NSND Lan Hương: Tôi mãi là “em bé Hà Nội”

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. NSND Lan Hương đã chia sẻ những kỷ niệm về “Em bé Hà Nội” mà chị thủ vai chính và gây ấn tượng lớn với khán giả.

Nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”. NSND Lan Hương đã chia sẻ những kỷ niệm về “Em bé Hà Nội” mà chị thủ vai chính và gây ấn tượng lớn với khán giả.

Chị còn nhớ lần đầu tiên đạo diễn đến mời vào vai Ngọc Hà trong phim “Em bé Hà Nội”?

- Nhà tôi sống trong khu xưởng phim, bà ngoại tôi làm ở xưởng, bác tôi - NSƯT Lưu Xuân Thư vừa là diễn viên, quay phim và Giám đốc Hãng phim Tài liệu. Khi mới 2 tuổi, tôi đã được biết tên, quen mặt với các đạo diễn và được các bác mời vào những vai diễn ngắn. Hồi đó tôi còi cọc lắm, cả người chỉ nhìn thấy đôi mắt là to.

Tôi còn nhớ, hồi đó mọi người hay nhận xét khuôn mặt tôi có gì đó rất có chiều sâu, nên hay được các bác, các cô, các chú đưa đi chụp ảnh. Sau đó, khi tôi 10 tuổi, gia đình tôi chuyển đi nơi khác sống, thì một lần đạo diễn Hải Ninh có đến nhà tôi.

Sau khi bác gặp bố mẹ tôi nói chuyện, bố mẹ tôi đã phải đối kịch liệt, đến mức bộ tóc dài tới thắt lưng của tôi được mẹ hết mực quý, chăm chút từng ngày cũng bị mẹ cắt xoẹt đến tận mang tai, để tôi không thể đi đóng phim được. Vậy mà cuối cùng tôi vẫn đóng phim “Em bé Hà Nội”...

NSND Lan Hương.

Ngay sau khi bộ phim được trình chiếu, rất nhiều lời khen tặng đến đạo diễn cũng như nhân vật chính trong phim là chị. Vậy mẹ chị sau đó có cấm cản chị đi diễn nữa không?

- Có chứ, khi làm phim “Mối tình đầu”, bác Hải Ninh lại đến mời tôi vào vai diễn, mẹ tôi cũng không đồng ý. Tôi phải năn nỉ và hứa với mẹ đóng nốt phim này rồi sẽ thi đại học, sẽ đi học để làm nghiên cứu sinh đúng như ý thích của mẹ. Mẹ tôi là nữ sinh viên đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa, nên bà cũng muốn tôi phải đi theo con đường học hành.

Ngày bé tôi bị ép nhiều thứ lắm, trong đó có bị ép học ngoại ngữ, nên cứ đến giờ ngoại ngữ là tôi ghét lắm. Thế nên mang tiếng là 6 tuổi học tiếng Pháp, 12 tuổi học tiếng Nga, mà cho đến tận bây giờ cả 2 ngôn ngữ đó tôi không nhớ nổi lấy một từ. Nhưng nếu nói đến nghệ thuật thì tôi lại rất nhớ, nhập tâm rất nhanh, đó là hội họa, múa và phim.

Trở lại với vai diễn trong phim “Em bé Hà Nội”, điều gì đã khiến chị có thể đóng hay, thậm chí xuất thần trong vai diễn khó- em bé Ngọc Hà?

- Không có điều gì để tôi xuất thần với vai đó ngoài sự thích thú khi được diễn, bên cạnh đó thì bác Hải Ninh cũng là người tận tình giải thích mỗi phân đoạn, cảnh quay cho tôi. Và vì thích thú, nên tôi đã lắng nghe bác ấy nói một cách chăm chú, mặc dù có những chỗ tôi không hiểu hết được lời bác ấy.

Ví dụ có cảnh bé Ngọc Hà chạy trên cầu, thì bác ấy giải thích không chỉ chạy đơn thuần trên cây cầu bình thường đâu, mà cháu phải coi cây cầu như máu thịt của mình, để đưa mình đi tìm về với gia đình, nên cháu phải cảm nhận nỗi sợ hãi, về cây cầu bồng bềnh cùng với tiếng bom nổ trên đầu, rồi mẹ chết thì như thế nào...

Bộ phim “Em bé Hà Nội” đã trở thành niềm tự hào của nền điện ảnh Việt Nam, trong đó có công sức của chị. Hẳn chị luôn dành cho nó một sự trân trọng lớn trong sự nghiệp?

- Không còn gì để nói nữa, một sự mãn nguyện vô cùng, 40 năm, không có năm nào các đài, các kênh truyền hình không chiếu lại bộ phim này. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của người nghệ sĩ, không có gì vinh dự bằng tên nhân vật gắn liền suốt cuộc đời mình, tôi mãi mãi là “em bé Hà Nội”.

Tôi luôn cảm ơn bác Hải Ninh rất nhiều, bởi bác là người đặt viên gạch đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ thuật của tôi. Sẽ không một ai khi đã chứng kiến những năm tháng của năm 1972 có thể quên được. Bộ phim “Em bé Hà Nội” còn như một nén hương thắp lên cho những người đã ngã xuống, cho dù 40 năm hay bao nhiêu năm nữa, không ai có thể quên những năm tháng ác liệt đó.

Xin cảm ơn chị!

Theo Danviet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.