6 chuyện khôi hài để đời của 'lão' Mạc Can

Mạc Can không già với cuộc đời. Tính lão cứ tưng tưng, ngạo nghễ.....

Mạc Can không già với cuộc đời. Tính lão cứ tưng tưng, ngạo nghễ.....

1. Gọi điện thoại cho Mạc Can, lúc nào cũng nghe một câu: "Dạ tui nghe". Dù người đó đáng tuổi con, cháu của lão, lão vẫn xưng "tui", gọi người đối diện bằng "bà, ông", tùy giới tính.

Số điện thoại của cha này, lúc nào cũng vẫn là số khuyến mãi, dài ngoằng, khó nhớ. Lâu lâu gọi là nghe ò ó e, nằm ngoài vùng phủ sóng.


	Mạc Can bên chiếc Laptop cũ kỹ.

Mạc Can bên chiếc Laptop cũ kỹ.

Có một lần, một phóng viên bên tạp chí Đ. gọi điện thoại cho lão, hẹn phỏng vấn. Ông trả lời: "Bà ra quán cà phê ở 81 Trần Quốc Thảo nghen".

Lão già ra đó ngồi đợi, mắt ngóng ra đường. Thấy người đẹp nào trờ xe tới, ông cũng nôn nao. Trong suy nghĩ của ông, hôm nay sẽ được một cô phóng viên xinh đẹp phỏng vấn mình.

Chờ hoài, chờ mãi... chẳng thấy người đẹp đâu. Đang ngồi buồn, có một nam thanh niên trẻ, dáng người ục ịch, cử chỉ không mấy nam tính cho lắm, bước vào chào ông, hỏi: "Chú là Mạc Can phải không? Con gọi điện hẹn phỏng vấn chú lúc nãy".

Lão Mạc Can trố mắt nhìn, rồi cười khà khà: "Trời ơi, vậy là không phải...phụ nữ hả? Sao giọng nói ngọt ngào giống phụ nữ quá vậy cha nội? Vậy mà sáng giờ tui xưng "bà", "tui", cha nội cũng không chỉnh sửa giùm? Thôi tui hiểu rồi..."

2. Lão Mạc Can có một cái laptop, dầy cộm, nặng cả...chục ký. Lão "khoe" mua được bằng nhuận bút hổi viết tác phẩm Tấm ván phóng lao. Tiền nhuận bút đã theo mây, theo gió hết, chỉ còn "dư" ở chiếc laptop này, làm công cụ "kiếm cơn" qua ngày.

Viết văn, nổi tiếng lúc tuổi đời đã xế chiều, nhưng là tác phẩm đầu tiên nên người đời vẫn hài hước gọi ông bằng "nhà văn trẻ". Nổi tiếng kha khá, lão cũng mãn nguyện lắm rồi, ráng cày bừa thêm vài tác phẩm nữa.

Ngặt nỗi, cái laptop cổ lỗ xỉ của ông, cứ hư hoài. Vài hôm lại vác ra tiệm cho anh chàng kính cận gần nhà sửa. 

Lần nào cũng như lần nấy, lão đều ngại ngùng, mếu máo nói với anh chàng chủ tiệm: "Ráng sửa giúp tao. Không phải mày sửa dở, không bắt được bệnh, nhưng cái laptop của tao được sản xuất từ thời vua Bảo Đại còn ở truồng tắm mưa nên hư miết...."

Một vài lần, anh thợ còn châm chước. Đến lần thứ...20, anh thợ này bắt đầu cảm thấy...oải. Hết chịu được, anh chàng nói thẳng với lão "nhà văn trẻ": "Thôi, ông mang cái laptop có tuổi đời già gần bằng ông đi chỗ khác sửa giùm tui. Ông để tui mần ăn. Vài bữa ông mang ra sửa, khách hàng của tui nghĩ tui là thợ dỏm, không ai dám vào đây sửa nữa. Ăn tiền của ông không bao nhiêu, tui mang tiếng dữ lắm rồi cha nội!".

Nghe anh thợ nói, Lão Mạc Can cười trệu trạo, như mếu...

6 chuyện khôi hài để đời của 'lão' Mạc Can
 

3. Vào quán cà phê, lão phải vào quán quen, không dám quán lạ. Vào quán lạ, không hiểu lão, thế nào nhân viên quán cũng nhìn lão bằng nửa con mắt, chửi lão keo kiệt.

Vô quán cà phê của người ta, lão có tật, chỉ uống trà đá. Lão nói: "Tui khoái uống trà đá, hổng có biết uống mấy cái món khác". Uống ly trà đá, vô quán cà phê sang trọng, có máy lạnh, muốn tính tiền lão cũng khó. Người thương lão thì không nỡ. Kẻ ghét muốn tính tiền, cũng ngại mang tiếng...

Ở Sài Gòn, đa số các quán cà phê đều miễn phí trà đá, ngồi quán cả ngày, vẫn có nhân viên châm nước đầy ly. Lão uống kiểu này, một là lão phải vào quán quen, hai là lão phải đi "ké" với một ai đó. Gần đây, nghe nói là lão bị nhiều quán chửi vì thói quen kỳ cục này quá nên đã chuyển sang uống sữa nóng. Hỏi lão, lão nhe hàm răng sún ra, cười tít mắt: "Tui đang quay về làm con nít, khoái uống sữa, hổng thích uống trà đá nữa".

4. Tính lão rày đây, mai đó. Hồi NSND Hồ Kiểng còn sống, lão còn lôi kéo ông này đi lưu linh, lưu địa... Hai ông già chở nhau trên chiếc xe máy cà tàng, "giở trò" ảo thuật, kiếm chút tiền xài.

Thỉnh thoảng hai lão già cũng đi đóng phim. Lão tự nhận mình không đẹp trai bằng NSND Hồ Kiểng nhưng có duyên hài hơn nên "đi khách" miết.

Cụm từ "đi khách" của lão khiến bao nhiêu người cười bò, lẫn...kinh hãi. Hồi mới quen lão, có lần tôi gặp, lão khoe: "Tui mới đi khách về, gặp khách sộp nên hôm nay tui có nhiều tiền, thoải mái mời ông cà phê". Nghe lão nói, tôi ngạc nhiên, nghĩ chắc cha nội này quăng bom. Người lùn tịt, mập, răng cái còn, cái mất, da nhăn nheo như lão, không biết ai chịu bỏ tiền ra ngủ nghê, "xyz" mà đi khách hả trời? sau này mới biết, cụm từ "đi khách" của lão có nghĩa là "đi show", được mời đóng phim hay làm ảo thuật tại các sự kiện.


	Mạc Can và người bạn thân thiết - cố nghệ sỹ Hồ Kiểng.

Mạc Can và người bạn thân thiết - cố nghệ sỹ Hồ Kiểng.

5. Tính lão thật thà, chân chất như ông già nhà quê. Thật thà nên được mời đóng phim, lão không bao giờ câu nệ tiền bạc, cát-xê. Nhào vô đóng. Đóng xong, nhiều lúc nhận cát-xê, lão mới phát hiện ra cái "bao thơ" lão cầm... mỏng dính. Tới chừng đó, lão chỉ biết móm mém cười trừ.

Đã nghèo, nhưng cũng vì tính thật thà, thương người nên đôi lúc đưa lão vào tình thế dở khóc, dở cười. Lão kể: "Tui thấy mấy bà bán vé số, giãi nắng suốt ngày ngoài đường, năn nỉ người ta mua, nhiều lúc bị xua đuổi. Tui tội nghiệp, mua giùm. Có một lần, tui gặp con nhỏ đẹp gái lắm. Nó còn đâu mấy chục tờ vé số, tui mua hết. Tới chiều, tui mang ra dò, hy vọng trúng đổi đời. Ai dè đâu, dò hoài mà không thấy kết quả của vé số đài mình mua. Kiểm tra kỹ thì tui mới biết mình bị gạt. Con nhỏ bán cho tui vé số xổ rồi. Tui không dám kể cho bạn bè nghe, sợ bị tụi nó nói tui dại gái".

Thấy bạn bè khổ, lão cũng hay sinh tật..cho mượn tiền. Lão chẳng có bao nhiêu tiền, nhưng nghĩ mình giúp bạn một gói khi đói bằng một gói khi no. Nhưng thấy tính lão xuề xòa, nhiều người bạn nghĩ lão "kính biếu" nên chẳng bao giờ chịu...hoàn lại cho lão số tiền lão đã đưa. Mỗi lần gặp lại "con nợ", con nợ nhìn lão cười trừ, có khi còn quay mặt nhìn sang chỗ khác, xem như...người xa lạ!

6. Khoảng năm 2009, lão đột ngột mất tích. Lân la dò hỏi mới biết lão "đua đòi" làm việt kiều, sang Mỹ định cư cùng con gái. Đi được khoảng 2 năm, lão lót tót trở về Việt Nam.

Trước thông tin mình qua Mỹ theo tiếng gọi tình yêu của người vợ cũ, lão thảng thốt: "Trời đất, làm gì có. Bà vợ tui, mắt một mí, mỗi lúc cười, đôi mắt híp lại, đi là không thấy đường, tên là YoKo, người Nhật Bổn. Già rồi, cũ xì, hết xí quách rồi, yêu đương gì nổi nữa".

Lão than thở: "Ở bển, tui chỉ diễn ở mấy cái casino (sòng bài – PV), chứ có chỗ nào đâu mà diễn. Mấy ông chủ casino, cuối tuần hay tổ chức văn nghệ cho mấy thằng cha đi đánh bài xem. Tiền khách thua, chủ sẽ trích ra để trả cho nghệ sĩ, chứ họ không có móc tiền túi ra trả.

Có một lần, tui được kêu hát sô ở một ngôi chùa. Hát xong, tui mới biết mình đi hát cũng… ”chùa” luôn, không có cắc cát – sê nào hết. Cũng có bầu sô “lèo” nữa. Tui bị vài lần rồi. Ở Việt Nam họ “lèo” với mình,  còn có thể leo lên xe đò về nhà được, còn ở Mỹ là thua, cứ bơ vơ ở sân bay rộng lớn, đói chết luôn.

Những chỗ tui đến diễn, họ đầu tư âm thanh, ánh sáng rất hạn chế, bày trí sân khấu luộm thuộm, hơn nghiệp dư một tý.

Đời sống văn nghệ của cộng đồng người Việt ở Mỹ đang xuống dốc nên có có rất nhiều nghệ sĩ tranh thủ về nước biểu diễn là vậy. Hơn sáu tháng Vân Sơn mới ra cái dĩa, tui chờ, có nước chết đói. Tui đi hơn hai năm mà chẳng có tích lũy được gì. Tiền thuê căn phòng ọp ẹp, đã hết 600 đồng/tháng rồi (600 USD – PV), còn ăn uống, xăng cộ nữa. Dành dụm đủ tiền mua một vé máy bay là tui “dông” ngay về Việt Nam, có cháo ăn cháo, có cơm ăn cơm, yên phận cho khoẻ".

Có một lý do mà lão phải tức tốc quay về Việt Nam, nghe là phải cười ra nước mắt vì thương lão: "Tui đâu có tiền bạc mà thuê nhà ở những khu sang trọng mà là một khu lao động nghèo của người Mễ (Mexico – PV). Tui chỉ biết nói tiếng Việt, làm sao người Mễ họ hiểu được, còn đi xa hơn nữa thì vốn tiếng Anh của tui có chút xíu, nói vài ba câu là hết vốn, phải nói bằng tay. Nói chuyện không mỏi miệng mà… mỏi tay muốn chết".

Theo Soha


Bình luận