Trào lưu Shisha tại Việt Nam: “Điệu nhiều, sành ít”!

Bây giờ shisha dễ kiếm, dễ hút và giá cũng bình dân hơn nhiều. Dù vậy, nhiều người hút shisha tại Việt Nam vẫn không biết rằng mình đang thể hiện một thứ đẳng cấp, sành điệu đầy ảo tưởng.

Shisha - hình thức hút thuốc hương liệu bằng ống dẫn qua bình nước của các nước Arab xuất hiện lần đầu tiên trong một quán bar ở trung tâm Sài Gòn cách đây hơn hơn 4 năm.

Từ đó, phong trào hút shisha của giới trẻ dần được định hình, chuyển từ một cơn gió lạ trở thành một thói quen thể hiện đẳng cấp chỉ dành cho những dân chơi.

 

Bây giờ shisha dễ kiếm, dễ hút và giá cũng bình dân hơn nhiều. Dù vậy, nhiều người hút shisha tại Việt Nam vẫn không biết rằng mình đang thể hiện một thứ đẳng cấp, sành điệu đầy ảo tưởng.

 

Khó phân biệt thật - giả

 

Theo quan sát của phóng viên, để có thể thưởng thức một bình shisha, khách chơi phải bỏ ra khoảng tiền dao động từ 150.000-400.000 đồng, thậm chí là nhiều hơn tùy vào từng địa điểm. Trong khi đó, một hộp hương liệu shisha 50gram có thể được chia ra làm 4 bình loại vừa (2-3 người hút), với giá bán sỉ chỉ khoảng 35-40.000 đồng/hộp.

 

Hầu hết các cửa hàng, địa điểm kinh doanh shisha đều khẳng định nguồn hàng của mình được nhập trực tiếp từ UAE (Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất), nơi khai sinh của shisha. Tuy vậy, nhiều đầu mối phân phối mặt hàng này cho biết, shisha lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu được nhập về từ Trung Quốc.

 
Bình hút shisha.
Bình hút shisha.
 

Anh Nguyên, một người kinh doanh shisha cho biết: "Hiện nay, có ba thương hiệu shisha lớn được nhiều người biết đến bao gồm Al Fakher, Soex và Starbuzz. Tuy vậy, tất cả các thương hiệu này tại Việt Nam đều chỉ xuất phát từ hai nguồn. Loại có nguồn gốc từ Malaysia có chất lượng ổn định, tuy nhiên giá khá cao và khan hàng. Loại phổ biến nhất vẫn là shisha nhập theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc."

 

Theo anh Nguyên, sở dĩ chất lượng của shisha từ Trung Quốc không ổn định là do có khá nhiều hàng nhái, hàng pha tạp: "Những đầu mối shisha lớn tại Việt Nam luôn tìm cách săn lùng nguồn hương liệu shisha với giá rẻ để kiếm lời khủng.

 

Nếu như cách đây một năm, một kilogram thuốc giao cho trung gian đi chào hàng có giá đến hơn 1 triệu đồng thì hiện giờ, giá đã giảm xuống còn chỉ còn khoảng 600.000 đồng. Những mối chào bán shisha với giá rẻ hơn nhiều so với con số đó, mình khẳng định nguồn hàng có vấn đề về chất lượng."

 

Từng là một dân chơi shisha ngay từ những ngày đầu, anh Nguyên cho rằng shisha du nhập về Việt Nam đã khá lâu và xuất hiện rời rạc ở một vài địa điểm. "Nhìn thấy được tiềm năng của shisha ngay khi nó chỉ vừa xuất hiện, một người đàn ông tên H. đã nhanh chóng tìm đường nhập shisha về để kinh doanh.

 

Thời điểm đó, thị trường shisha chỉ riêng ông này một mình một cõi nên phất lên khá nhanh. Thậm chí khoảng hai năm trước, ông H. còn lập cả một công ty Trách nhiệm hữu hạn V... shisha khá nổi tiếng trong giới, có trụ sở tại quận  Bình Thạnh. Sau này khi thị trường đã có nhiều người nhảy vào, chất lượng của shisha vì lý do đó mà khó phân biệt do có quá nhiều nguồn phân phối," anh Nguyên cho biết.

 

Có một nguồn cung cấp shisha ở "đẳng cấp" cao hơn chính là nguồn từ các tiếp viên hàng không. Tuy nhiên, do không dễ tiếp cận và cũng không có nhiều hàng nên các dân chơi shisha thường kén chọn và có điểm để chơi.

 

"Dân chơi thứ thiệt là dân chơi sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu chỉ để mua một cái bình hút shisha chất lượng Một buổi hút vài người kéo dài chừng ba giờ có thể đốt đi vài triệu là chuyện thường," Lý Văn Tân, một người từng phục vụ tại khách sạn Đ.N khá nổi tiếng chia sẻ.

 

Anh này cho biết, với các hãng sản xuất uy tín đúng từ UAE thì việc kiểm tra chất lượng, đóng gói và mã vạch rất đẹp và khó làm giả. "Nếu ai dám mua trọn gói và đốt hết một lần trong một bữa nhậu thì đó là dân chơi có số má. Họ kiểm hàng rất kỹ mới chơi chứ không chơi xô bồ ai đem gì hút nấy!

 

Hàng cao cấp thường được xách tay qua đường du lịch hoặc tiếp viên hàng không qua đi qua UAE," Tân nói. Còn với shisha giá bình dân thì Tân gói gọn trong một câu: “Điệu nhiều, sành ít!”

 

Trên website chính thức của nhà sản xuất shisha Al Fakher (có trụ sở tại UAE), Việt Nam và Trung Quốc được liệt kê trong danh sách những nước có tồn tại shisha của hãng này, nhưng không được cấp phép nhập khẩu chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc shisha về Việt Nam hiện nay hoàn toàn thông qua đường tiểu ngạch hoặc xách tay và không chịu thuế nhập khẩu.

 

Thông tư liên tịch số 05 của Bộ Y tế và Bộ Công Thương hướng dẫn việc ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá cũng bị bỏ qua khi nhiều hộp shisha hoàn toàn không có cảnh báo nào. Ngoài ra, những công ty hoặc cửa hàng nào khẳng định mình nhập shisha trực tiếp từ U.A.E đều có biểu hiện gian dối người mua.

 

 Độc hại về lâu dài

 

Anh Nhân, một người thường xuyên hút shisha tại một quán càphê ở quận 5 cho biết: "Trước đây, mình chủ yếu hút shisha ở một quán trà chanh gần nhà với giá chỉ 100.000 đồng/bình, ba người hút trong gần một giờ.

 

Được một thời gian thì shisha ở đó hút vào có vị khét rất khó chịu, thỉnh thoảng hút xong có hiện tượng nhức đầu, buồn nôn... nên khi được bạn bè giới thiệu mình chuyển hẳn sang đây. Quán trà chanh đó sau này cũng đã đóng cửa."

 

Việc hút shisha có vị khét, vị xả chứng tỏ hộp shisha đó đã bị pha trộn tạp chất. Còn một cách khác để phân biệt là shisha thật chỉ cần bảo quản trong tủ mát vẫn có thể giữ được hương thơm rất lâu, shisha "dởm" khi đã khui hộp mà không bán hết sẽ nhanh chóng bị mất mùi, chảy nước. Ngoài ra, rất khó để phân biệt được bằng mắt thường khi nhìn vào những đặc điểm bên ngoài, tác hại của nó cũng khó xác định," anh Trung, một đầu mối shisha ở quận 7 cho biết.

 

Quan sát trang mạng xã hội của một số quán càphê-bar nổi tiếng về shisha, có thể thấy khách hàng ưa chuộng loại hình này chủ yếu là những người còn rất trẻ, có cả học sinh-sinh viên. Nhiều người trong số đó đã có biểu hiện của việc ghiền, nghiện hút shisha.

 

"Ban đầu, mình hút shisha chỉ là do tò mò muốn thử theo phong trào mới nổi. Sau một thời gian, thỉnh thoảng không rủ bạn bè đi càphê shisha thì thấy trong người khá bức rứt, khó chịu," anh Nhân nói.

 

Anh Nhân cho biết thêm: "Do công việc buộc phải tiếp xúc với nhiều thành phần, mình đã từng thấy có người lợi dụng bình hút shisha để thêm vào đó một 'bi đá' (ma túy-PV). Bản thân cấu tạo của bình hút shisha phải đốt bằng than, tạo nhiệt làm chín hương liệu cũng tương tự như việc sử dụng ma túy đá của các con nghiện. Nhưng đó chỉ là những người chơi nhỏ lẻ, không thể 'vơ đũa cả nắm' mà nói rằng ai hút shisha cũng lợi dụng việc này để chơi ma túy."

 

Theo quan sát của phóng viên tại nhiều điểm hút shisha, việc dùng một số loại nước ngọt như Coca-cola, Sting... để làm phụ gia khi hút shisha giờ đã trở nên hết sức bình thường. Sau một thời gian sử dụng, dân chơi shisha bắt đầu "sáng chế" ra nhiều kiểu hút shisha lạ để tạo sự mới mẻ như pha với rượu ngoại, móc ruột quả dưa hấu, dứa... để chế thành bình shisha.

 

Tuy vậy, hầu hết đây là những dân chơi "mạnh" và có thâm niên, hoặc những chủ quán bar, cafe muốn tìm cách để thu hút khách hàng. Kết hợp nhiều loại shisha cùng lúc hoặc rượu mạnh không đúng cách có thể làm người hút bị "dội" khi thử lần đầu.

 

Tổ chức y tế thế giới đã có những cảnh báo về việc hút shisha có thể gây hại cho sức khỏe người dùng. Khi được đốt cháy, shisha tạo ra khí CO (carbon monoxide) rất độc hại. Loại khí này cùng với lượng nicotine trong shisha sẽ tàn hại phổi người hút về lâu dài và gây ra các bệnh về đường hô hấp, tim và thậm chí là gây ra ung thư.

 

Ngoài ra, việc dùng chung ống hút shisha và không có sự vệ sinh kỹ cũng có thể khiến người hút shisha bị lây nhiễm virus cúm, virus viêm gan siêu vi C.
 

Theo Minh Tiến – Mai Quốc Ẩn

Vietnamplus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.