Đức Hải từ bỏ thành công để… về nhà chơi với con

"Các đạo diễn Việt Nam không mấy mặn mà với sân chơi dành cho trẻ nhỏ bởi nó khá “khó nhằn”: Viết kịch bản khó, đầu tư trang phục, âm thanh, ánh sáng tốn kém, chi phí nhiều mà giá vé không thể cao, thu không đủ bù chi nên “ngó lơ” sân chơi dành cho thiếu nhi, mặc cho trẻ “đói” các món ăn tinh thần bổ ích", NSƯT Đức Hải từ bỏ sự nghiệp diễn hài thành công để chuyển nghề đạo diễn phim thiếu nhi vì lý do như thế.

"Các đạo diễn Việt Nam không mấy mặn mà với sân chơi dành cho trẻ nhỏ bởi nó khá “khó nhằn”: Viết kịch bản khó, đầu tư trang phục, âm thanh, ánh sáng tốn kém, chi phí nhiều mà giá vé không thể cao, thu không đủ bù chi nên “ngó lơ” sân chơi dành cho thiếu nhi, mặc cho trẻ “đói” các món ăn tinh thần bổ ích", NSƯT Đức Hải từ bỏ sự nghiệp diễn hài thành công để chuyển nghề đạo diễn phim thiếu nhi vì lý do như thế.

 NSƯT Đức Hải
NSƯT Đức Hải

Những khán giả - giám khảo khó tính

Đức Hải là người đa tài khi anh thâu tóm đủ các chức danh: Đạo diễn, diễn viên, người dẫn chương trình, nhà quản lý, thầy giáo và doanh nhân. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, trong tất cả các công việc đó, Đức Hải thích nhất là được đạo diễn kịch dành cho công chúng trẻ em.

Ngay từ mới “chập chững” vào nghề đạo diễn, anh đã chọn công chúng của mình là trẻ em. Dường như chính tình yêu đối với trẻ là “kim chỉ nam” cho mọi hành động của anh.

Dù bận rộn khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng cứ hễ ở đâu cần dàn dựng chương trình cho trẻ nhỏ là anh xách vali đi luôn. Anh khoe rất hồn nhiên “Tôi từng dựng vở kịch xiếc Thạch Sanh từ những năm 1996 - 1997. Đây là vở kịch xiếc đầu tiên của Việt Nam. Trẻ em ở khắp các tỉnh thành phía Bắc đều đến xem vì nó mới lạ".

Sau gần 20 năm gắn bó với công chúng tuổi thơ, nghệ sĩ Đức Hải đã làm đạo diễn gần trăm chương trình lớn nhỏ cho trẻ hai miền Nam - Bắc, chưa kể tới các seri chương trình tuổi thơ ở Đài Truyền hình TP.HCM.

Có thể kể đến một số vở kịch dành cho khán giả "nhí" như “Lợn con biết bay”, “Dế mèn phiêu lưu kí”, “Đoremon”,  “Đôi bàn tay xinh”, “Nàng bạch tuyết và 7 chú lùn”… và mới đây là “Câu chuyện thiên nga”.  

“Viết kịch bản cho trẻ nhỏ không hề đơn giản. Bởi người viết phải yêu và hiểu suy nghĩ, ngôn ngữ của trẻ, nội dung phải phù hợp với tâm lý của trẻ, không áp đặt suy nghĩ của người lớn vào trẻ nhỏ. Nếu không trẻ không xem và người lớn cũng quay lưng”, Đức Hải tâm sự.

Viết xong kịch bản, người đầu tiên “thẩm định” chất lượng là cậu con trai 7 tuổi của anh. Chính khán giả "nhí"  khó tính này sẽ sửa một số ngôn từ “già hóa” của bố mình. Sau khi vượt qua vòng “sơ khảo”, anh tiếp tục vào “vòng trong”, lắng nghe sự “thẩm định” của 3 cô con gái và các bé… hàng xóm.

Thấy bọn trẻ cười thích thú vì lời thoại hay nội dung vở kịch, anh như quên hết sự mệt mỏi. Bởi tiếng cười ấy sẽ được nhân rộng ra hàng trăm, hàng vạn trẻ nhỏ, còn gì hạnh phúc hơn thế nữa.

Nỗi ấm ức địa chỉ văn hóa thành quán bia hơi

Con đường dẫn NSUT Đức Hải đến với đạo diễn “sân chơi nhí”, ngoài tình yêu trẻ nhỏ còn có một lý do khác cũng rất quan trọng: Đó là do trẻ quá thiếu sân chơi lành mạnh, bổ ích.

Anh ngậm ngùi: “Người ta cứ đổ cho sữa hộp,  phim ảnh, cho nhiều sự tác động của xã hội khác nhau đã làm trẻ con thời nay trở nên già nhanh hơn so với tuổi mà không thấy sơ suất của những người có trách nhiệm”.

Điều mà đạo diễn “Câu chuyện thiên nga” cảm thấy bứt rứt là ở những thành phố như Bắc Kinh, Tokyo… họ đều có tới bảy nhà hát dành cho thiếu niên nhi đồng.

Trong khi Việt Nam với dân số gần 90 triệu dân lại không có nổi nhà hát dành cho tuổi thơ. "Mà có phải Việt Nam thiếu rạp đâu. Chỉ tính riêng Hà Nội, đếm sơ sơ cũng có hàng chục rạp bỏ không, làm quán bia, nơi gửi xe… Thật hoang phí! Tại sao các cơ quan hữu quan không chuyển đổi làm rạp dành cho thiếu nhi”, nghệ sĩ đặt câu hỏi.

Các đạo diễn khác không mấy mặn mà với sân chơi dành cho trẻ nhỏ bởi nó khá “khó nhằn”: Viết kịch bản khó, đầu tư trang phục, âm thanh, ánh sáng tốn kém, tiền trả diễn viên, tiền thuê rạp hát… chi phí cộng lại nhiều mà giá vé thì không thể cao.

Nghệ sĩ Đức Hải đưa ra so sánh: “Nếu như, làm một chương trình cho người lớn, trang phục cho diễn viên chỉ hết 200 ngàn đồng, thì ở vở “Câu chuyện thiên nga” phải mất đến hai triệu đồng. Có nghĩa là chi phí chênh nhau cả chục lần”. "Thu chẳng đủ bù chi”, có lẽ vì vậy mà hàng trăm đạo diễn hiện nay “ngó lơ” sân chơi này, mặc cho khán giả nhí “đói” các “món ăn” bổ ích.   

“Nếu có rạp “đặc dụng”, chúng tôi không lo phải đi thuê rạp, chương trình sẽ giảm được chi phí từ 20- 30 triệu/đồng một đêm diễn. Giá vé sẽ được giảm tới vài chục nghìn/vé.

Điều đó đồng nghĩa tạo cơ hội cho rất nhiều trẻ em được đặt chân tới rạp thưởng thức chương trình nghệ thuật. Chúng tôi cũng có nhiều suất diễn phục vụ trẻ em.

Chắc hẳn chúng tôi sẽ làm được việc là tạo thói quen đưa con đến rạp cho các bậc phụ huynh, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Còn với giá thuê rạp đắt đỏ như hiện nay, chúng tôi khó có thể kiếm được lãi để trả tiền điện nước, tiền cho diễn viên."

Cùng với tâm sự đó, NSUT Đức Hải ước mong sẽ sớm có nhà hát dành riêng cho thiếu nhi và các đạo diễn chung tay vào sáng tạo nghệ thuật dành cho công chúng "nhí". Điều này, chắc chắn sẽ góp phần “dẹp tan” những trò chơi bạo lực, những trang mạng "đen" đang… “bao vây” trẻ nhỏ.

Theo Xa lộ pháp luật


Bình luận