Giải cứu cô gái bị “bán” vào quán cà phê ôm

T. bị lừa làm việc tại một quán cà phê ôm. Thời gian làm việc của các cô gái từ 8 giờ và kết thúc khoảng 2 giờ sáng hôm sau.

T. bị lừa làm việc tại một quán cà phê ôm. Thời gian làm việc của các cô gái từ 8 giờ và kết thúc khoảng 2 giờ sáng hôm sau. Có khi khách nhiều thì em phải làm việc đến tận hơn 3 giờ.

Tiếp xúc với chúng tôi,em T.H.T. (19 tuổi, ngụ Đồng Tháp) ngậm ngùi kể lại: Cách đây hơn một tháng, em đón xe khách từ Đồng Tháp đến quận 12, TP Hồ Chí Minh để tìm kiếm việc làm.

Tại đây, em thấy tờ giấy dán trên cột điện bên đường có in thông tin về một công ty môi giới việc làm nên gọi điện thoại. Người nghe đầu dây bên kia xác nhận tên Tuấn.

Giải cứu cô gái bị “bán” vào quán cà phê ôm

Em T. khi được giải cứu.

Công ty của Tuấn đang hoạt động ở khu vực Sóng Thần (Bình Dương).

Sau đó, Tuấn hướng dẫn em bắt xe ôm đến để công ty sắp xếp việc làm phù hợp với thu nhập cao. Em thuê xe ôm tới nơi thì trời đã nhá nhem tối.

Tuấn cho em ngủ nhờ ở một căn phòng không treo bảng hiệu mà người đàn ông này giới thiệu là công ty.

Đến sáng hôm sau, Tuấn chở em đến làm việc tại quán cà phê “đàng hoàng” ở phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương.

Sau khi lấy tiền môi giới 1,5 triệu đồng, Tuấn nhanh chóng ra xe máy chạy về. Lúc này, em muốn bỏ chạy nhưng không kịp.

Người đàn ông tên D., chủ quán cà phê gằn giọng, đây là quán cà phê ôm nên mày phải cho khách ôm ấp, sờ soạng cơ thể… và không được bước ra khỏi quán. D. còn đe dọa: “Chúng bay sống hay chết cũng phải ở đây (?)”.

Trong quá trình tiếp khách, em đã gặp được một người khách tốt bụng tên H. nên kể lại tất cả sự việc cho anh ấy. Anh H. hứa hẹn sẽ về nhà lấy tiền đến để bảo lãnh cho em ra ngoài.

Đúng hẹn, ngày 18-5, H. đem theo 2 triệu đồng đến quán đưa cho em. Lúc này, em nói D. cho mình được trả lại tiền chuộc để rời khỏi quán.

Thế nhưng, D. không cho mà còn đòi đánh H. khiến anh ấy hoảng sợ bỏ chạy thoát thân. Sau đó, D. kêu em vào trong nhà hỏi chuyện. Em vừa ngồi xuống thì bị D. đá chân vào đầu dằn mặt.

Tiếp đó, D. lại nhấn mạnh câu nói cũ: “Bây giờ mày sống cũng ở đây và chết cũng ở đây”.

Nghe đến những từ này, em tiếp tục hoảng loạn tinh thần nên đã nhờ anh H. gọi điện cầu cứu các “hiệp sỹ” thuộc Đội PCTP phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Từ tin báo của anh H., anh Nguyễn Thanh Hải, Đội PCTP phường Phú Hòa cùng đồng đội phải mất nhiều ngày đêm lần tìm địa điểm mà T. đang làm việc.

Đến sáng 19-5, Công an phường Tân Đông Hiệp (thị xã Dĩ An) đã mời vợ chồng D. về trụ sở làm việc nhưng họ rất ngoan cố.

Đến khi các trinh sát thuộc Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Dĩ An có mặt phối hợp cùng Công an phường Tân Đông Hiệp làm việc thì vợ chồng D. mới chịu chấp hành.

T. cho biết thêm, thời gian làm việc của em ở đó rất kinh khủng. Buổi sáng bắt đầu từ 8 giờ và kết thúc khoảng 2 giờ sáng hôm sau.

Có khi khách nhiều thì em phải làm việc đến tận hơn 3 giờ. Em cùng các nhân viên khác rất mệt mỏi mà không dám hé môi.

Hàng ngày, em phải ngồi chơi với khách trên cùng một chiếc võng và để họ sờ soạng khắp cơ thể khiến mình tủi nhục.

Thời gian cho mỗi ca tiếp khách khoảng 25 phút với giá tiền 120.000đ vào ban ngày, 140.000đ cho thời gian 30 phút ban đêm. Nếu không “chiều” khách thì em sẽ bị đánh.

Có lần, khách đòi “chuyện ấy” và kích dục nhưng em không chịu nên bị D. đánh đập. Mỗi ngày, em phải tiếp từ 10 đến 15 khách. Riêng ngày chủ nhật có thể tới 20 khách.

Sau khi được giải cứu đưa về Công an phường thì vợ chồng D. mới đưa cho em 500.000đ. Họ nói, em đã ứng trước 2 triệu đồng rồi nên tiền công còn lại chỉ có bấy nhiêu.

Thực sự em chưa được nhận của họ một đồng bạc nào. Giờ em chỉ cần thoát được khỏi quán, em không quan tâm đến chuyện tiền bạc.

Thiếu tá Trần Minh Nhựt, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Dĩ An cho biết: Qua làm việc với chủ quán, D. cũng thừa nhận có đánh (?).

Cơ quan Công an đã lấy lời khai những người có liên quan để làm rõ các dấu hiệu của tội bắt giữ người trái pháp luật.

Theo CAND



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.