Đôi dép rách, cửa hàng sida và cuộc đời Tăng Thanh Hà

Đằng sau nụ cười rạng rỡ ấy là cả một tuổi thơ khó khăn và những lần chuyển nhà vội vã.

Đằng sau nụ cười rạng rỡ ấy là cả một tuổi thơ khó khăn và những lần chuyển nhà vội vã.

Tăng Thanh Hà hiện tại có hạnh phúc hay không ngoài cô ra chẳng ai dám khẳng định. Nhưng chắc rằng, những gì người đẹp đang sở hữu là mơ ước của nhiều người.

Tuy nhiên, để được như hiện tại là công sức của một quá trình cố gắng và nỗ lực. Bởi, "Ngọc nữ" cũng có một tuổi thơ đầy sóng gió với những vật lộn cơm áo gạo tiền.


Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gọi Tăng Thanh Hà là cô gái có nụ cười làm rực sáng cả một khúc sông.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gọi Tăng Thanh Hà là cô gái có nụ cười làm rực sáng cả một khúc sông.

Trưởng thành bằng những khó khăn

Tăng Thanh Hà tên đầy đủ là Tăng Thị Thanh Hà. Cô sinh năm 1986 tại Tiền Giang trong một gia đình gốc Hoa.

Ngày vừa chào đời, cuộc sống của người đẹp không tệ. Là con út trong gia đình có ba người con, gia đình lại khá giả nên Tăng Thanh Hà luôn nhận được sự quan tâm của bố mẹ và hai anh trai.

Nhưng mọi thứ vốn dĩ không êm ả. Công việc làm ăn của bố thất bát, cả gia đình không còn cách nào khác, phải bán căn nhà đang ở đi để trả nợ. Kéo theo đó, mọi thứ xáo trộn hoàn toàn.

Mặc dù đó không phải là khởi đầu của một cơn ác mộng nhưng tâm hồn của một đứa trẻ cũng bị khiếm khuyết ít nhiều. Từ ngày bán nhà, gia đình cô phải nay đây mai đó.

Cảnh chuyển nhà liên tục khiến Tăng Thanh Hà không dám rơi rớt giọt tình cảm nào cho nơi mình đã ở qua bởi, trong tâm hồn non nớt ấy đã ý thức được: mọi thứ cũng sẽ chẳng được lâu.

Cứ như thế, trong vòng mười mấy năm, quận nào ở Sài Gòn cũng có dấu vết của gia đình cô. Rồi cũng chẳng biết từ bao giờ, đó cũng là niềm tự hào của cô gái nhỏ mỗi khi trò chuyện với bạn bè. Cũng phải thôi, ngoài thành tích chuyển nhà liên tục, cô có gì nữa đâu.

Có lúc cực quá, cả nhà năm người thương nhau là vậy nhưng phải chịu cách chia lìa. Mỗi người phải đi ở nhờ một nơi để giảm thiểu số tiền thuê mướn.

Trong trí nhớ của Tăng Thanh Hà, có những căn nhà rất kinh khủng, ngay cả việc đi vệ sinh cũng chẳng dám. Riết rồi cũng quen.

Sau thất bại của bố, mẹ cô phải đứng ra cáng đáng gia đình. Đó là những ngày 4h sáng, bà phải xách giỏ, vượt qua đám xì ke đầu ngõ để ra chợ. Thương mẹ, có nhiều hôm Tăng Thanh Hà dậy sớm để đi cùng.

Nhìn cảnh hai mẹ con líu ríu, dắt tay nhau bước vội với sự sợ hãi không giấu được trên gương mặt, ai cũng lắc đầu. Mỗi lần như thế là một lần cô gái nhỏ lại kinh hồn bạt vía.

Rồi cũng cái dáng ốm nhách, đen thui ấy đạp chiếc xe đạp cọc cạch mượn được của người chị họ đi dưới cái nắng chang chang để giao cơm cho khách. Nhìn Tăng Thanh Hà lúc bây giờ, chẳng ai dám nghĩ sau này cô sẽ là “ngọc nữ” của làng giải trí.

Hết làm “người vận chuyển”, Hà Tăng lại phụ mẹ bán nước mía. Có hôm ngồi trong góc hẻm, vừa cho từng cục đá vào bịch nilon, cô vừa ước giá như nhà bớt nghèo cho bố mẹ bớt khổ.

Vậy nhưng, đâu phải cứ ước là được. Bố mẹ cô còn khổ nhiều. Nhiều lần thấy mẹ rớt nước mắt vì sự thiếu thốn, cô con gái út cũng bật khóc ngon lành, dù trước đó còn mừng rơn vì được uống nước mía ế nhân ngày mưa.

Nhà nghèo quá, ăn còn chạy từng bữa, chuyện được mua đồ mới hiếm hoi lắm. Vậy mới có chuyện một lần đi học thêm, cô vừa tháo đôi dép để bên hiên nhà thì người ta đã cắt vụn nó ra vì thấy cũ mèm, tưởng bán ve chai. Tiếc đôi dép 1, tủi phận mình 10, cô học sinh nghèo khóc hết nước mắt.

Cơ duyên với nghệ thuật

Trong những ngày nuôi hy vọng về một mái nhà để gia đình có thể cùng sống, cùng cười, Tăng Thanh Hà cũng nuôi luôn ước vọng được như các bạn ca sĩ nhí sinh hoạt trong nhà thiếu nhi.

Thế nhưng, cảnh nghèo đâu có cho phép. Muốn tham gia vào đội, cô phải có tiền để may phục trang, đi diễn phải có bố mẹ đưa rước. Vậy nên đành chịu.

Song, ước mơ vẫn cứ âm ỉ cháy. Một ngày nọ, khi người bạn của anh trai hỏi có tham gia vào đoàn kịch múa rối Nụ cười ở nhà thiếu nhi không, dù chẳng biết mình sẽ phải làm những gì nhưng nghĩ đến việc được lên sân khấu, cô gái nhỏ vội vã gật đầu.

Ngày nhận được 20 nghìn cát-xê đầu tiên, Tăng Thanh Hà lao lên xe đạp, phóng như bay về nhà với tâm trạng khấp khởi. Vậy là từ nay cô con gái út đã có thể giúp mẹ rồi. Đó, niềm hạnh phúc của người đẹp ngày ấy cũng nặng nề đói no là vậy.

Đi diễn, phải vác trên mình con rối nặng trịch, nóng nảy nhưng cô không ca thán nửa lời. Trong cái thế giới nhỏ của chính mình, nhìn qua tấm vải thưa bé xíu, Tăng Thanh Hà bắt đầu học lóm cách diễn xuất và mê mệt từ lúc nào không hay.

May mắn là con đường sự nghiệp của Tăng Thanh Hà tương đối suôn sẻ. Năm 16 tuổi, cô nhận vai Trang trong Dốc Tình, tiếp theo là Mộng trong Hàn Mạc Tử rồi Út nhỏ trong Hương Phù Sa.

Tất cả đều đến với người đẹp một cách tình cờ như duyên cơ đã sắp xếp. Việc còn lại của Hà Tăng là thể hiện tốt nhất có thể. Thế là cô nổi tiếng.

Cát-xê tăng ầm ầm, hợp đồng quảng cáo ghé đến liên tục. Sau mười mấy năm ngược xuôi mướn nhà, nay gia đình cô đã có thể sống hạnh phúc cùng nhau trong căn nhà chính chủ.

Lẽ dĩ nhiên, chẳng con đường nào trải đầy hoa hồng. Bây giờ người ta gọi cô là “Ngọc nữ”, là người có nhan sắc ít ai bì kịp nhưng trước đó, chẳng mấy ai biết cô từng bị một chuyên gia trang điểm từ chối làm đẹp và chụp ảnh vì sở hữu vẻ ngoài quá đỗi bình thường.

Nay người ta thấy cô diện hàng hiệu, một bước lên xe hai bước xuống xe chứ mấy ai biết, cô gái ấy ngày xưa đã phải lần mò, tìm kiếm trang phục diễn trong mấy cửa hàng sida và rong ruổi ngược xuôi với cái lưng áo ướt mèm trên chiếc xe đạp cọc cạch.

Đó là còn chưa kể đến những tổn thương về mặt tinh thần Tăng Thanh Hà phải trả cho cái giá để làm người nổi tiếng suốt thời gian qua.

Nếu có ai đó nói rằng, cuộc sống của "cô gái có nụ cười làm sáng rực cả một khúc sông" không có gì quá đặc biệt, có lẽ họ đúng vì xã hội còn rất nhiều người nghèo.

Nhưng hoàn cảnh mà biết cách vươn lên, tìm được chỗ đứng bằng chính khả năng của mình thì chẳng mấy ai. Biến không thành có, từ tay ngang thành kẻ chuyên nghiệp, từ chẳng là ai cho đến ai ai cũng biết như Tăng Thanh Hà lại càng hiếm.

Theo Trí thức trẻ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.