NSƯT Trần Lực: "Cái số bắt phải vậy!"

NSƯT Trần Lực tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề và những ấn tượng sâu đậm về vai diễn Tống Văn Sơ trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” từng giúp anh đoạt Giải Mai Vàng năm 2003.

NSƯT Trần Lực tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề và những ấn tượng sâu đậm về vai diễn Tống Văn Sơ trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông” từng giúp anh đoạt Giải Mai Vàng năm 2003.

Hai vai diễn Bác Hồ ấn tượng

Một trong những vai diễn đặc biệt nhất trong cuộc đời điện ảnh của Trần Lực là vai Tống Văn Sơ trong phim “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”. Bộ phim sản xuất năm 2003, kể lại quãng thời gian lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sống tại Hồng Kông. Để thoát khỏi tai mắt của thực dân Pháp và chính quyền Anh ở đây, Nguyễn Ái Quốc đã lấy tên là Tống Văn Sơ. Bằng tài trí, sự kiên trung và tấm lòng nhân hậu của mình, cùng với sự trợ giúp của luật sư Loserby, các đồng chí người Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã phá vỡ được âm mưu của kẻ thù để trở về nước, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng còn non trẻ.

 

Vai diễn trong bộ phim này mang đến Giải Mai Vàng cho Trần Lực

Vai diễn trong bộ phim này mang đến Giải Mai Vàng cho Trần Lực

Bộ phim thực sự để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng, là một trong ba phim không thể không xem về Bác Hồ (Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 46, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông). Trong phim, Trần Lực vào vai Bác Hồ dưới cái tên Tống Văn Sơ. Để hóa thân vào vai diễn này, anh đã phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu về Bác Hồ. Không chỉ xem phim tài liệu, tranh ảnh, sách báo... viết về Người, anh còn tìm đến ông Vũ Kỳ - người từng làm thư ký của Bác để tìm hiểu về những thói quen sinh hoạt, nét tính cách nổi bật và thường ngày của Bác. Chính vì thế, dù ngoại hình không hẳn có nhiều nét giống Bác như nghệ sĩ Tiến Hợi nhưng Trần Lực lại được đánh giá cao nhờ thể hiện thành công tâm hồn và cốt cách của người chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Nhờ sự tận lực của mình, chinh phục được khán giả, anh vinh dự đoạt Giải Mai Vàng năm 2003, hạng mục Nam diễn viên được yêu thích nhất. Sau Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Trần Lực còn được mời vào vai Bác Hồ trong một phim khác - Nhìn ra biển cả. “Trong phim, Nguyễn Tất Thành là thầy giáo dạy thể dục nên phải là người rắn rỏi, tràn đầy sức sống và diễn viên cũng phải là người có tiêu chuẩn này - Trần Lực cho biết - Theo tài liệu lịch sử, thời gian là giáo viên thể dục tại Trường Dục Thanh, Bác Hồ giỏi các môn thể thao như xà đơn, xà kép, nhảy xa, chạy bộ… Chính vì vậy, diễn viên cũng phải biết các môn thể thao này... Nhưng điều quan trọng nhất người diễn phải thể hiện được tinh thần, ý chí của Bác Hồ thời trai trẻ” - NSƯT Trần Lực nói.

Ba lần đón dâu

Không chỉ là diễn viên tài năng, Trần Lực cũng gặt hái được thành công với vai trò đạo diễn của các phim Chuyện nhà Mộc, Tết này ai đến xông nhà… Sau đó là rất nhiều phim gắn với tên tuổi của anh: Hai Bình làm thủy điện, Tivi về làng, Đời chè, Đầu bếp và đại gia, Chàng trai đa cảm, Cocktail cho tình yêu, Tìm lại chính mình…

Thế nhưng, quan điểm của Trần Lực vẫn là: “Tôi thích đóng phim do người khác làm đạo diễn, khi đó tôi chỉ cần tập trung vào diễn xuất, phân tích, bàn bạc với các bạn diễn khác, còn nếu đã vào vai trò đạo diễn, chỉ là đạo diễn thôi. Tôi rất phục những người có thể vừa “đạo”, vừa “diễn” mà vẫn có phim hay…”

Có một quãng thời gian ngắt đoạn khá lâu, cái tên Trần Lực hiếm khi xuất hiện trên truyền hình hoặc điện ảnh. Điều gì đã khiến người diễn viên – đạo diễn tài năng này im hơi lặng tiếng? Nghe nói, con đường công danh rạng rỡ bao nhiêu, cuộc sống riêng tư của Trần Lực lại lận đận bấy nhiêu. Cũng có người nói anh đẹp trai quá nên đào hoa, những đổ vỡ trong đời sống cá nhân khiến anh không muốn xuất hiện.

Có thể sóng đã thật to, gió đã thật lớn trên những chặng đời nào đó của người đàn ông trưởng thành từ rất sớm và trong một “cái nôi” gia đình truyền thống và bề thế này. Nhưng, nếu không cần nghe những lời đồn đại mà chỉ căn cứ từ những nét khắc khổ trên gương mặt phong trần cũng đủ thấy quả thực Trần Lực chẳng dễ dàng lái chuyến xe chở nặng những thành quả.

 

 Mỗi sự xáo trộn chỉ là điều bất khả kháng, gây ra sự mệt mỏi cho không chỉ riêng tôi mà còn những người khác” - NSƯT Trần Lực thổ lộ.

 "Mỗi sự xáo trộn chỉ là điều bất khả kháng, gây ra sự mệt mỏi cho không chỉ riêng tôi mà còn những người khác” - NSƯT Trần Lực thổ lộ.

Ba lần đăng ký kết hôn, ba lần mang xe hoa đi đón dâu, Trần Lực nhắc đến chuyện này một cách bình thản, pha chút tự châm biếm bản thân. Anh cũng thấy rằng “ba lần là hơi nhiều”, nhưng “cái số bắt phải như vậy!”. Ai cũng muốn có gia đình yên ấm, ổn định. "Mỗi sự xáo trộn chỉ là điều bất khả kháng, gây ra sự mệt mỏi cho không chỉ riêng tôi mà còn những người khác” - NSƯT Trần Lực thổ lộ.

Trải qua nhiều biến cố, đến thời điểm này Trần Lực đã có một cuộc sống gia đình bình an với người vợ đảm và 3 đứa con ngoan. Mới đây, anh bất ngờ tái ngộ khán giả màn ảnh nhỏ khi tham gia chương trình truyền hình thực tế Bố ơi, mình đi đấu thế? cùng với cậu con trai thứ 3 mới vừa 6 tuổi. Hiện tại, những tháng ngày rong ruổi của hai bố con vẫn đang kéo dài qua nhiều địa phương cùng với đoàn làm phim và những kịch bản thật sự không hề biết trước.

Việc tham gia chương trình truyền hình thực tế Bố ơi mình đi đâu thế đối với Trần Lực là một điều rất tự nhiên, rất nhẹ nhàng. Anh có thể là một đạo diễn tài năng, luôn biến hóa và ứng phó với mọi tình huống, thao lược trên phim trường, nhưng trong cuộc sống, anh lại là người tin theo sự sắp xếp của tự nhiên. Hay cũng có thể nói, Trần Lực hiểu rằng cuộc sống thực tế sẽ chẳng bao giờ tuân theo một kịch bản định sẵn do chính mình viết ra, vì thế anh đón nhận mọi việc đến với mình một cách nhẹ nhàng, bình thản nhất, hầu mong tìm ra một con đường đi đúng đắn, bởi tự nhiên luôn có cái lý lẽ đúng đắn của nó.

 Theo Hòa Bình/NLĐO/Ảnh: NVCC



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.