The Voice 2013: Chiếc váy hoa sặc sỡ
Một khi đã là bão thì dư âm của nó hẳn nhiên cũng chẳng tốt đẹp gì ngoài đống xà bần ngổn ngang, hoang phế sau những lớp sóng óng ánh, sặc sỡ dội vào bờ rồi tự bốc hơi, tan tác.
Nếu được ví von thì tôi sẽ gọi The Voice 2012 như một cơn bão dài mang tên 4B - (Bừa bộn và Bê Bối). Một khi đã là bão thì dư âm của nó hẳn nhiên cũng chẳng tốt đẹp gì ngoài đống xà bần ngổn ngang, hoang phế sau những lớp sóng óng ánh, sặc sỡ dội vào bờ rồi tự bốc hơi, tan tác.
Và hẳn nhiên, quán quân bước ra từ cuộc thi này cũng chẳng danh giá, vẻ vang gì cho lắm nếu chẳng muốn nói cô đang choàng lên người mình chiếc áo được dệt nên từ…bọt xà phòng.
Cát Tiên Sa - người đàn bà "mắn đẻ"
Chả khác với một ả gái vừa lớn, sành điệu (trong cách ăn mặc), thừa mứa sự phóng túng và thích nổi loạn, The Voice có vẻ như khá sành sỏi hay ít nhất là hiểu rõ…nguyện vọng thế giới, nhất là với những vùng trời u tối như ở ta - vốn đang khát thèm thứ ánh sáng nào đó từ xa lắc dội về để hy vọng được đổi thay số phận, ít nhất là trong cảm giác dù nhiều khi ấy là ta đang huyễn hoặc, lừa mị chính mình. Kiểu Mỹ có The Voice of America thì nhẽ nào ta chả có cái na ná, gần giống để dịu đi cảm giác tủi thân, mặc cảm. Đó là một cảm giác có thật nhưng không phải ai trong chúng ta có thể nhận ra hay nhắc đến, vì ngại (và ngượng nữa thì phải).
Ra đời ở Hà Lan, phổng phao tại Mỹ rồi quyến rũ thế giới bằng cái vẻ ngoài đỏm dáng, sexy và năng khiếu bày trò của mình, The Voice hẳn là một cuộc thi âm nhạc cởi mở, tân thời và hoàn toàn có đủ quyền năng để đẩy các cuộc thi âm nhạc trước đây - vốn cũ kỹ, già nua (như những quý bà khó tính và sính câu nệ) vào dĩ vãng. Ở góc độ nào đó, người ta phải thừa nhận The Voice là một format rất thức thời. Ở chỗ bất luận anh là ai, làm gì ở đâu, xấu hay đẹp, có khiếm khuyết, dị tật nào đó về hình thể hay không, tuổi tác không phải là vấn đề quá quan trọng, The Voice như một lâu đài rộng cửa để bất kỳ ai cũng có thể đến để... hát, và chỉ có hát. Công chúng vốn chuộng sự thoải mái, phóng túng và có phần ghẻ lạnh với những gì thuộc về kinh viện hay quá cứng nhắc nên không khó hiểu khi The Voice đổ bộ vào quốc gia nào cũng đều nhận được sự tiếp đón trọng thị và tán thưởng nhiệt thành, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, dù công chúng có “hiếu khách”, nồng hậu (thậm chí dễ dãi) đến mấy và chẳng ai hà khắc đến mức đưa ra những đòi hỏi trên trời với cuộc thi mà tự thân nó cũng là chương trình truyền đậm tính giải trí nhưng để ăn ở lâu dài với nhau, người ta vẫn có quyền yêu sách về chất lượng thí sinh cũng như sự nghiêm túc trong cách làm việc của BTC. Tiếc là dường như những gì mà The Voice 2012 phơi bày trên sóng truyền hình quốc gia thì dù có độ lượng, người ta cũng không thể tìm thấy được những điều này.
Bắt đầu từ cái tên của nhà sản xuất - cụ thể là Cát Tiên Sa, nơi mà những những người quan sát tinh ý của làng giải trí có cảm giác gần giống hình ảnh của người đàn bà mắn đẻ và cực chịu sinh nở các chương trình truyền hình. Mắn đẻ và đẻ dày không hẳn đã xấu, thậm chí điều đó còn chứng minh được Cát Tiên Sa là một đơn vị có năng lực sản xuất đáng nể nhưng đẻ dày đến mức chương trình nối (thậm chí chồng) chương trình mà chất lượng bao giờ cũng chỉ nghiêng ở mặt hào nhoáng, nặng tính khoa trương và mùa sau bao giờ cũng nhạt hơn mùa trước không thuần túy chỉ vì sự nhẵn mặt của các chương trình đã làm khán giả cảm thấy nhàm chán thì rõ là có vấn đề. Người ta nhìn thấy cách làm việc nóng vội, ăn xổi ở thì và đặc biệt kém năng lực sáng tạo cùng một nền tảng văn hóa yếu kém trong các sản phẩm của Cát Tiên Sa. Điều này dễ dàng nhìn thấy mỗi khi Cát Tiên Sa ra mắt chương trình nào đó thì việc đầu tiên mà họ làm là lôi kéo dăm bảy gương mặt ngôi sao nào đó đang đình đám (và những ngôi sao chưa kịp sáng hay sắp tàn có nhu cầu đánh bóng tên tuổi) để tỉa tót cho bộ mặt của các chương trình chứ về mặt nội dung thì chẳng có thay đổi nào đáng kể mà Bước chân hoàn vũ và Cặp đôi hoàn hảo là những ví dụ sinh động.
Cũng bởi lẽ đó mà đơn vị này đã sai lầm ngay từ vạch xuất phát khi giao trọng trách giám đốc âm nhạc cho Phương Uyên - một nhạc sĩ ngoài việc sáng tác được dăm bảy ca khúc dễ nghe, dễ thuộc và dễ quên nhưng có chút ít tên tuổi nhờ vào vai trò thủ lĩnh của nhóm Ba Con Mèo - nhóm nhạc nữ một thời chinh Nam phạt Bắc ở những năm 90 nhờ vào khả năng hú hét, la làng hơn là hát. Cũng nên nhớ nhạc nhẹ thời ấy vẫn còn trong thuở hồng hoang, mông muội. Có thể Phương Uyên là một người tử tế nhưng năng lực của cô quả là xoàng xĩnh đối với một chương trình có tầm vóc như The Voice. Chưa kể, với một người mà giới tính có phần trúc trắc, không rõ ràng lại hay có những biểu hiện thân mật quá trớn với các nữ thí sinh, những người ác ý còn cho rằng cô vào cái lò mang tên The Voice là để săn gái chứ không phải để làm nhạc trưởng cho cuộc thi. Ác ý là thế nhưng vẻ như nó lại là sự thật mà những gì đã diễn ra sau đó, có lẽ chúng ta không cần thiết phải nhắc lại.
Tiếp đến là dàn huấn luyện viên tương đối bất ổn về năng lực chuyên môn nhưng rất chịu khoe mẽ mà dẫn đầu có thể nhắc đến Đàm Vĩnh Hưng - người được các quý bà ẩm ướt xưng tụng là ông hoàng nhạc Việt. Chưa ai rõ cái gọi là “ông hoàng” của Đàm Vĩnh Hưng nằm ở đâu, người ta chỉ thấy rằng Đàm Vĩnh Hưng ngoài giọng hát khàn đục đặc trưng anh chẳng còn gì ngoài kỹ năng khoe của và một tư duy âm nhạc theo kiểu gào rú, tru tréo được cho đó là cách thể hiện giàu cảm xúc còn vừa hát vừa thở hổn hển, không ra hơi thì được gán cho cái mỹ từ... bay bổng, tinh tế.
Đáng nể nhất trong bộ tứ quyền lực The Voice 2012 là Thu Minh thì thẩm mỹ âm nhạc của chị vẫn còn không ít điều để nói. Không ai có thể phủ nhận "bà chúa" nhạc dance Thu Minh có một giọng hát trù phú bởi sở hữu âm vực cực rộng cùng làn hơi gần như vô tận. Người ta thừa nhận Thu Minh là ca sĩ có cách xử lý ca khúc điêu luyện và một bản lĩnh sân khấu đáng gờm nhưng không nên quên vẫn còn đó một Thu Minh khác, hời hợt và nông trong đường hướng, tư duy âm nhạc mà đáng nhắc nhất là lần cô làm album với ông trùm nhạc chợ Minh Khang. Cũng chính vì sự chệch choạc trong đường hướng âm nhạc mà nhiều người thầm tiếc cho Thu Minh khi cô không thể nâng mình lên một "level" khác để tương xứng với giọng hát. Đây không phải là một nhận định chủ quan mà chính Trần Thu Hà - diva hàng đầu hiện nay cũng có lần tiếc nuối cho Thu Minh mà đại khái, theo diva này, Thu Minh có chút loay hoay, chung chạ và thiếu quyết đoán trong việc lựa chọn đường hướng. Thu Minh hơi tham và làm nhạc theo kiểu cái gì cũng muốn. Trong một lần trò chuyện vui vẻ với người viết, nhạc sĩ Hoài Sa - người từng rất gắn bó với Thu Minh cũng thừa nhận điều này. Đại ý, anh cho rằng Thu Minh lắm khi chọn nhạc khá “trời ơi”.
Hương Tràm - trên đỉnh...phù du
Với một ekip như thế thì lấy gì để người ta tin rằng họ đủ sức bù đắp cho các học trò? Dễ dàng nhìn thấy nhất là khi người ta thiếu tự tin hoặc không hiểu rõ mình là ai, đang làm gì thì cái cách mà họ thường mang ra đối phó với cuộc đời là mang những tác phẩm lớn, có sức nặng của thời gian lên sân khấu để "dọa" công chúng và lấp liếm cho mình. Mới có chuyện, ai chả biết tầm vóc của Phương Uyên và The Voice đến đâu nhưng cứ mở mồm là Phương Uyên lại ỏng eo bài hát nào đó chưa đủ đẳng cấp để hát trong chương trình. Và chuyện gì đến cũng đã đến khi hàng loạt thí sinh The Voice đã phải tròng lên mình những ca khúc vượt tầm, lớn hơn gấp nhiều lần sức vóc của họ - những tác phẩm âm nhạc kinh điển của cả thế giới lẫn Việt Nam. Cuối cùng, thay vì hát thì các thí sinh lên sân khấu để đánh vật (hoặc giễu nhại, mỉa mai) các ca khúc của các diva thế giới. Kết quả, các ca khúc thắng dù có chút sứt mẻ, bầm dập. Người hiểu chuyện gọi đó là tai họa của cái sự không biết mình là ai và đang đứng ở đâu.
Hạ màn, The Voice 2012 cũng có một kết quả tạm cho không có nhiều tranh cãi nhưng quả thật Hương Tràm - quán quân của The Voice 2012 cũng không phải một tài năng âm nhạc ghê gớm gì như không ít người hiện nay đang lầm tưởng. Không thể phủ nhận Hương Tràm là một giọng hát khá, ít nhiều đó cũng là một “thành quả” đáng được tôn trọng của một cái nôi âm nhạc - gia đình cô. Và đâu đó Hương Tràm vẫn còn đủ đầy sự hồn nhiên, trong sáng và mỏng manh nữa thì phải để bất kỳ ai cũng thấy yêu quý hay chí ít là khi nói thật, người ta cũng cảm thấy ngại ngần. Tuy nhiên với tinh thần sự thật là số 1, chúng ta cần phải trả lại những giá trị vào đúng chỗ của nó. Hãy nhìn lại chặng đường mà Hương Tràm đã đi qua và đặt ra câu hỏi rằng cô đã bứt phá ra sao và để lại được ấn tượng gì sau cuộc thì thì chắc chắn nhiều người sẽ phải thất vọng. Giờ đây, khi nói đến Hương Tràm thì người ta vẫn chỉ nhớ lần đầu tiên cô bước ra sân khấu để hát nghe có vẻ hay ca khúc I Will Always Love You của Whitney Houston. Sau đó là khóc và cám ơn mẹ. Các đêm trình diễn sau đó, Hương Tràm sa sút, tụt dốc và không giới thiệu được gì về mình ngoài hình ảnh một tiểu thư mong manh, dễ vỡ. Người ta hẳn còn nhớ có lần Hương Tràm vào tận đêm chung kết không hẳn vì tài năng của cô mà nhờ vào sự gần như thiên vị của Thu Minh khi loại Trúc Nhân.
Sau một cuộc thi dài như tiểu thuyết nhiều tập cùng các tình tiết éo le, rối rắm, Hương Tràm không cho người ta thấy được cái riêng tư trong giọng hát lẫn phong cách của cô. Trong đêm chung kết, Hương Tràm xử lý ca khúc Trên đỉnh Phù Vân (Phó Đức Phương) còn non và không đưa khán giả chạm vào được cái không gian mênh mang, u tịch cũng như tinh thần, tính thiền của ca khúc. Nói cách khác, đó là ca khúc quá sức đối với cô. Với Đường cong (Nguyễn Hải Phong) thì dù được sự hỗ trợ của Thu Minh, Hương Tràm lại làm người ta nhớ Uyên Linh. Không phải bởi cô hát giống Uyên Linh mà là quá kém so với những gì Uyên Linh đã làm ở hai năm trước đó. Nói không ngoa, Hương Tràm chiến thắng phần lớn dựa vào sự may mắn và lòng trắc ẩn của khán giả. Không phải ngẫu nhiên mà khi ai đó nhỡ tay động vào Hương Tràm, người ta luôn lấy cái lý do "17 tuổi" để bênh vực.
Song, cái đáng nói là hậu The Voice, giờ thì Hương Tràm đang “hot” nhưng ánh hào quang của The Voice nuôi cô được bao lâu vẫn là một dấu hỏi to tướng và không ai có đủ can đảm để trả lời. Với những gì mà Hương Tràm đã thể hiện trên sân khấu The Voice thì phải lạc quan (và ngây thơ) lắm người ta mới dám nghĩ cô sẽ trở thành một ngôi sao lớn. Nhạt thế thì lớn bằng cách nào? Ở đâu đó Hương Tràm nói rằng cô vẫn như đang ở Trên đỉnh Phù Vân còn với riêng người viết, cô đang ở “trên đỉnh phù du” thì đúng hơn.
***
Chưa kịp khép lại mùa giải 2012 đầy tai tiếng thì theo “truyền thống văn hóa”, Cát Tiên Sa đã vội vã khua chiêng để “bén duyên” với mùa giải 2013. Người ta bảo rằng The Voice 2013 vẫn chỉ là cái váy hoa sặc sỡ chắc gì đã là một nhận định vu vơ và vô cớ?