Phạm Bằng nhận xét về Vân Dung, Quang Thắng
"Khi cô ấy vào nhân vật là cô ấy có thể quên hết, mà chỉ phục vụ cho nhân vật", NSƯT Phạm Bằng chia sẻ lý do khiến mình "nể" nữ danh hài Vân Dung.
"Khi cô ấy vào nhân vật là cô ấy có thể quên hết, mà chỉ phục vụ cho nhân vật", NSƯT Phạm Bằng chia sẻ lý do khiến mình "nể" nữ danh hài Vân Dung.
- Những danh hài trẻ tại Việt Nam hiện nay khá nhiều, mỗi người lại có một phong cách riêng biệt, NSƯT Phạm Bằng thấy ấn tượng với ai nhất?
Tôi thấy trẻ bây giờ có Tự Long và Thành Trung.
- Trước đã có lần danh hài Quang Thắng chia sẻ rằng người khiến anh thần tượng và kính trọng nhất trong nghề là Phạm Bằng, vậy ấn tượng của Quang Thắng trong mắt ông thì sao?
Thắng làm với tôi trong chương trình Gala cuối tuần của đạo diễn Khải Hưng trong suốt 7 năm. Lúc đó, Khải Hưng mới chỉ tìm 3 người là tôi, Vân Dung, Quốc Khánh thôi. Ban đầu định đưa anh Quốc Anh vào nhưng vì do anh ấy là nghệ sĩ chèo từ nhỏ nên từng động tác đưa lên đưa xuống đến giọng nói đều đậm chất chèo, nếu đưa vào tốp của chúng tôi sẽ bị lệch ra ngoài.
Thế nên khi Vân Dung giới thiệu Quang Thắng thì đạo diễn Khải Hưng thấy hợp, đồng bộ phong cách với bọn tôi nên làm chung với nhau từ đó.
Quang Thắng chẳng học ở trường sở nào cả. Thắng làm việc đến nay là bản năng nhưng mà Thắng có cái duyên trời cho. Trời cho tí nào thì xào tí nấy, bản thân cậu ấy cũng học dần dần, học từ người nọ người kia tí một rồi làm cũng được.
Phong cách của Thắng không thuộc trường phái biểu hiện mà thuộc trường phái nội tâm. Thắng cũng chịu khó học nên cũng thành công. Có khi bây giờ cậu ấy còn "thu hoạch" hơn tôi nhiều ấy chứ! (Cười). Đó là cái tốt.
- Còn Vân Dung - nữ diễn viên hài rất hay diễn cùng với ông?
Vân Dung tuy rằng cũng diễn bản năng thôi nhưng cô ta rất chịu học và cũng có chút nghề. Vân Dung là một diễn viên tôi hơi nể.
- Vì sao lại nể thưa ông?
Khi cô ấy vào nhân vật là cô ấy có thể quên hết bản thân là Vân Dung, mà chỉ phục vụ cho nhân vật. Muốn cái nhân vật méo mó lệch lạc, muốn bôi vẽ cô ấy xấu xí như thế nào cũng được. Ấy là kiểu diễn viên tôi cho là mẫu mực. Tất cả là vì nhân vật chứ không phải vì mình.
Cô Đức Lưu đóng vai Thị Nở trong bộ phim "Làng vũ đại ngày ấy" cũng là một trường hợp điển hình. Tôi biết có rất nhiều nữ diễn viên được chọn đóng vai này nhưng đều từ chối vì sẽ bị hóa trang rất xấu. Thế mà cô ấy nhận làm, mà thời đó cô Đức Lưu rất đẹp, đẹp theo kiểu thôn quê ấy.
Những tạo hình xấu xí, quê mùa và nực cười của Vân Dung trong các tiểu phẩm hài
- Đắm đuối với hài lâu như vậy, lâu nay ông có để ý tới mảng chính kịch không?
Sân khấu nói chung nó sâu lắm. Những tác phẩm đưa lên sân khấu cũng có những tác phẩm hời hợt, nhưng đại bộ phận là sâu sắc. Tuy nhiên bây giờ cái điều đó nó bị mai một đi mất nhiều rồi, rất ít người viết được kịch bản hay.
Ngày trước có anh Lưu Quang Vũ viết rất được, ngay từ hồi còn trẻ tôi đã phục anh ấy rồi. Lưu Quang Vũ nổi được độ chục năm thì mất. Nói chung 52 tác phẩm của Lưu Quang Vũ đều được hết cả. Nhưng thôi trời cho anh ấy cái này, lại lấy đi của anh ấy một cái gì rất lớn ..
Còn các diễn viên muốn thế nào thì kịch bản cũng phải có đất. Kịch bản hay, đất diễn tốt thì diễn viên mới có mầu để phát triển khả năng của mình được, nếu không cũng chịu.
Còn riêng tôi làm hài thật, nhưng những kịch bản dở quá tôi cũng không nhận. Bởi thực ra những diễn viên có kinh nghiệm rồi thì kịch bản dở hay thế nào đọc phát biết ngay. Một số người cứ tưởng làm hài dễ, tôi khẳng định không phải chuyện dễ đâu. Làm hài khó lắm. Làm sao để cho người ta cười được, cười theo kiểu trí tuệ, có gì đó thâm thúy, sâu sắc thì khó cực kỳ.
- Đó có phải là lý do khiến bao nhiêu lâu nay ông không đóng chính kịch nữa?
Cũng không hẳn phải thế. Còn 1 lý do nữa là người ta không mời tôi đóng chính kịch. Đã 3 anh đạo diễn nói với tôi là: "Nói thật với bác là cháu rất sợ vì bác xuất hiện một cái là người ta cười". (Cười).
Các ông ấy sợ tôi làm phá vở, chưa biết nếp tẻ thế nào nhưng tôi cứ xuất hiện là người ta cười đã, hỏng mất nhân vật của họ. Nên họ loại tôi, chỉ có nhân vật hài mới mời mình đóng. Tôi biết vậy nên cũng phải chấp nhận thôi.
- Vậy điều này đáng vui hay đáng buồn thưa ông?
Vui cũng có mà buồn cũng có. Vui là vì độc tôn. Buồn là vì ế quá, thiếu tiền (Cười).
- Được phong tặng NSƯT đến nay đã tròn 20 năm rồi, trong thời gian tới ông có dự định xin xét tặng danh hiệu NSND không?
Tôi được trao tặng NSƯT năm 1993. Hồi đó tôi không viết đơn mà chỉ gửi một cái lý lịch công việc có liệt kê giải thưởng, huy chương của mình. Thế nên giờ tôi cũng không làm đơn đâu vì lại nói là tôi xin.
Tôi nghĩ rằng những người có trách nhiệm phải theo dõi từng nhà hát một để trao tặng danh hiệu cho những người xứng đáng, chứ không phải để các anh nghệ sĩ làm đơn xin rồi mới xét xem thế nào. Tôi nghĩ đó là một điều vô lý. Còn chưa kể rất nhiều câu chuyện phức tạp xung quanh nó.
Mà thực ra quần chúng mới là những người sáng suốt nhất. Một số anh em nghệ sĩ bây giờ đã được phong tặng gì đâu mà vẫn được rất nhiều người yêu mến.
Theo Trí thức trẻ