'Dị nhân' yoga ở Hà Nội: Tự rửa nội tạng, vận khí cho võ sư đánh

6 võ sĩ thay nhau đấm, nhưng lạ thay, tấm thân mảnh khảnh của nhà yoga vẫn vững như bàn thạch.

6 võ sĩ thay nhau đấm, nhưng lạ thay, tấm thân mảnh khảnh của nhà yoga vẫn vững như bàn thạch.

Nghe theo lời dạy của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông Nguyễn Thế Trường bắt đầu học thở. Ông bảo: “Thật là sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đều biết thở. Thở là một nghệ thuật. Và, hơn nữa, đó là một nghệ thuật cao siêu, kỳ bí”.

Đầu tiên ông tập thở bằng cơ hoành, hay còn gọi là thở bụng. Ông buộc bản thân phải tuân thủ một kỷ luật thở có chủ định, hết sức nghiêm ngặt.

Kết hợp với việc ngồi tập thở đều đặn hàng ngày, ông tập kiểm soát tâm trí bằng nhãn quan nội tâm, soi trở vào trong. Ông ngồi thiền như tòa sen hàng giờ, toàn bộ tâm trí tập trung đi theo hơi thở vào ra. Cứ ngồi thở như vậy suốt một năm trời, ông đã có thể dẫn luồng khí theo các kinh mạch tác động vào huyệt đạo, mà trong yoga gọi là các luân xa (Chakras).

 
Ông Trường tập yoga với tư thế khó
Ông Trường tập yoga với tư thế khó. Ảnh nhân vật cung cấp


Khi việc tập thở đã nhuần nhuyễn, điều khiển được khí mạch thì ông luyện ý chí để điều khiển các mạch máu của mình, vì theo các minh sư yoga, hệ thống mạch máu trong “vương quốc cơ thể” là mạng lưới giao thông, tiếp phẩm và thanh lọc. Điều khiển được các mạch máu bằng ý chí sẽ có khả năng “giao tiếp” với bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể.

Để tập luyện kỹ năng này, ông phải ngồi thả lỏng, tưởng tượng hai bàn tay đang nóng lên. Sau khi đã gây được cảm giác nóng ở bàn tay thì ông tưởng tượng mình là một ngọn lửa, và như vậy, toàn cơ thể nóng ran, mặt đỏ bừng bừng.

Tiến thêm bước nữa, ông tập gây ra cảm giác nặng, nhẹ ở tay, chân, ngực, bụng, rồi khắp thân mình. Các nhà yoga siêu việt có thể biến mình thành khối đá chôn sâu dưới đất, bốn năm lực sĩ không khiêng nổi, hoặc họ cũng có thể làm cho thân mình nhẹ bỗng, chỉ cần chống ngón tay xuống đất, hoặc bám vào một sợi dây nhỏ là cơ thể bồng bềnh lên không trung.

Ông Trường cho hay: “Mỗi khi luyện tăng trọng lượng tôi thấy mạnh đến nỗi cả người nặng trịch, không tài nào đứng lên được”.

Cứ tập luyện kiên trì, dần dần ông Trường đã làm chủ được thân xác và nội quan. Ông có thể trồng cây chuối hàng giờ và vẫn rèn cơ thể bằng cách dồn hết tạng phủ lên phía ngực, đến mức bụng lép kẹp, chìa rõ xương sống và từng đốt xương sườn.

Ông đã xóa được những biểu hiện căng thẳng về thần kinh, lập lại được thế cân bằng trong cơ thể, giữ được tinh thần thư thái, an lạc. Ông tự điều khiển hơi thở, tùy ý điều khiển được phế quản, phế nang, động mạch và tĩnh mạch phổi. Nhờ vậy bệnh hen mãn tính đã biến mất tự lúc nào.

Ngay sau ngày biểu diễn trước đông đảo người dân Hà Nội, tên tuổi nhà yoga Nguyễn Thế Trường nổi lên như cồn. Người ta nhắc đến ông như một giai thoại: Rằng ở Hà Nội có một nhà yoga trẻ có thể ngồi nổi trên mặt nước; rằng người anh rắn như thép, có thể nằm trên bàn chông và đặt tảng đá lên bụng cho người khác cầm búa nện vỡ đá; rằng anh có bàn tay sắc như dao, chém vụn cả một chồng gạch…

Có lẽ những giai thoại này đã làm tướng Vương Thừa Vũ lưu tâm. Ông mời Nguyễn Thế Trường tới Viện Khoa học kỹ thuật quân sự trình diễn. Thành phần đến dự buổi tối hôm đó toàn là bộ đội đặc công, phi công và vài võ sư của các môn phái.

Ông Nguyễn Thế Trường
Ông Nguyễn Thế Trường 

Nhà yoga cởi áo, vận công, dẫn khí rồi mời mọi người kiểm chứng. 6 võ sĩ thay nhau đấm, nhưng lạ thay, tấm thân mảnh khảnh của nhà yoga vẫn vững như bàn thạch.

Một võ sư mình trần, cuồn cuộn cơ bắp gạt đám võ sinh ra ngoài. Vị võ sư này cũng hà hơi, dẫn khí, dồn lực và tung ra liên tiếp những chưởng thép. Tuy nhiên, nhà yoga Nguyễn Thế Trườngvẫn bình chân như vại, đôi lông mày không hề lay động.

Sau khi vị võ sư nọ dừng đấm, trở về tư thế bình thường, nhà yoga bắt tay bảo: “Nếu tôi dùng tay mình gạt cú đấm của anh rồi tấn công liệu anh có trụ được không”. Vị võ sư nọ xin bái phục. Tướng Vường Thừa Vũ vui vẻ ôm Thế Trường, thân mật nói: “Thật tuyệt! Phải thế chứ! Mình sẽ mời cậu tập luyện giúp đỡ thêm bộ đội đặc công”.

Sau buổi biểu diễn đó, nhà yoga Thế Trường càng nổi tiếng hơn. Anh được rất nhiều báo chí trong và ngoài nước nhắc đến. Nghệ sĩ Lương Đức đã quay một cuốn phim nói về luyện tập dưỡng sinh, trong đó Nguyễn Thế Trường và võ sư Trần Thúc Tiển là người hướng dẫn, phát sóng liên tục cho cả nước cùng học.

Cũng từ đó, mà ở nước ta có khá nhiều trung tâm luyện tập yoga, luyện tập dưỡng sinh để nâng cao sức khoẻ. Ông còn cùng với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện viết cuốn sách có tên “Tìm hiểu và tập yoga” và phát hành cả nước.

Ông và bác sĩ Viện bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc, vào các nhà trường, bệnh viện, viện dưỡng lão, doanh trại quân đội… để biểu diễn yoga, nói chuyện về yoga, tuyên truyền về yoga để nhân dân cùng tập luyện chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ.

Ông Trường luyện yoga. Ảnh nhân vật cung cấp
Ông Trường luyện yoga. Ảnh nhân vật cung cấp 

Các minh sư yoga quan niệm sức khỏe là trạng thái cân bằng giữa cơ thể với môi trường xung quanh. Do vậy, phải rèn luyện cho cơ thể thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh như nóng, lạnh, độ ẩm, độ cao, sự tăng tốc, sự thay đổi thành phần không khí… Dựa trên quan điểm đó, ông Trường đã sử dụng những yếu tố tự nhiên để rèn luyện mình.

Vào những dịp xuân hè, ông tập tắm nước nóng, nhiệt độ cứ tăng dần theo khả năng chịu đựng của cơ thể. Sang thu, tập tắm nước lạnh, và cứ thế cho đến hết mùa đông.

Ông dùng chiếc ấm nhỏ đổ nước vào lỗ mũi trái, cho chảy qua lỗ mũi phải và ngược lại. Lúc đầu thì dùng nước ấm, sau đó lại dùng nước lạnh và cho thêm muối tinh vào nước để khử trùng khứu giác.

Ông đã luyện thành thục đến nỗi, chỉ cần bịt mũi này lại, nhúng mũi kia vào chậu nước, hít mạnh cho nước chảy vào miệng, rồi lại xì ra phía mũi kia được. Cứ vài ngày rửa một lần, miệng mũi lúc nào cũng thông thoáng, dễ chịu.

Bài tập xúc, rửa dạ dày có lẽ là kinh dị nhất. Trước khi rửa dạ dày, ông Trường không ăn gì để dạ dày trống rỗng. Sau khi dẫn khí cho dạ dày nở ra, ông uống nhiều nước vào. Ông lắc bụng thật mạnh, như người ta xúc rửa chai lọ. Ông vận khí, cuộn dạ dày lên ngực, đẩy nước ra ngoài miệng.

Sau khi dạ dày sạch bong thì ông lại vận khí đẩy nước ra lối… hậu môn. Nước muối loãng sẽ đi qua ruột già, dọn sạch cặn bã, diệt hết vi khuẩn có hại, chống lại các bệnh viêm loét.

Ông cứ tập như vậy đến hết cả xô nước, đến khi nước thải ra trong như nước uống vào mới thôi. Mỗi lần tập xong bài này, cơ thể nhẹ bẫng và suốt mấy tháng sau đó, ông có khả năng làm việc dẻo dai, tinh thần luôn thư thái, lạc quan.

Theo ông Nguyễn Thế Trường thìtập yoga phải trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một là rèn luyện sức khỏe. Giai đoạn hai là tập làm chủ bản thân, thích ứng với môi trường. Giai đoạn ba là tu luyện để hoàn thiện chân ngã, hòa đồng với vũ trụ.

Nếu con người có thể hoàn thiện được chân ngã thì sẽ hoàn toàn làm chủ được bản thân, nhận thức được quy luật của vũ trụ, trí tuệ thăng hoa dẫn đến giác ngộ.

Theo ông Trường thì ông đang tập luyện ở giai đoạn hai. Để hoàn thiện được chân ngã còn là một con đường chông gai, xa xăm trước mắt, hết cuộc đời này ông cũng chưa đạt được, nhưng những gì mà yoga mang lại cho ông thì quả là tuyệt diệu.

Với yoga, ông không những chiến thắng được bệnh tật mà còn khai trí cho mình. Nhờ yoga mà ông có được cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, trí tuệ sáng suốt, minh mẫn, đọc đâu nhớ đấy và năng lực làm việc bền bỉ.

Nhà văn Lê Bầu có lần đến nhà chơi, nhìn cảnh ông Trường ngồi nghiên cứu phải thốt lên: “Ông ấy cứ ngồi lỳ ra như cục gạch suốt cả ngày được”.

Cũng vì trí tuệ được khai ngộ mà ông Trường học gì cũng nhanh, cũng giỏi. Ông đọc thông viết thạo tới 5 thứ tiếng, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và tiếng Phạn. Ông còn là tác giả, dịch giả của 40 đầu sách, trong đó, những cuốn như: Đường dẫn đến tài năng, Lời trối trăng của danh nhân, Newton con người và các phát minh, Hành trang thời đại kinh tế tri thức, Bí pháp trường thọ của Đông phương… được dư luận chú ý, được các nhà khoa học đánh giá cao.

Ngoài ra, ông còn được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương sau khi soạn thảo giúp giới khoa học nước này cuốn “Từ điển tâm lý giáo dục đối chiếu Việt – Pháp – Nga – Khơme”.

Mỗi khi đi trò chuyện với các bạn trẻ, ông Trường bao giờ cũng mở màn bằng câu: “Không có người nào bất tài, chỉ có những người không tìm ra sở trường của mình”. Theo ông, yoga sẽ đánh thức phần chìm của tảng băng ý thức trong mỗi người.

Theo VTC


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.