Bảo hiểm y tế: Vì sao người dân vẫn chê?

Bệnh trọng mới thấy lợi ích của thẻ bảo hiểm y tế, nhưng người dân ngại tham gia vì chưa tin tưởng vào dịch vụ mà bệnh viện cung cấp cho bệnh nhân có thẻ, cũng như sự quá tải và phiền phức.

Bệnh trọng mới thấy lợi ích của thẻ bảo hiểm y tế, nhưng người dân ngại tham gia vì chưa tin tưởng vào dịch vụ mà bệnh viện cung cấp cho bệnh nhân có thẻ, cũng như sự quá tải và phiền phức.

Đây là những vấn đề được dự báo sẽ làm nóng Hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật bảo hiểm y tế (BHYT), tổ chức hôm nay (6.11), tại Hà Nội.

Mất nhà nếu không có BHYT

Bà Đặng Thị Thanh (57 tuổi, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, Thái Bình) hiện đang điều trị bệnh thiếu máu huyết tán tại Viện Huyết học truyền máu T.Ư. Bà cho biết, bệnh này khiến bà gầy yếu, suy nhược cơ thể, chóng mặt, đi lại không vững. Sau khi truyền hóa chất, cứ 3 tháng 1 lần, bà lại nhập viện để truyền máu. Chi phí mỗi lần điều trị từ 10-20 triệu đồng, chưa kể tiền đi lại và các chi phí cá nhân khác. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT diện cán bộ hưu trí, bà chỉ phải đồng chi trả 5% viện phí.

“Nếu không có thẻ BHYT, chắc từ đầu năm đến giờ, tôi đã tiêu tốn hết cả nửa gia sản mà hai vợ chồng làm giáo viên cả đời mới tích cóp được. Bệnh lại còn phải điều trị đến cuối đời, sẽ còn tiêu tốn nhiều tiền nữa” – bà Thanh cho biết.
 
BHYT giúp người bệnh thanh toán phần lớn những dịch vụ y tế công nghệ cao.

Cùng điều trị tại Viện Huyết học, em Trần Văn Thạch (Thạch Hà, Hà Tĩnh) mỗi tháng đều phải lên viện truyền máu, chi phí mỗi đợt từ 50-60 triệu đồng. Đợt đầu tiên, vì em chưa có thẻ BHYT nên gia đình đã phải bán tống táng hết đồ đạc trong nhà và vay mượn khắp nơi mới đủ tiền đóng viện phí. Sau đó, mẹ em đã gấp rút đi mua thẻ BHYT thuộc diện hộ cận nghèo. Chỉ mất có hơn 100.000 đồng nhưng giờ em chỉ còn phải đóng 20% tiền viện phí. Nhưng theo Thạch, đó vẫn là khoản tiền quá lớn, gia đình em đã khánh kiệt, giờ thuộc diện nghèo trong xã.

Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân H.T.L (Nam Định) đang điều trị nhiễm liên cầu khuẩn nặng. Do ông phải thở máy, lọc máu nên sau 2 tuần điều trị, chi phí đã lên đến 150 triệu đồng. Không có thẻ BHYT, vợ ông phải bán lúa non và bán cả mảnh vườn mới đủ nộp tiền viện phí. “Gia đình tôi thuộc diện cận nghèo, được miễn giảm tiền thẻ, nhưng tôi vẫn tiếc hơn 100.000 đồng vì xưa nay chỉ ốm đau nhẹ, chẳng đi viện bao giờ”- bà Mỵ, vợ ông L lo lắng.

Bác sĩ Nguyễn Thành Lê - khoa Điều trị tích cực (BV Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho biết, bệnh nhân vào viện thường là các ca nặng, chi phí điều trị từ 5-15 triệu đồng/ngày. Nếu thở máy, lọc máu, kháng sinh liều cao thì còn đắt đỏ hơn. Vì thế, nếu bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ lao đao, khốn đốn.

Quá tải - rào cản lớn

Bà Thanh cho biết, tuy thẻ BHYT đem lại nhiều lợi ích, nhưng bà và nhiều người vẫn chưa có niềm tin vào BHYT bởi đến BV tuyến dưới thì không yên tâm chữa bệnh, trong khi việc chuyển tuyến lên BV T.Ư lại khá khó khăn.

“Tôi mệt mỏi, đau yếu từ năm 2009, nhưng đi khám và nằm viện tại BV Đa khoa tỉnh Thái Bình nhiều ngày, các bác sĩ vẫn không tìm ra bệnh. Xin chuyển lên tuyến trên thì các bác sĩ nhất định không cho đi. Đến đầu năm 2012, tôi bị chảy máu dạ dày cấp, phải truyền đến 4 đơn vị máu, bệnh nặng nên tôi mới xin chuyển lên được khoa Huyết học của BV Bạch Mai (Hà Nội). Nhưng khoa quá đông, có đến 3-4 bệnh nhân/giường. Toàn bệnh nhân nặng, thở không ra hơi mà chỗ ngồi cũng chẳng có. Tôi cũng không dám nhập viện. Đến khi chuyển sang Viện Huyết học mới “thở” được” - bà Thanh chia sẻ.

Ông Trần Văn Doanh (Bình Lục, Hà Nam) cũng cho biết, tuy cũng biết lợi ích của thẻ BHYT nhưng chẳng tin tưởng vào năng lực của cán bộ y tế và dịch vụ vì theo ông: “Bác sĩ ở xã khám sơ sài, con gái tôi bị ho mà bác sĩ kê đơn thuốc uống mãi chẳng khỏi. Lên đến tỉnh thì xếp hàng đợi cả tiếng đồng hồ, chen nhau mướt mồ hôi, bệnh nhẹ cũng thành bệnh nặng”...

Ông Lại Văn Bôn (Thái Bình), bị ung thư vòm họng, đến khám tại BV Tai mũi họng T.Ư từ 7 giờ sáng nhưng đến 11 giờ 30 vẫn ngồi đợi. Bệnh nặng, lại nhịn ăn để xét nghiệm máu, nước tiểu, đi lại các khoa phòng để chiếu chụp, ông mệt lả, phải ngồi sụp xuống vỉa hè. “Cứ bảo cải tiến, cải lùi, hô hào giảm tải, nhưng tại sao vẫn khổ sở như vậy, tại sao cứ bảo người dân không mặn mà gì với thẻ BHYT” – ông Bôn nhăn nhó.

Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, chất lượng dịch vụ y tế chưa tốt chính là nguyên nhân khiến người dân còn ngại mua BHYT. Quá tải BV, thủ tục còn phiền hà, quy trình chuyển tuyến còn rắc rối, chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới chưa cao khiến người dân chỉ thích vượt tuyến… tạo thành một vòng luẩn quẩn về quá tải, dịch vụ kém…


 Theo Dân Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.