Từ sự kiện Man City đến Việt Nam: Bầu Hiển “chịu đòn” thay VFF?

Không thể có chuyện nhà tài trợ, những người quản lý bóng đá Việt Nam lại ngô nghê đến nỗi dự đoán sai sức nóng của Man City.

Sau trận giao hữu tối 27.7 với đội tuyển bóng đá Việt Nam, CLB Manchester City (Man City) đã trở về Anh trong nỗi ngậm ngùi của không ít người hâm mộ. Không thể có chuyện nhà tài trợ, những người quản lý bóng đá Việt Nam vốn vô cùng dày dạn lại ngô nghê đến nỗi dự đoán sai sức nóng của Man City. Vì đâu đến nỗi?

“Phi vụ” cứu thua

Cách đây khoảng một năm rưỡi, kết thúc Đại hội VFF khóa VII nhiệm kỳ 2014-2018, Ban chấp hành VFF - mà cụ thể là Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã gây ấn tượng với 3 mục tiêu lớn: Đội U19 Việt Nam lọt vào vòng chung kết giải U20 thế giới 2015 ở New Zealand, đội tuyển nữ có tên tại vòng chung kết World Cup 2015 tại Canada, đội tuyển bóng đá nam lọt vào chung kết AFF Cup 2014. Nhưng cuối cùng, cả 3 mục tiêu này đều thất bại.
 

Tân binh Raheem Sterling của Man City ghi bàn vào lưới Đội tuyển Việt Nam tối 27.7. Ảnh:    Đàm Duy

 
Từ chỗ “nổ” thật to, đến lúc này, không mấy khi thấy ông Dũng xuất hiện trước dư luận. Ông Đoàn Nguyên Đức – Phó Chủ tịch phụ trách tài chính cũng gần như “mất tích”. Đến mấy “cục cưng” U19 HAGL, bầu Đức còn không có thời gian đến sân xem vì bận công việc làm ăn thì làm sao có thể toàn tâm lo công việc phát triển chung của bóng đá Việt Nam (BĐVN). Phó Chủ tịch truyền thông Nguyễn Xuân Gụ cũng chỉ xuất hiện trong các buổi trao đổi thông tin nhẹ nhàng với báo chí. Ông Trần Quốc Tuấn – Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF, người tạo được ảnh hưởng khá lớn với Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á, Liên đoàn Bóng đá châu Á lại bị tố nhận hối lộ cùng với Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hồi tháng 6…

Nhìn vào những dẫn chứng ở trên, người lạc quan nhất cũng không tin VFF đang “khỏe mạnh”. Thậm chí có phóng viên ở một tờ báo lớn nhân dịp 21.6 vừa qua còn nhắc khéo, ý nói VFF “bảo trọng” để vượt qua bão tố.

Trong bối cảnh đó, Man City bỗng nhiên xuất hiện như một “món quà” từ trên trời rơi xuống. Trong một chuyên công tác tại Anh, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng SHB nghe tin Man City hủy chuyến du đấu tới Indonesia. Lập tức bầu Hiển quyết định mời Man City ghé Việt Nam, qua đó “cứu” cho VFF một bàn thua trông thấy (?!). Vậy là vụ tiêu cực ở VFF nhanh chóng xẹp xuống trong dư luận, nhường chỗ cho sự bàn luận về Man City.

Vì sao lại cứ phải là đội tuyển?

Trong thời gian tới, nếu không có gì thay đổi, chắc hẳn dư luận sẽ bàn nhiều về chuyện được và mất của BĐVN xung quanh sự kiện Man City tới Việt Nam. Lại có những so sánh từ việc Olympic Brazil, Arsenal và rồi Man City tới Việt Nam như thế nào, hiệu quả ra sao...
 
Nhưng tất cả sẽ vô nghĩa hết chỉ với một lập luận: SHB trong thông cáo báo chí luôn khẳng định vì người hâm mộ, vì cộng đồng; bản thân bầu Hiển cũng từng khẳng định giá vé sẽ xem Man City sẽ nhẹ hơn nhiều giá vé xem Arsenal... nhưng thực tế đã cho thấy sự kiện này gần như không vì các cổ động viên, từ khi Man City tới Việt Nam và tới lúc họ rời khỏi Việt Nam. Ngay cả buổi họp báo trước trận đấu tuyển Việt Nam với Man City cũng diễn ra rất chóng vánh. HLV Pellegrini đã từ chối khéo mọi câu hỏi khó với lý do “mới tới Việt Nam có 3 ngày”. Còn thủ môn Joe Hart thì xuất hiện trong buổi họp báo với vẻ mặt khó đăm đăm, có cảm giác anh vô cùng khó chịu!

Đằng sau câu chuyện nói trên, với một câu lạc bộ chuyên nghiệp như Man City thì rõ ràng liên quan tới hợp đồng giữa 3 bên: SHB-VFF-Man City. Câu hỏi mà dư luận có thể đặt ra là tại sao từ năm 2008 đến nay, qua các cuộc tiếp đón Olympic Brazil (2008), Arsenal (2013), Man City (2015), không phải đội “Các ngôi sao V.League” mà nhất định là đội tuyển Việt Nam? Cần nhớ, đã là đội tuyển Việt Nam thì gắn với các thương quyền của nhà tài trợ và sẽ ảnh hưởng tới quá trình đàm phán hợp đồng.

Trao đổi với chúng tôi chiều qua, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông VFF Nguyễn Lân Trung nói: “Tôi nghĩ, tổng chi phí vẫn là như nhau thôi, dù mang tên “Các ngôi sao V.League” hay đội tuyển Việt Nam. Nếu lấy tên đội tuyển sẽ phải chịu thương quyền của nhà tài trợ cho các đội tuyển. Nhưng nếu lấy tên khác, thì các CLB V.League sẽ có ý kiến đòi quyền lợi. Mỗi câu lạc bộ V.League đều có nhà tài trợ riêng. Chung quy là sự phối hợp, thỏa thuận giữa các bên thôi”.

Còn ông Nguyễn Trọng Hỷ - nguyên Chủ tịch VFF thì chỉ nói ngắn gọn: “Ở Việt Nam, khái niệm “ngôi sao” là một phạm trù dễ dẫn đến sự so sánh, có nhiều ý kiến, không tạo được sự đồng thuận”.

Theo Dân Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.