc nuôi dạy con của bố mẹ và ông bà có những điểm khác biệt khá rõ ràng. Hiện nay phần nhiều các gia đình ở Việt Nam vẫn là gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống, việc nuôi con như thế nào, dạy con ra sao của các bố mẹ vì thế thường gặp phải những đánh giá, phán xét không thiện chí của ông bà.

Những mâu thuẫn kinh điển giữa bố mẹ và ông bà khi nuôi dạy con 1

Bên cạnh đó nhiều bố mẹ bận rộn công việc nên vẫn phải nhờ vả ông bà trông nom và chăm sóc con giúp, vì thế sự quan tâm của ông bà với những đứa cháu nhiều khi lại dễ châm ngòi cho một cuộc chiến gia đình. Dưới đây là những điều dễ khiến “cuộc chiến” giữa bố mẹ và ông bà nổ ra nhất:

1. Đặt tên cho trẻ

Việc đặt tên cho con luôn là một việc tốn nhiều “giấy mực” và các cuộc họp gia đình, đặc biệt đối với các gia đình có con đầu, cháu sớm hoặc những gia đình có cháu đích tôn, độc tôn… Các ông bà thường có xu hướng muốn giành phần đặt tên cho cháu trong khi bố mẹ thì có quan niệm rằng “con mình đẻ ra mình phải đặt tên”.

Nếu gặp phải tình huống này, thì tốt nhất các bố mẹ nên trao đổi thẳng thắn với ông bà về suy nghĩ và quyết định của mình, để sao cho việc đặt tên cho con vẫn như ý muốn mà không làm ông bà mất lòng. Một trong những gợi ý hay là bố mẹ hãy đưa ra một vài sự lựa chọn mà mình thích nhất và giải thích cặn kẽ cho ông bà về ý nghĩa của từng cái tên mà mình muốn đặt cho con.

2. Mua quà cho trẻ

Phần lớn các bố mẹ đều cảm thấy không hài lòng về những món quà mà ông bà mua cho con mình. Ông bà thường có xu hướng mua cho lũ trẻ những món quà mà chúng thích hoặc vòi vĩnh, trong khi phần lớn những món quà đó lại nằm trong danh sách “hạn chế” của bố mẹ.

Đối với ông bà, tốt nhất trước khi mua quà cho cháu, nên tham khảo qua ý kiến của bố mẹ các cháu, còn đối với bố mẹ, khi ông bà tặng cháu món quà gì đó chưa vừa ý, đừng tỏ ra khó chịu ngay lúc đó vì dù sao bạn vẫn là người quyết định chính việc con sẽ sử dụng món quà đó như thế nào, hãy góp ý tế nhị với ông bà hoặc tâm sự với ông bà những sở thích của con, gợi ý cho ông bà những món đồ mà bạn tin là con sẽ thích, hẳn là ông bà sẽ vô cùng thoải mái và vui vẻ vì lần sau không phải suy nghĩ đau cả đầu mỗi khi muốn mua quà cho cháu.

3. “Lờ đi” mọi nguyên tắc ăn uống

Dường như bữa ăn nào cũng trở nên vô cùng căng thẳng nếu có mặt ông bà. Trong khi các mẹ cố gắng đưa trẻ vào những nguyên tắc ăn uống lành mạnh thì ông bà luôn tỏ ra hoặc lo ngại, hoặc khó chịu, hoặc sốt ruột vì cách cho ăn của các bà mẹ. Ông bà thường sẵn sàng bón cho cháu ăn hết bát cơm đầy nếu cháu tỏ ý không muốn ăn, thậm chí cho cháu vừa ăn bim bim, xem tivi vừa ăn cơm nếu cháu muốn… Nếu như không trực tiếp cho cháu ăn thì ông bà cũng thường “mát mẻ” các mẹ những câu kiểu như: “Bé tí mà đã học đòi ăn bốc ăn bải, có ngày hóc thì biết xoay xở thế nào!” hay “Cho con nó ăn thế này thì đau dạ dày sớm có ngày….”

Tốt nhất là các bố mẹ hãy kiên định với lựa chọn của mình và thuyết phục ông bà bằng thành quả là những tiến bộ mà con đạt được. Còn nếu bạn vẫn phải nhờ vả ông bà cho con ăn thì hãy chia sẻ và quy định với ông bà ngay từ đầu quan điểm và suy nghĩ của bạn về việc cho con ăn uống, nếu ông bà đồng thuận thì không có gì tuyệt vời hơn, còn nếu ông bà phản đối thì bạn buộc phải lựa chọn thôi, hoặc để ông bà cho con bạn ăn theo cách mà ông bà muốn (và bạn hãy vui vẻ về điều đó), hoặc cố gắng tìm cách nào đó để bạn có thể tự cho con ăn theo cách của mình.

Những mâu thuẫn kinh điển giữa bố mẹ và ông bà khi nuôi dạy con 2
Việc của ông bà là chơi với cháu, vì thế, hãy tạo điều kiện để ông bà có thể tận hưởng nhiều nhất "công việc" đó của mình. (Ảnh minh họa)


4. Cằn nhằn về cân nặng của trẻ và so sánh cháu mình với cháu người khác

Mọi câu chuyện của ông bà rồi thế nào cũng sẽ quay về chuyện cân nặng của cháu, với quan niệm cháu phải bụ bẫm, béo khỏe nên dường như đứa cháu nào trong mắt ông bà cũng bị thiếu cân. Đó cũng chính là lý do vì sao, ông bà chính là trở ngại lớn nhất của các bố mẹ khi cho con ăn dặm theo các phương pháp mới như ăn dặm BLW, ăn dặm kiểu Nhật…

Cân nặng cũng là lý do chính kéo theo chuyện mang cháu mình đi so sánh với cháu người khác, nào là “cháu nhà hàng xóm ít tháng mà nặng hơn cháu nhà mình mấy lạng” cho đến chuyện “cháu nhà hàng xóm ăn hết cả bát tô bột trong khi cháu mình thì bốc bải được vài ba miếng cà rốt hấp thì làm sao mà béo được”… Tóm lại, đối với ông bà thì cháu nhà người ta lúc nào cũng hơn cháu nhà mình.

Nếu có điều kiện thì hãy nói chuyện thêm với ông bà về tiêu chuẩn cân nặng và sự phát triển riêng của từng đứa trẻ. Đừng ngại giới thiệu cho ông bà những cuốn sách nuôi con khoa học và những thông tin bổ ích vì bản thân người có tuổi rất thích đọc… Đó chính là cơ hội để ông bà hiểu hơn về cách nuôi con của bạn để từ có sự ủng hộ và đồng thuận cần thiết.

5. Chê bai, phê phán bố mẹ trước mặt trẻ

Đôi khi ông bà vẫn nghĩ rằng con mình còn bé và vì thế thoải mái quát mắng, chê bai con mình trước mặt các cháu. Điều đó thực sự làm cho các bố mẹ cảm thấy khó chịu và mất mặt, nhất là những lúc ông bà tỏ ra phản đối cách nuôi dạy con của bố mẹ với những câu kiểu như: “Bố mẹ chúng mày chỉ học đòi, ngày xưa chúng tao nuôi thế nào mà giờ bố mẹ mày được như thế!” hay “Chẳng hiểu chúng mày nuôi con cái kiểu gì?”…

Dù có thể các bố mẹ sẽ rất tự ái về hành xử của ông bà nhưng cũng đừng vì thế mà nổi cáu hay giận dỗi ông bà lâu, hãy chọn cách hoặc im lặng rút lui hoặc cười xòa dạ vâng cho ông bà qua cơn tức giận, tuy nhiên sau đó nhất định phải nói chuyện và góp ý thẳng thắn với ông bà. Không phải ông bà nào cũng có tư tưởng tiến bộ và có thể lắng nghe bạn ngay, nhưng chắc chắn ông bà nào cũng thương con quý cháu, vì thế, hãy để ông bà yên tâm rằng, bạn cũng như vậy và tất cả những điều bạn làm cũng là vì muốn không khí gia đình ngày một tốt hơn.

Theo Trí thức trẻ


Đưa hôn nhân qua mùa... thất vọng
Thất vọng là một "liều thuốc độc" của hôn nhân. Nó không gây ra cái chết ngay lập tức mà từ từ ngấm vào cuộc hôn nhân và đến một ngày, nếu không phát hiện ra mà "chữa" kịp thời, hôn nhân sẽ tử vong…

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.