Phan Huyền Thư có thể vừa "bức tử" điều gì?

Hình như đã có một thời những nhà thơ nhà văn được coi là nghệ sĩ đích thực, và thơ văn là tiếng nói tối cao của tâm hồn.

Hình như đã có một thời những nhà thơ nhà văn được coi là nghệ sĩ đích thực, và thơ văn là tiếng nói tối cao của tâm hồn. 

Phan Huyền Thư vừa gửi thư đến Hội Nhà Văn xin rút khỏi một giải thưởng vừa được trao cho cô vì nghi án đạo thơ, nhưng nhất quyết không nhận rằng mình đã đạo thơ. (Ảnh: NXB)

Như Hoài Thanh từng viết: "Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm ngàn lần". 

Bây giờ, người làm thơ nhiều lúc bị cho là dở hơi, công việc làm thơ thật là lẩn thẩn và thơ văn thì không biết là tiếng nói của ai nữa, trong khi cuộc sống ngày một ngột ngạt và chật hẹp hơn. Sự chật hẹp ấy "bức tử" những điều lãng mạn.

Cách đây gần 1 tháng, câu chuyện của một cô gái có mức lương 7 triệu/ tháng dành dụm đủ để đi một chuyến vòng quanh châu Âu bị "ném đá" dữ dội. Người ta không thể tin được rằng việc ấy là có thể. Họ cố kéo giấc mơ ấy xuống mặt đất, vì "vợ chồng tôi lương 20 triệu/ tháng còn dành dụm chẳng đủ", vì "còn bao nhiêu việc phải tiêu".

Chúng ta không thiếu những câu chuyện luôn bị méo mó hóa đi bởi lăng kính vật chất được ngụy biện bằng quan điểm "phải thực tế": Một chân dài yêu đại gia hẳn bao giờ cũng là một cuộc đổi chác tình - tiền; một anh nghèo "chẳng may" có người yêu đẹp thì sớm muộn gì cũng chẳng giữ được "nó"; một người giàu thì hẳn phải "đi đêm" đút lót nhiều; một người trẻ thăng tiến sớm hẳn phải "là con cháu ông nào lớn lắm"; bác sĩ nào mà chẳng không nhận phong bì và cảnh sát giao thông nào mà lại không biết "làm luật"?

Nhưng mà từ cách đây gần nửa thế kỷ, Lưu Quang Vũ thực sự đã khiến những định kiến trong "cuộc đời phù phiếm chật hẹp của cá nhân" ấy "trở nên thâm trầm và rộng rãi đến trăm ngàn lần" bằng những thủ thỉ: "Con chim sẻ của phố ta/ Đừng buồn nữa nhá/ Bác thợ mộc nói sai rồi/ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa/ Tại sao cây táo lại nở hoa/Sao rãnh nước trong veo đến thế?..."

Quang Dũng cũng đã từng viết những vần thơ lãng mạn đến run người ở nơi lằn ranh sinh tử: "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm". Những câu thơ ấy từng bị quy chụp rằng phản ánh tư duy "tiểu tư sản", nhưng nó thực sự là tiếng nói của khát vọng vươn đến những điều tốt đẹp nhất, và ngay cả cái chết cũng không thể đe dọa khát vọng ấy.

Cuộc sống hẳn rất tẻ nhạt và tuyệt vọng nếu chỉ được nhìn qua lăng kính u tối một màu của vật chất, và văn chương là thứ để cứu rỗi tâm hồn khỏi cằn cỗi vì những điều như thế. Nhưng bây giờ, chính văn chương dường như cũng đang cần được cứu rỗi. "Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ" - Giờ thì "nỗi đời cay cực" của Xuân Diệu năm nào đã vồ lấy chứ không còn giơ vuốt, và "cơm áo" thì ghì nhiều "khách thơ" sát xuống mặt đất rồi.

Một nhà thơ vừa gửi thư đến Hội Nhà Văn xin rút khỏi một giải thưởng vừa được trao cho cô vì nghi án đạo thơ, nhưng nhất quyết không nhận rằng mình đã đạo thơ. Hội Nhà Văn vẫn đang tiếp tục xác minh xem liệu ai đã "đạo" ai. 

Nhưng điều đó chắc cũng chẳng còn quan trọng nữa, vì đến cả những gì cứu rỗi tâm hồn mà người ta cũng có thể viết giống nhau đến từng chữ, thì thật đúng là chẳng còn biết nương tựa vào đâu để sống, và đối mặt với "cuộc đời phù phiếm chật hẹp này".

Theo Vntinnhanh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.