"Những đứa trẻ to xác” vì bố mẹ quá bao bọc

Nhiều ông bố bà mẹ bao bọc con quá kỹ, lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, từ bé con cho đến tận khi các em bước vào các trường ĐH-CĐ. Chính điều này khiến các em thiếu kỹ năng sống và trở nên lúng túng khi bước ra ngoài xã hội.

“Bây giờ nó thi đại học theo ý anh, học đại học theo ý anh, làm việc theo ý anh, chơi với bạn theo ý anh, đi về đúng giờ theo ý anh, sau này anh lại đòi nó phải tự xây dựng đời nó, phải tự có cơ hội, phải tự kiếm tiền to, tự lo vợ khôn ... Không có đâu!” – Trích chia sẻ của nhà văn Trang Hạ trên facebook cá nhân.
>> Có nên để con cái tự quyết định tương lai của mình?
>>Mượn danh “con nhà người ta”, bố mẹ đang khiến trẻ tự ti?
>>Nghèo đói không nên là trường đại học tốt nhất
Nhà văn Trang Hạ vừa có một phát ngôn về đàn ông gây sốc cả cộng đồng mạng, thế nhưng với những dòng chia sẻ trên về việc định hướng tương lai cho con cái lại khiến không ít người phải gật gù đồng tình. Đó là thực trạng nhiều ông bố bà mẹ bao bọc con quá kỹ, lo cho con từ miếng ăn giấc ngủ, từ bé con cho đến tận khi các em bước vào các trường ĐH-CĐ. Chính điều này khiến các em thiếu kỹ năng sống và trở nên lúng túng khi bước ra ngoài xã hội.

Đừng tước đi cơ hội để các em trưởng thành

Trong khi nhiều sinh viên có gia cảnh khó khăn phải tự bươn chải kiểm tiền để có thể sống và học tập tại thủ đô thì  Trung K. (sinh viên ĐH Bách Khoa) lại quá nhàn nhã, vô lo vô nghĩ. Em là con trai duy nhất trong một gia đình trung lưu ở TP.Phủ Lý, tỉnh Hà Nam (trước K có 3 chị gái) nên bố mẹ rất cưng chiều. Từ cấp 1 lên đến cấp 3, K hầu như chỉ có 1 việc duy nhất là học, rất ít khi phải làm việc nhà như các chị. Đến khi đỗ ĐH, thay vì thuê nhà trọ hoặc ở ký túc xá như các bạn, em lại được sắp xếp về ở cùng gia đình chị gái, chẳng khác gì khi ở cùng bố mẹ. Chính vì thế, đến nay mặc dù đã bước sang năm thứ 2 ĐH mà K vẫn không khác gì đứa con gái 8 tuổi của chị gái. Ngoài việc học, em gần như không biết chủ động làm bất cứ việc gì, hoặc chỉ đâu làm đó, thậm chí nhiều khi quần áo cũng để chị phải giặt hộ.

Đã là SV năm thứ 2 nhưng K hầu như không biết chủ động làm bất cứ việc gì, chị bảo gì thì làm đấy

Chị Thu Vân, chị gái K tâm sự: “Ở cùng mà có lần anh chị về quê, gần 7h tối mới lên đến nơi mà cậu ở nhà vẫn ngồi chơi điện tử không cả đứng dậy cắm cơm, trời mưa cũng không biết đường lấy quần áo vào. Đi ra ngoài với cậu thì ngại lắm, chẳng biết giao tiếp gì cả, lúc nào cũng cứ im ỉm, hỏi gì thì nói đấy. Thậm chí có lần đi khám bệnh, chị phải theo cậu từng bước, tả bệnh và làm thủ tục chứ cậu tồ lắm…”,.
Chẳng lẽ mình có nhà mà lại để em đi thuê trọ chứ nhiều khi cứ nghĩ phải cho cậu ra ngoài ở cùng bạn bè, tự lập, va vấp thì mới khôn hơn được. Ông bà ngoại thì lo lắng thái quá, thỉnh thoảng lại gọi lên nhắc chị động viên em, hỏi xem nó học hành thế nào, có cần gì không… Mình phản ứng thì thế nào cũng lại bị giận dỗi, rồi lại điệp khúc: nó có thế thì mới phải nhờ đến chị, nếu chị không làm được thì thế nọ thế kia”, chị Vân buồn bã chia sẻ.

Thực tế ngày nay, khi cuộc sống ngày càng khá giả hơn thì những trường hợp như trên là không hiếm. Nhiều cậu ấm cô chiêu ở tỉnh lẻ ngay sau khi đỗ ĐH thì lập tức được bố mẹ mua phòng chung cư, nhà riêng với đầy đủ trang thiết bị sinh hoạt, đồ công nghệ hiện đại phục vụ học hành, giải trí. Tiền tiêu hàng tháng các em cũng không cần phải xin, bố mẹ tự động chu cấp dư thừa, thậm chí nhiều phụ huynh còn thuê hẳn giúp việc để đảm bảo con cái chỉ cần chuyên tâm học hành.


Nhiều phụ huynh lập tức mua nhà với đầy đủ trang thiết bị hiện đại cho con cái khi ra thủ đô học tập (ảnh minh họa)

Chính vì được chu cấp và bao bọc quá đầy đủ như vậy nên nhiều sinh viên nảy sinh tính ỷ lại, thụ động, có lớn mà không có khôn. Nhiều trường hợp, vì bản thân nếu không có một chút kinh nghiệm xã hội nào, lại dư dả về tiền bạc nên rất dễ sa ngã hay bị cám dỗ bởi những điều mới mẻ, hấp dẫn.

Mặc dù có điều kiện kinh tế là điều rất tốt cho sự phát triển của con cái. Nhưng các bậc phụ huynh cũng cần xem xét lại cách yêu chiều con của mình. Thay vì “vung tiền” để biểu hiện sự yêu thương con, các phụ huynh hãy để con được tự mình trải nghiệm cuộc sống để trưởng thành hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, độc lập từ suy nghĩ đến hành động, hình thành nên những nếp sống rất có ích đối với tương lai sau này.

Hãy để con bước đi bằng chính khả năng của mình…

Trở lại câu chuyện được nhà văn Trang Hạ chia sẻ trên facebook cá nhân, về một người anh họ muốn xin ý kiến để định hướng tương lai cho cậu con trai sắp tốt nghiệp đại học.

Theo người anh này thì cậu con trai đi làm bồi bàn cho mấy quán cà phê dạng take-away mới mở và: “Kiếm chả mấy tiền lương mà môi trường thấy phức tạp quá, nó đi làm 2 tháng xong anh chị cấm tiệt! Cô xem có quen biết mấy tập đoàn nhà nước phải to to một tí, có máu mặt tiếng tăm một tí, gửi nó vào thực tập. Chứ làm vớ vẩn thế này hư người đi!.... Anh muốn nó phải giao thiệp rộng, quen biết nhiều, làm nghề gì nó có nhiều cơ hội làm ăn một tí, chứ bây giờ cứ đi bưng cà phê, ra trường vào mấy công ty tư nhân bé tí, chả biết bao giờ mở mày mở mặt”.

Chia sẻ của nhà văn Trang Hạ trên facebook cá nhân

Nhà văn Trang Hạ đã thẳng thắn vạch ra mâu thuẫn của người anh: “Một thằng nứt mắt ra đếm tiền còn lẫn lộn, tiêu tiền còn mù mờ, mà bảo nó có tập đoàn nào vừa to vừa nổi tiếng nhận vào? Nó đi làm tử tế chăm chỉ thì nhốt nó ở nhà, nhốt ở nhà thì lại kêu nó chơi điện tử, nó không chơi điện tử thì lại không cho nó ra đường, thế rốt cuộc là anh tính thế nào?”.

Trong thực tế, không ít phụ huynh mắc bệnh “cái gì cũng muốn” như người anh kể trên. Vì đặt kỳ vọng quá cao ở con cái, thành ra khi con mình làm những việc bình thường như bao sinh viên khác bố mẹ lại không chấp nhận được. Kể cả khi các em nhận thức được sự cần thiết của việc tích lũy kỹ năng sống, muốn đi làm thêm để có thể tự lập đứng trên đôi chân của mình cũng bị bố mẹ can thiệp và ngăn cản.

Nhiều  phụ huynh còn hướng cho con chỉ cần có cái bằng ĐH, công việc để bố mẹ lo. Chính vì vậy một số sinh viên thuộc diện “con ông cháu cha” này khi đi làm đã trở thành nỗi ám ảnh chốn công sở bởi sự hời hợt, thiếu kinh nghiệm. Do thói quen “ăn sẵn”, dựa dẫm vào gia đình mà các em mắc nhược điểm là sức ỳ quá cao, ý chí phấn đấu thấp và làm việc không hiệu quả. 


Sống trong sự bao bọc của bố mẹ quá lâu, nhiều sinh viên trở nên nhút nhát, thiều tự tin khi ra ngoài xã hội (ảnh minh họa)

Đồng tiền có thể làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn nhưng không thể biến những kẻ lười nhác thiếu trải nghiệm trở thành người có ích cho xã hội. Các bậc phụ huynh hãy cho con cái được tự đứng trên đôi chân của mình, tự rèn luyện để trưởng thành và biết trân trọng sức lao động. Đừng quá cầu toàn hay lo lắng mà ngăn cản các em hòa nhập sớm với những môi trường ngoài sự sắp đặt của gia đình. Đừng biến các em thành những “em Chã” hay những “ đứa trẻ to xác" trong xã hội.

Bạn nghĩ sao về việc này, hãy chia sẻ quan điểm của bạn với Tintuconline bằng cách comment ở cuối bài hoặc gửi mail đến địa chỉ: tintuconline@vietnamnet.vn


Vân Khánh (Vietnamnet)

 


Bình luận