Mới 4h sáng,
Trần Thùy Dung (dự thi Đại học Thương Mại) đã dậy, lục đục tìm dao gọt vỏ
táo với hy vọng gặp may mắn trong ngày thi đầu tiên. Chẳng may mới gọt được
2/3 thì vỏ táo đứt. Nghĩ là vận rủi, cô bé òa khóc, đinh ninh hôm nay làm
bài không tốt.
Chiều trước
đó, Dung được chị gái dẫn đi chơi Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Lúc đi cô gái
tràn đầy hứng khởi nhưng khi về, trong lòng bất an. “Em gặp phải quẻ xấu,
chắc là làm bài thi không tốt rồi”, Dung nói.
Cả buổi tối
hôm đó, Dung gọi về nhà kể lể với mẹ với vẻ lo sợ. Để trấn an con gái, bà mẹ
bảo mua một quả táo to, ngày mai trước khi đi thi gọt sao cho vỏ táo không
bị đứt thì làm bài thi sẽ “suôn sẻ, tròn vành vạnh”. Suốt đêm, Dung trằn
trọc không ngủ, chỉ mong trời sáng.
|
Trước ngày
thi, hàng vạn sĩ tử đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu may.
Ảnh: Phan Dương |
Vừa tỉnh dậy,
Dung ngồi lên chiếc ghế, lựa chọn con dao sắc rồi tỉ mẩn gọt từng chút một.
Chẳng ngờ vì gọt dầy quá, vỏ táo đứt. Dung lại khóc, nghĩ mình đi thi bị
“đứt gánh giữa đường”.
Từ lo sợ, Dung
đâm ra nản, cô bé do dự không dám đi thi. Mãi sau được anh chị động viên,
Dung mới vững vàng hơn. “Em phải gọi một người đến, đứng chờ mở cửa cổng đón
em, có khi may mắn lại quay về”, Dung tính.
Những năm cấp
3, Dung có lực học khá nhưng tính nhanh nhảu nên nhiều khi cô làm bài thiếu
cẩn thận. Những lúc ấy Dung lại đổ tại “ông trời”. Lần trước, trong kỳ thi
tốt nghiệp, điểm Toán bị thấp, thay vì xem lại kiến thức của mình, cô gái
trẻ lại nghĩ do ngày thi kỵ với tuổi, ra khỏi nhà bước chân trái hay mệnh
mình không hợp với người chấm thi…
“Dù gọt táo bị
đứt giữa chừng nhưng cũng được quá 2/3. Hôm nay em làm bài thi môn toán cũng
được chừng ấy điểm. May là đầu sáng có ông anh đến mở cửa, giúp em tránh "ra
ngõ gặp gái" nên 2 môn thi đầu có vẻ tạm được”, cô gái quê Thường Tín (Hà
Nội) hý hửng kể.
Để chuẩn bị
cho môn thi Hóa cuối cùng, buổi tối Dung dành thời gian để ‘“buôn” điện
thoại với mẹ. “Mẹ dặn mai là ngày thi cuối nên phải đeo chữ “đỗ đạt” khi đi
thi. Sáng ngủ dậy phải nhắm mắt, thành tâm nghĩ về chữ đó vài lần thì sẽ làm
bài được”, Dung nói.
Giống như
Dung, nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn truyền nhau những điều tối kị mỗi khi có
việc gì quan trọng như kiêng ăn, kiêng tắm, kiêng ra ngõ gặp gái...
"Trước những
kỳ thi quan trọng, em chẳng dám ăn trứng vì sợ điểm 0, mực vì sợ đen, ăn ốc
nói mò...Tuyệt đối không cắt tóc, móng chân, móng tay. Nhiều đứa bạn em còn
ghê hơn. Chúng xem giờ, hướng xuất hành, ngủ dậy bước chân nào ra trước, rồi
không tắm, không gội đầu vì sợ trôi mất chất xám", Diệp Chi (dự thi Đại học
Sư phạm) cho biết.
Cũng có không ít sĩ tử khổ sở từ áp lực
kiêng kị của phụ huynh, nhất là trong chuyện ăn uống.
Sáng ngày thi
đại học đầu tiên, một nhóm các bà mẹ ngồi trước cổng trường Đại học Kinh
doanh và Công nghệ (Hoàng Mai, Hà Nội) chờ con. Câu chuyện của họ trở nên
rôm rả khi nói về những điều nên và không nên làm trong mùa thi.
Một bà mẹ
nghèo ở Hậu Lộc, Thanh Hóa nói rằng con bà được ăn, uống tùy ý, không phải
cấm đoán, tránh né điều gì thì lập tức nhận về một tràng phản pháo. “Nhà chị
ở biển thì phải kiêng không ăn tất cả các loại thủy, hải sản chứ”, một người
góp ý.
|
Hiện nay nhiều
gia đình chọn cách tìm đến thầy bói để quyết định trường thi
cho con, ngày giờ đi thi và kể cả chuyện ăn uống, giải hạn.
Ảnh: Phan Dương. |
“Người xưa
chẳng nói ‘có thờ có thiêng, có kiêng có lành’, chị không để ý những điều ấy
khác gì mang vận rủi cho con”, một bà mẹ khác xen vào. Rồi như để khẳng định
mình có kinh nghiệm, người phụ nữ tên Loan này nói đây là lần thứ 3 đưa con
đi thi đại học: “Thông thường vào những năm con cái có kỳ thi quan trọng,
tôi sẽ đưa cháu đi lễ chùa nhiều hơn. Lúc làm hồ sơ cũng đi xem bề trên cho
cháu thi trường nào. Rồi xem tuổi của con kị với gì để tránh. Tôi cũng phải
xem ngày nào đẹp để xuất hành thuận lợi. Trước hôm đi không quên làm bữa cơm
đưa cháu ra mặt tổ tiên, mong các cụ phù hộ”.
Lần này, bà
Loan đưa con đi thi từ hôm 29/6. “Tuy nhà ngay ở Hưng Yên nhưng thầy phán
ngày đó đẹp, hợp với mệnh của cháu. Thế là mẹ con tôi đi. Mà đúng thật! Hai
mẹ con tôi thuê được một phòng trọ gần trường, giá chỉ 1,3 triệu cho 7 ngày
thi”, bà nói.
Ngoài những
điều trên, người mẹ này còn bắt con ăn kiêng trong 7 ngày. Sĩ tử này sắp đến
ngày thi nhưng không được mẹ cho ăn tôm, cá, trứng vì sợ điểm xấu, cũng
không cho ăn xôi đỗ đen, chuối, đậu phụ... Gần một tuần qua, hai mẹ con chỉ
ăn thịt và đỗ xào.
“Tôi nhìn hai
món đó mà phát ngấy cả người nhưng vì con mình đành phải ăn theo. Thằng bé
cũng chán ăn lắm nhưng sợ thi rớt đành cố. Tối qua, nó không nuốt nổi món
cơm. Tôi sợ thằng bé không có sức làm bài đành phá lệ cho nó ăn bún. Khổ
thân, chỉ một tuần nay mà thằng bé gầy ghê quá!".
Nhưng rồi để
trấn an mình, bà kể về trường hợp bạn của bà gửi con lên nhà anh em trên Hà
Nội chờ thi đại học. Trước ngày thi, bà này lên với con thì tá hỏa khi biết
mấy ngày nay gia chủ kia vô tư cho con mình ăn trứng, mực, chuối... Bà tức
tối, dọn đồ cho con ra ở nhà nghỉ rồi tìm ngay một thầy giải hạn.
Gần 10h30,
tiếng trống báo giờ thi kết thúc, mấy người phụ nữ trung niên nọ nhanh chóng
tan rã. Họ phủi quần rồi chạy lại giành một vị trí đắc địa ở cổng trường.
Khi cậu con trai vừa xuất hiện, bà Loan quê Hưng Yên vẫy tay rối rít, hỏi
liên tục về bài thi. Đứa con gắt gỏng: "Tại mẹ bắt con kiêng kỵ này nọ.
Người con mệt, chân tay vã mồ hôi, bủn rủn không tập trung vào bài làm được.
Còn hai câu nữa vẫn chưa xong".
Cổng trường
đông nghịt, nắng chói chang. Nét mặt hân hoan của bà mẹ tắt lịm, không nói
được câu gì. Bà vội dắt con vào một quán cơm, tự để cho cậu gọi những món
mình thích.
Theo
Phan Dương
VnExpress