Chuyện đời ông già Nam bộ Hồ Kiểng

“Hồ Kiểng ra đi, tôi không bất ngờ nhưng thấy thương ổng quá” – Mạc Can nghẹn ngào. Buổi chiều nay, giờ tan tầm, nơi góc đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, vẫn ồn ào, tấp nập xe cộ xuôi ngược…

“Hồ Kiểng ra đi, tôi không bất ngờ nhưng thấy thương ổng quá” – Mạc Can nghẹn ngào. Buổi chiều nay, giờ tan tầm, nơi góc đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, vẫn ồn ào, tấp nập xe cộ xuôi ngược…

Dòng đời vẫn trôi lặng lẽ đến vô tình. Ít ai nhận một điều khác: Người ta sẽ không còn thấy một ông già nhỏ thó, đeo kính trắng ngồi đó nữa.

Tình bạn thân với Mạc Can

Khoảng vài năm trở lại đây, giới nghệ sĩ hay thấy NSƯT Hồ Kiểng như “hình với bóng" cùng Mạc Can.  Mỗi lần có sô, chậu hát hò, ảo thuật là “ông già” Mạc Can lại í ới alô rủ “ông già” Hồ Kiểng đi chung, vừa khuây khỏa, vừa có chút tiền bỏ túi, chi tiêu lặt vặt.

NSƯT Hồ Kiểng. Ảnh: Dương Cầm


Tính “lang bạt giang hồ” của "lão" Mạc Can thì cả giới nghệ sĩ ai cũng biết: Rày đây, mai đó, ăn quấy quá cho qua bữa, uống trà đá, ở phòng trọ túm hụm, nóng hầm hập. Suốt ngày ngồi trên xe máy rong ruổi, “ngủ bờ, ngủ bụi”, có khi cả tháng trời  "lão"  mới quay về  nhà một lần, chỉ để đóng tiền cho bà chủ nhà rồi “dông” mất biền biệt….
 
"Lão" Hồ Kiểng may mắn hơn, có một căn nhà nhỏ ở chung cư trên đường Cao Thắng, Quận 3, TP.HCM, chui ra, chui vào, không phải lo tiền thuê như Mạc Can. Hơn người bạn già chỉ căn nhà, còn phần nhiều giống nhau, giống  nhất có lẽ là cả hai "lão" ít khi  nào có nhiều tiền trong túi.

Cả một đời làm nghệ thuật, đóng hơn 200 bộ phim, gần 50 vở kịch… nhưng cát-xê  thu gom trong hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật đều bay theo mây, theo gió. Cuối đời vẫn mang nặng trên vai một chữ “nghèo”.

Hai ông già đồng cảm hoàn cảnh, thương nhau lắm. Có nhìn "lão" Mạc Can cẩn thận đỡ ông bạn Hồ Kiểng lên ngồi sau chiếc xe cub có từ thời “vua Bảo Đại”, treo lỉnh kỉnh đồ nghề, chở bạn đi sô, mới thấy cả một tấm lòng. Mạc Can hay nói với mọi người: “Cha nội này còn hơn người yêu của tui nữa”.

Mạc Can tính xuề xòa kiểu Nam Bộ, hay cà rỡn. Mỗi lần có ai gọi đi sô, ông hay gọi điện thoại cho ông bạn Hồ Kiểng: “Ông đi khách với tui cho dzui…”. Hồ Kiểng mới đầu còn mắc cỡ, “đấu đá” lại: “Đi sô mà ông làm như đi làm gái vậy cha nội?”.

Nghe riết câu rủ “đi khách”, Hồ Kiểng cũng quen. Mỗi lần ông bạn già “rủ rê”, ông lật đật mặc quần áo chỉnh tề, chuẩn bị đợi bạn chạy xe đến rước.

Hồ Kiểng lớn tuổi hơn Mạc Can, lại mang trong người trái tim nhân tạo, thấp bé, lưng lại còng nên đi, đứng chậm chạp hơn. Thế nhưng, đi chung với nhau, Mạc Can luôn nhường, đôi khi còn nắm tay dìu người bạn già, yếu của mình.

Mạc Can là “con nhà nòi” trong nghề “hát xiệc” (ảo thuật - tiên gọi riêng của Mạc Can và Hồ Kiểng), khi còn nhỏ xíu đã leo lên ghe cùng cha ruột là Lê Văn Quý - Ảo thuật gia tiền bối của miền Nam, lang bạt kỳ hồ khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh, sang tận Nam Vang, Lào biểu diễn.

Mạc Can đã chỉ cho Hồ Kiểng những “mánh” ảo thuật  để “ma mị” khán giả. Thường, hai ông già hay kết hợp biểu diễn bằng một bộ bài Tây hay chú chim bồ câu…

NSƯT Hồ Kiểng và người bạn già thân thiết của ông, nghệ sĩ Mạc Can. Ảnh: Dương Cầm


Tuy lớn tuổi, nhưng khi bước lên sân khấu, Hồ Kiểng vẫn giữ được phong thái lịch lãm, đôi tay thoăn thoắt, hớp hồn khán giả.

Ông nở nụ cười móm mém, nói một câu hài hước, khán giả cười nôn ruột, khen “ông già có duyên quá”. Những lúc đó, Mạc Can đứng bên cạnh “hụ hợ”, gây chú ý khán giả, để ông bạn già cầm bộ bài “tung hứng” cơ, rô, chuồn, ách… Đôi tay ông khéo léo đến nỗi mà khán giả không thể nào phát hiện một sai sót nhỏ nào, khi “biến” từ một chiếc hộp rỗng, chỉ bằng một động tác, mở ra đã thấy một chú bồ câu nằm trong đó….

Sau buổi diễn, Mạc Can thu gom đồ diễn xong, thường bước đến ông bạn già, mở bao thơ, chia tiền catxê. Mỗi biểu diễn như vậy, “bao thơ” thường “mỏng dính”. Có lần phóng viên đứng gần Mạc Can và Hồ Kiểng ngay lúc “chia bao thơ”, xót xa khi nghe Mạc Can nói với ông bạn già: “Hôm nay tui với ông có ít tiền rồi. Mình ngại, không nói giá cátxê, để tụi nó trả bao nhiêu thì trả…Ai dè trả bèo quá, bao thơ xẹp lép, ốm nhách như người ông vậy”.

Hồ Kiểng chỉ cười xuề xòa, khoát tay, không nói gì!

Nghe tin bạn mất, ông già Mạc Can ứa nước mắt: “Hồ Kiểng ra đi, tôi không bất ngờ nhưng thấy thương  ổng quá. Mai mốt, tui đi diễn một mình rồi”. Miệng ông già hài hước này méo xệch, đưa tay dụi dụi đôi mắt đang đỏ hoe….

Vài câu chuyện “vụn vặt” về NSƯT Hồ Kiểng

Có một chuyện hài hước về NSƯT Hồ Kiểng mà phóng viên Giáo dục Việt Nam rất ấn tượng. Mỗi lần gặp ông, khi thấy phóng viên giơ máy ảnh định chụp một kiểu, ông đều giơ tay: “Khoan, mày đợi tao chút”.

Tưởng chuyện gì, ông cười khà khà, móc trong túi hàm răng…giả đưa vào miệng. Ông bẽn lẽn: “Già rồi, tao xài cái gì cũng giả hết. Tim cũng giả, răng cũng giả… May là tấm lòng không giả”. Đeo răng giả xong xuôi, ông ngồi làm dáng, phóng viên mới bắt đầu chụp hình.

Trong một lần gặp, phóng viên nói với ông: “Là người miền Tây sông nước, coi chú đóng vai ông Ba trong Đất Phương Nam, con không biết chú đang sắm vai, vì chân thật quá…”. Ông cười hiền: “Đời tao từ nhỏ đã khổ cực, sống ở quê, diễn cũng như đang sống, sao mà không chân thật được…”.

Có xem NSƯT Hồ Kiểng diễn vai này, mới thấy hết thần thái, đẳng cấp nghề nghiệp của ông. Ông lột tả đúng chất của một ông già Nam Bộ: Phóng khoáng, khí khái và tình nghĩa.

Xem ông Ba của NSƯT Hồ Kiểng bước khệnh khạng, ngồi bên con cá lóc nướng trui, cầm ly rượu đế đưa lên môi, ngâm câu ca dao: “Gió đưa cây cải dzìa trời, rau răm ở lại chịu lời đắng cay”,  khán giả như thấy dòng sông, miếng ruộng...của sông nước miền Tây chất chứa trong từng động tác diễn xuất của ông, không dư, không thừa bất cứ động tác nào.

Chỉ là một vai phụ, xuất hiện trong 1 tập phim trong số 13 tập của Đất Phương Nam, nhưng khán giả không bao giờ quên ông.

Tác giả bài viết và NSƯT Hồ Kiểng, nghệ sĩ Mạc Can.

Chợt nhớ, lúc sinh thời, ông từng nói: “Tui nhớ lời người thầy Liên Xô của tui dạy lúc mới vào nghề: Trong một bộ phim, không có vai phụ, vai chính, chỉ sợ người diễn viên không làm tròn vai diễn của mình thôi”.

Ông đã tham gia khoảng 250 vai diễn, hầu hết là vai phụ, nhưng vai nào cũng gây ấn tượng, để lại lâu bền trong trí nhớ của khán giả.

Những ngày cuối đời, tuổi già, sức yếu, ông ít tham gia nghệ thuật, thường quanh quẩn ở nhà. Mỗi buổi chiều, khi Sài Gòn tan tầm, đi ngang đường Cao Thắng, gần góc đường Cao Thắng – Nguyễn Thị Minh Khai, có một ông già nhỏ thó, đeo kính, bắt ghế ngồi nhìn dòng đời xuôi ngược. Ông trầm ngâm, buồn buồn, có lẽ ông đang hồi tưởng về quảng đời hơn 50 năm hoạt động nghệ thuật của mình.

Buổi chiều nay, giờ tan tầm, nơi góc đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, vẫn ồn ào, tấp nập xe cộ xuôi ngược… Dòng đời vẫn trôi lặng lẽ đến vô tình. Ít ai nhận một điều khác: Người ta sẽ không còn thấy một ông già nhỏ thó, đeo kính trắng ngồi đó nữa….
Theo GDVN

Bình luận