Mr Đàm: Ở nước mình, có nhiều “bác sĩ” bất đắc dĩ

Ở nước ta, việc gì cũng được mọi người đón nhận nồng nhiệt và sau đó là những cuộc mổ xẻ mà rất nhiều “bác sĩ” bất đắc dĩ đăng kí tham gia “mổ” không nhận lương một cách hồ hởi và khá là “rảnh rỗi” - Mr Đàm cho biết.

Ở nước ta, việc gì cũng được mọi người đón nhận nồng nhiệt và sau đó là những cuộc mổ xẻ mà rất nhiều “bác sĩ” bất đắc dĩ đăng kí tham gia “mổ” không nhận lương một cách hồ hởi và khá là “rảnh rỗi” - Mr Đàm cho biết.

Nó khiến tôi cứ trăn trở mãi, vậy những phát ngôn bị cho là “ngông cuồng” và “lộng ngôn” trong các bài phỏng vấn trước đó trên các mặt báo không lẽ là của ai đó, chứ không phải của Mr. Đàm.

Bởi lẽ, theo cái cách mà anh trả lời, tôi lại đang thấy một Mr. Đàm khác, lại thấy những lớp lang ý nghĩa khác của những câu trả lời thẳng thắn, và mạnh bạo.


Có nhiều người “nhiệt tình thái quá”


Lần đầu làm giám khảo của một cuộc thi lớn như Giọng hát Việt, chắc chắn có nhiều điều khá thú vị để anh chia sẻ với công chúng?

Tôi cũng không ngờ rằng, trong cuộc thi này, ở vị trí của chúng tôi lại có những niềm vui và những trận cười chảy cả nước mắt bởi những cạnh tranh khốc liệt và vô cùng duyên dáng của cả bộ tứ huấn luyện viên với bốn tính cách rõ rệt không thể nào che giấu hay cố tình “diễn” được.
 


Tôi cũng không ngờ rằng, trong cuộc thi này, ở vị trí của chúng tôi
lại có những niềm vui và những trận cười chảy cả nước mắt


Ghế giám khảo của anh cũng đã từng gặp không ít thị phi, mà đa phần những ồn ào đó đều cho rằng anh chưa thực sự đủ “tài năng” để ngồi ở vị trí đó. Anh nghĩ sao?

Ở nước ta, việc gì cũng được mọi người đón nhận nồng nhiệt và sau đó là những cuộc mổ xẻ mà rất nhiều “bác sĩ” bất đắc dĩ đăng kí tham gia “mổ” không nhận lương một cách hồ hởi và khá là “rảnh rỗi”.


Trong suy nghĩ và sự hình dung của họ, giám khảo ở các cuộc thi âm nhạc phải là những người đạo mạo, nghiêm trang, phải là hiệu trưởng của một trường âm nhạc nào đó hoặc phải là giáo viên thanh nhạc lâu năm.


Sẽ không một ai chỉ được cho tất cả mọi người thấy đâu là cao, đâu là thấp cả, tôi tin điều đó. Bởi vì dù họ có nói thì cũng không thể khiến hơn 80 triệu dân muốn nghe hoặc tin lời họ. Chuyện đánh giá tôi cao hay thấp của một số ít người nào đó chưa bao giờ làm tôi phải khiếp sợ hay vui mừng. Hãy cứ xem thử chương trình rồi sẽ có câu trả lời.

“Super show” của anh vừa qua được đánh giá là hoành tráng nhất, xa xỉ nhất và cũng sang trọng bậc nhất trong lịch sử nhạc Việt? Như vậy thì cái ghế giám khảo kia cũng là một bước “chạy đà” khá tốt đấy chứ?

Khán giả bây giờ tinh ý và giỏi lắm, ngay cả ban tổ chức các chương trình “khủng” như The Voice cũng không phải là những người dễ dàng bị bịt mắt để tôi lợi dụng chương trình PR về mình một cách lố bịch.


Năm nay là đúng 15 năm tôi dấn thân vào con đường ca hát, và cũng đã gần 4 năm rồi tôi chưa trở lại với khán giả khắp nơi sau liveshow Người tình. Tôi cũng muốn trèo qua chinh phục bức tường của mình, về hoành tráng thì có đấy, nhưng không dám nói là sang trọng, xa xỉ bậc nhất Việt Nam.


Chắc chắn là không dám dùng những từ đó, mà tôi chỉ có thể nói rằng chưa có một show nào của tôi mà tiền sân khấu đã “nuốt” gần 1 tỷ, chưa kể âm thanh ánh sáng, chứ đừng nói đến trang phục, diễn viên múa, nhạc công, ca sĩ, dàn hợp xướng, dàn giao hưởng, ca sĩ khách mời, PR, quảng cáo.


Đừng mong bịt mắt khán giả


Vậy “super show” vừa qua anh đánh giá thế nào? Nó đã “đẳng cấp” như anh mong muốn?

Thương hiệu Mr. Đàm by night và Tiếng hát Việt đã được bảo chứng bởi các chương trình như Dạ tiệc trắng, liveshow Người tình, Bước chân miền Trung, liveshow Thiên thần bóng đêm của ca sĩ Dương Triệu Vũ và hàng loạt các sản phẩm băng đĩa chất lượng…

Tất cả nhiều đó đã đủ chưa bạn? Còn liveshow lần này vô cùng đặc biệt vì trước hết đạo diễn Trần Vi Mỹ đã vắt kiệt chất xám, bản thân tôi cũng lần đầu tiên đem lên sân khấu hơn 100 con người với giàn nhạc giao hưởng, hợp xướng, các vận động viên thể hình, diễn viên múa ballet chuyên nghiệp giỏi nhất, tốt nhất vừa tốt nghiệp từ Nga trở về.

Hai con sông được đặt trên sân khấu một cách tốn kém và công phu nhất, tôi phải làm việc với đoàn xiếc cả tháng trời để có được tiết mục khán giả phải trầm trồ, bên cạnh đó có cả một nhóm múa kung-fu đến từ Thượng Hải.


Đặc biệt nhất vẫn là sự cống hiến và rực cháy liên tục của tôi cùng các ca sĩ khách mời trong suốt ba tiếng với rất nhiều ca khúc mang những cung bậc khác nhau.

Đạo diễn của liveshow này lại là Trần Vi Mỹ. Anh không sợ sự quá hiểu nhau của hai người sẽ khiến chương trình có đủ sự an toàn nhưng lại thiếu đi tính sáng tạo, tươi mới?

Cảm ơn bạn đã quan tâm và lo lắng cho tôi, nhưng tôi sẽ chứng minh sự lo âu của bạn là sai. 


Chưa một khán giả nào bước ra khỏi show của tôi mà có thể buông một lời chê bai


Cả tôi và đạo diễn Trần Vi Mỹ hiểu rất rõ những gì mình đã đi qua và những gì cần phải làm để tiếp tục chứng minh chúng tôi là ê kíp thực hiện những chương trình nghệ thuật hoàn hảo và chuyên nghiệp nhất. Khán giả bây giờ không dễ bị bịt mắt những trò xưa cũ hoặc vô nghĩa, còn giới chuyên môn và nhà báo nữa. Không phải chuyện đùa bạn à!

Anh từng nhấn mạnh rằng chuyện âm nhạc với anh giờ là những show diễn cống hiến và đẳng cấp. Và nếu thế thì tôi lại nghĩ đến đạo diễn Việt Tú. Đã bao giờ anh nghĩ mình sẽ hợp tác với vị đạo diễn trẻ tài năng này cho một show diễn đẳng cấp đúng nghĩa chưa?

Tôi và Việt Tú rất quý nhau và luôn dành cho nhau những điều trân trọng nhất. Tú là một người giỏi, trẻ, táo bạo và văn minh. Có thể, tôi chưa hội đủ những điều đó để có thể làm phiền đến Việt Tú?


Chính vì những điều thiếu hụt đó biết đâu tôi lại trở thành một thằng hề trước mặt Việt Tú thì sao? Anh Trần Vi Mỹ cũng hiểu vấn đề này hơn ai hết và chính anh ấy cũng đã phải đào xới chất xám, vắt óc vắt tim để vượt qua chính những sáng tạo của mình. Thực ra, nhận lời làm đạo diễn cho một người “khùng điên” như tôi không vui sướng gì đâu.

Một sự đầu tư hoành tráng có khiến nhiều người nghĩ anh đang lấy “vẻ đẹp bề mặt” để lấn át chất lượng của buổi diễn?

Tôi dám mạnh dạn khẳng định với bạn rằng chưa một khán giả nào bước ra khỏi show của tôi mà có thể buông một lời chê bai, bởi vì tôi là người thích hoàn hảo đến từng chi tiết nhỏ nhất và cũng là người hiểu rõ tâm lý khán giả của mình.


Tôi phải làm những gì để xứng đáng với đồng tiền mà họ bỏ ra, vì thế câu nói của bạn chỉ là câu “thử lửa” với tôi mà thôi (cười).

Tự thân hàng hiệu đã là một “giá trị”

Một show diễn hoành tráng và một bộ phim truyện nhựa cũng đã rất hoành tráng từ trailer. Anh cũng bỏ một mớ tiền để thuê thầy từ Hollywood về bồi dưỡng kỹ năng diễn xuất. Xem ra sự nghiệp của Đàm Vĩnh Hưng  không còn thiếu thứ gì. Vị trí của anh hiện nay chắc cũng còn lâu mới có kẻ vượt qua được. Vậy còn điều gì khiến Đàm Vĩnh Hưng tiếp tục phấn đấu nữa?

Không ai có thể biết được ngày mai sẽ xảy ra điều gì. Tôi luôn luôn dặn mình không được chủ quan. Hơn nữa, tôi làm show là để “trấn giữ biên thùy”, tiếp tục khẳng định thương hiệu, đồng thời còn có một yếu tố nữa đó là công việc kinh doanh của công ty Tiếng hát Việt của tôi.

Làng nhạc để nói giàu có chắc khó có ai qua nổi anh, danh tiếng và độ chịu chơi cũng tương tự. Đặc biệt hành hiệu và sự xa xỉ thì anh là một “chuyên gia” rồi. Người xem sẽ lại được chiêm ngưỡng một Mr. Đàm xa xỉ trong show diễn tới đây chứ?

Xin bạn đừng quăng tôi vào những điều như bạn vừa nói, thực tế không phải như vậy đâu bạn ơi, khổ lắm! Vì màu sắc và tổng thể cũng như tính chất của chương trình nên trang phục phải ăn nhập với khung cảnh.

Ví dụ như chương đầu tiên thuộc về Châu Âu cổ xưa thì làm sao có thể mặc hàng hiệu với những trào lưu của thời hiện đại. Mọi người đến xem thì sẽ biết!




Vậy với cá nhân anh, hàng hiệu là một giá trị hay là thứ bồi đắp cho những giá trị anh đang có?

Khổ ghê, tôi cứ bị gắn mác hàng hiệu hoài. Thực tế là tôi có rất nhiều đồ bình thường, hàng trong nước của các nhà thiết kế như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Chung Thanh Phong… thậm chí có khá nhiều những chiếc áo có giá 130.000 đồng nhưng rất đẹp, vậy mà chẳng ai tin mới đau khổ cho tôi.


Trước tiên, hàng hiệu tự thân nó đã là những thứ có giá trị rồi, người biết sử dụng và khoác lên mình những thứ có giá trị đó chính là những người biết cách đặt mình lên những nấc thang cao hơn trong cuộc sống này. Hy vọng là bạn sẽ hiểu được ý sâu xa của tôi nhắn gửi qua câu nói vừa rồi.


Nhiều ngôi sao nói rằng hàng hiệu khiến họ tự tin hơn. Còn anh thì sao? Nếu “lột” hết hàng hiệu ra khỏi người thì liệu anh còn tự tin không?

Bạn cứ bước đến đây và chúng ta cùng làm phép thử đó một lần xem sao.


Tôi có đọc được ở một trang báo mạng gần đây rằng: Đàm Vĩnh Hưng “cấm cửa” báo giới! Thiên hạ thấy anh ngày càng “lộng ngôn” đó. Đơn giản, anh đâu có trả lương phóng viên để mà có quyền “cấm cửa” họ!

Có thể bạn đọc hơi ẩu và chưa chú tâm. Nếu bạn tìm được những chứng cứ lời nói của tôi về hai chữ “cấm cửa” báo giới thì tôi sẽ sang tên cho bạn ngay lập tức toàn bộ những gì tôi đang sở hữu.


-  Ồ vậy thì tôi có lẽ sắp giàu.


Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

“Tôi cần được tôn trọng bằng cách giữ nguyên tất cả những gì có trong bài phỏng vấn này”. Đó là câu cuối cùng của Đàm Vĩnh Hưng khi buổi phỏng vấn kết thúc.

Theo Sành Điệu

Bình luận