Đã tới lúc cần có Luật Âm nhạc?

Mấy năm trở lại đây, ít có lĩnh vực nghệ thuật nào lại nhiều chuyện om xòm như làng âm nhạc. Nào chuyện quyền tác giả, nào chuyện in băng đĩa lậu, việc chậm thuế của những ca sĩ thành danh... Ấy là chưa nói đến các cuộc thi, các show diễn với những sự cố không thể kiểm soát, hoặc sự nhốn nháo trong thị trường ca nhạc đang ngày càng xuống dốc.

Có quan chức âm nhạc đã phải thốt lên rằng, âm nhạc đang bị buông xuôi; hoặc âm nhạc đang có nguy cơ mất chuẩn. Lại có người thốt lên, đạo đức âm nhạc đi về đâu? Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân quả là có lý khi bày tỏ sự lo lắng của mình về những cái gọi là "sa ngã" trong thị trường âm nhạc và nuôi hy vọng về một bộ luật âm nhạc sẽ được ra đời để dễ bề kiểm soát và giải tỏa những bế tắc trong hoạt động hiện nay.

Nóng và lạnh hàng CD

Trước hết là thị trường CD thường xuyên phải đối diện với hiện tượng sang băng đĩa lậu. Chuyện tưởng xưa như trái đất, vậy mà vẫn cứ bó tay, dù cho mọi hành vi này diễn ra hàng ngày trước mắt chúng ta. Bất kể album của một ca sĩ nổi tiếng nào vừa mới phát hành, ngay lập tức ở thị trường băng đĩa tự do đã xuất hiện những CD sao nhái bán với giá rẻ chỉ bằng một phần sáu giá thành phẩm chính hãng.

Tình trạng vi phạm ngang nhiên này đã làm run tay các nhà sản xuất chương trình và các ca sĩ. Nhiều người muốn ra CD nhiều khi đánh liều với sự rủi ro này. Trước đây có những ca sĩ hạng sao, muốn phát hành CD thường phải nghĩ tới chuyện chạy tài trợ để tổ chức Live Show, nhằm mục đích tiếp thị sản phẩm của mình.

Chiêu đó hiện nay đã "tịt ngòi", vì cuối cùng nhiều người đã chịu thua những lò sang đĩa lậu nhan nhản khắp nơi. Họa hoằn lắm mới có nữ ca sĩ xinh đẹp nọ được nhà tài trợ "yêu quý" mua đứt số lượng đĩa trong đêm diễn để làm quà tặng nhằm quảng cáo cho các mặt hàng đang cần tiêu thụ trên thị trường.

Kể cả như vậy mà các lò đĩa lậu vẫn không tha, chỉ qua một đêm, CD của nữ ca sĩ khá ăn khách ấy đã xuất hiện trên thị trường với giá rẻ như bèo. Nhiều ông bầu ôm đầu cay mũi. Nhiều ca sĩ hoang mang không biết sẽ "múa" kiểu gì ngay trên sân chơi của chính mình.

Ngược lại, nhìn trên các cửa hàng thì vẫn có rất nhiều CD của các ca sĩ mới xuất hiện. Họ chẳng sợ gì, vì cần trình làng nên ném tiền qua cửa sổ, dù biết rằng ngay cả những lò đĩa lậu cũng chẳng để ý gì đến mình.

Họ sẵn sàng dùng kỹ thuật "tut" lại âm thanh để cho giọng hát mình giống ca sĩ sao nào đó, hoặc hay hơn để nhập và thị trường nhạc trẻ. Tất nhiên chất lượng ca khúc đã ẩm ương, lai căng về giai điệu, còn lời ca thì cực "sến" và bế tắc; luẩn quẩn với đề tài tình yêu đơn phương, tình bội bạc, tình bơ vơ, tình đau đớn, giày vò...

Xem ra số đông này tạo nên trào lưu lấn át, che lấp mọi ánh sáng trong lành của âm nhạc và tạo nên sự cạnh tranh khập khiễng với những nhạc sĩ trẻ có tài năng trong thời gian vài năm qua. Bên cạnh đó, hình ảnh xâm thực của băng đĩa hải ngoại hàng chục năm qua vẫn là chuyện bất khả kháng của nhà chức trách. Hết cuộc thu vét này đến đợt truy quét khác, cuộc thách đố của băng đĩa nhạc hải ngoại vẫn đầy cam go.

Tất cả đành buông xuôi với đúng nghĩa botay.com. Nhìn nhận hiện tượng này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã có lần nhận xét:

- Tôi cho rằng âm nhạc của chúng ta đang phát triển rộng, phong phú và đa dạng, nhưng một mặt nào đó chúng ta đang đứng trước nguy cơ "mất chuẩn"

Đạo nhạc? Tất nhiên!

Đúng là hai chữ "nhạc sĩ" thật cao sang nhưng chúng lại đang bị lạm dụng. Do cuộc chạy đua không biết mệt mỏi để sản xuất CD cho giới khán giả trẻ, chạy theo thị hiếu như nhạc teen, hiphop, beatbox..., đã có hàng trăm ca khúc mới ra đời của các nhạc sĩ tập tễnh bước vào nghề.

Hiện tượng chế lời theo nhạc ngoại là cứu cánh cho các "nhạc sĩ" mới nhảy vào sân chơi đầy cám dỗ này. Lẽ dĩ nhiên, họ cần cái tên nên đâu còn trọng đến quyền tác giả, mà chỉ ghi qua quýt như nhạc Hoa, nhạc Hàn, hay nhạc Pháp... Chẳng cứ các tác giả trẻ vi phạm bản quyền mà các ca sĩ có tiếng tăm cũng hát những bài ở dạng đề "Cover", để lẩn cho qua như các ca khúc: "Ôi tình yêu", nhạc Thái; "Phút bối rối", nhạc Hoa; "Mưa tuyệt vọng", nhạc Đài Loan...

Chuyện như trên vẫn chưa nặng bằng có những ca sĩ kiêm luôn việc sáng tác đã "đạo" nguyên tác phẩm của người khác. Hoặc khi biểu diễn, không ít ca sĩ đã chuyển đổi tên tác giả để tránh chuyện nộp lệ phí, theo quy định cho tác quyền. Ai cũng biết trước đây đã từng xảy ra vụ đạo ca khúc của một nhạc sĩ rất có tên tuổi, đó là bài "Tình thôi xót xa", thì nay các án đạo nhạc như vậy vẫn xảy ra nhan nhản và một số vụ kiện đang chờ tranh tụng trước tòa.

Điển hình là ca khúc "Vầng trăng khóc", tác phẩm đã vinh danh cho ca sĩ Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc, nay đang bị một công ty âm nhạc Thái Lan kiện, vì từ giai điệu đến hòa âm phối khí đều giống hệt ca khúc "Paj Huab Lis" của họ. Kể cả ca khúc "Mặt trời lên" của Huỳnh Phong vừa bị khiếu kiện vì lấy nguyên từ hòa âm đến vũ đạo, quá giống ca khúc "Rising Sun" của một nhạc sĩ Hàn Quốc...

Ấy là chưa nói đến hiện tượng có người "cop" nhạc trên mạng xuống rồi biến báo thành ca khúc mới của mình. Mọi chuyện giờ đây trở nên rối bời khó ngăn chặn bởi sự hỗn loạn của cái gọi là âm nhạc hàng chợ.

Sự luống cuống sau dòng nhạc thị trường

Hơn chục năm qua, thị trường tự do đã lái con tàu âm nhạc chạy qua khá nhiều lối rẽ khác nhau. Dường như, con tàu ấy mỗi lần rẽ một đoạn rồi gặp đường cụt, sau đó quay ngoắt sang lối mới. Loanh quanh mãi nó đang không biết đi về đâu. Hiện nay, thị trường âm nhạc vẫn uể oải đi tiếp dòng nhạc Teen đã vạch đường từ năm trước.

Nó chính là con đẻ của dòng nhạc mạng, hiện vẫn ngự trị trên các kênh Internet, rồi nhanh chóng sáp vô sàn diễn. Khá nhiều cái tên đã định hình từ một năm nay trong dòng nhạc trẻ này: Đó là Bảo Thy, Minh Hằng, Sơn Ca, Thùy Chi, Bằng Cường... Còn mới đây là Khổng Tú Quỳnh, Đông Nhi, Thiên Minh, Ngô Kiến Huy...

Phải nói dòng nhạc Teen như một thỏi nam châm cực mạnh đã hút tất cả khán giả tuổi teen thoát khỏi sự bế tắc của các ca khúc nhộn nhạo của dòng nửa sến nửa chợ búa với các ca khúc chủ yếu nghiêng về sự đau đớn trong tình yêu hoặc sự gào thét quay cuồng như "Người đàn ông tham lam", "Cô ấy chọn anh không chọn tôi", "Ông trời cũng khóc", "Thế là quá đủ", "Đàn ông là thế"... Giờ đây dòng nhạc Teen đã giành lại khán giả trẻ bằng ngôn ngữ âm nhạc tỏ vẻ ngây thơ với những ca khúc như "Cô bé dâu tây", "Thiên sứ múa", "Vươn tới ngôi sao", "Công chúa bong bóng", "Con lật đật"...

Nhưng chẳng mấy chốc dòng nhạc Teen lại phô diễn sự "hóa teen" đến mức thái quá và lệch lạc trên con đường đi tới đích. Nhiều ca khúc không tục tĩu hoặc ủy mị như nhạc chợ, thì sau một thời gian cũng không khác gì dòng nhạc "mì ăn liền" với gia vị nhạt thếch. Giai điệu thì đơn giản nửa nói nửa kể một cách nhí nhảnh giả vờ "nai", còn lời thì đại loại đến ngớ ngẩn như: "...em sẽ mãi yêu mỗi anh giống như chuột kia yêu gạo vậy thôi...".

Hy vọng về sự ra đời của Luật Âm nhạc

Mặc dù trong thời gian qua, Trung tâm Bảo vệ bản quyền âm nhạc đã làm được nhiều việc và phần nào thực hiện khá sát sao để bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ. Nhưng thị trường âm nhạc nổi cộm quá nhiều vấn đề. Đó không chỉ là một công việc duy nhất nêu cao đạo đức âm nhạc, mà còn xác định một đường hướng phát triển lâu dài và có thể kiểm soát được những khuynh hướng âm nhạc phát triển trong sự hội nhập.

Đúng như nhận định của một số nhạc sĩ có trách nhiệm, nền âm nhạc nước ta đang bị mất cân đối trong các loại hình sáng tạo. Tính công dân của các nhạc sĩ và ca sĩ trẻ đang bị bào mòn, chới với và mất phương hướng trước cuộc sống ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Do đó, cần lắm một bộ luật âm nhạc, tạo quyền lực cho các cơ quan hành chính có cơ sở kiểm soát và thi hành ngăn chặn, xử phạt những tệ nạn đang làm đời sống âm nhạc trở nên nhức nhối như hiện nay...

Theo Vương Tâm



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.