The Voice: Lời sau cuối cho một scandal

Lùm xùm của The Voice tạm cho là đã qua, và những gì còn đọng lại, xin "chép" tại đây, như một chia tay với cái gọi là "scandal lời ăn tiếng nói"...

 Lùm xùm của The Voice tạm cho là đã qua, và những gì còn đọng lại, xin "chép" tại đây, như một chia tay với cái gọi là "scandal lời ăn tiếng nói"...

Ở thời điểm này, The Voice có lẽ đã trở thành một cụm từ quá nhạy cảm đối với báo chí và với cả công chúng đang theo dõi các chương trình truyền hình. Scandal xem như đã khép lại ở thời điểm 18h ngày hôm qua (12/9), khi Cát Tiên Sa và VTV chính thức gửi thông cáo giải trình vụ việc.

Tất nhiên, còn đó những thảng thốt và âu lo của khán giả, còn đó những trăn trở và băn khoăn của báo chí. Sự việc của ngày hôm qua, khi đứng từ xa nhìn lại giống như 1 bức tranh lập thể, ở đó có nhiều chi tiết bị bẻ gãy hình dạng để tạo nên một tác phẩm mà một số người tự cho là hoàn hảo...

Và, sẽ còn đó những điều không bao giờ có thể làm lại được, dù The Voice sau này có cố gắng để thể hiện mình tốt đến đâu...
Phương Uyên và Thu Minh tại buổi họp báo The Voice chiều 11/9

Trước, trong, sau scandal, khán giả được... rất nhiều!


Ban tổ chức The Voice luôn nhấn mạnh: "Cuộc thi này là vì khán giả", báo chí luôn quán triệt rằng, phân tích, đưa tin, bình luận về cuộc thi này là để phục vụ khán giả. Thế thì, khán giả có vị trí cao lắm, khán giả cũng có quyền cao lắm!

Nhưng, ngay khi scandal diễn ra, thực sự đứng về phía khán giả, họ được những gì?

Họ được sự cảnh giác về niềm tin. Một chương trình thuần tính chất giải trí như The Voice khi đến với khán giả Việt Nam, họ rất hồ hởi và nhiệt thành đón nhận. Có người nói, khán giả Việt nghèo quá cũng được, khán giả Việt đáng thương vì chẳng có nhiều món để chọn cũng chẳng sao. Đơn giản là họ yêu quý The Voice, vì thế nên họ tin. Khán giả không có lỗi, niềm tin càng không có lỗi. Scandal xảy ra, họp báo được tổ chức. Sau tất cả những sự kiện ấy, khán giả người phản kháng mạnh mẽ, người buồn rầu thất vọng, tuy nhiên, nặng nhẹ thế nào thì cũng chỉ là để rút ra thêm một kinh nghiệm, đó là bài học về niềm tin.

Họ còn được một cơ hội cho những lựa chọn mới. Scandal tới, trong khi BTC, HLV cho đến thí sinh đều xoay như chong chóng thì các khán giả, họ chỉ phải làm mỗi một việc là nhấn nút chuyển kênh. Tất nhiên, rất nhiều người vẫn sẽ cố nán lại, lâu hoặc mau tùy theo liều lượng của sự tò mò, để xem những gì sẽ diễn ra đằng sau một cơn cuồng phong và gió lốc. Nhưng, những lựa chọn mới với họ chắc chắn cũng đã được mở ra.

Và, họ cũng có được cái nhìn thực tế hơn về một cuộc thi truyền hình. Sau scandal, nhiều khán giả trung thành của The Voice để lại lời nhận xét: "Vẫn xem The Voice, nhưng sẽ không vote". Khán giả giờ đây không còn là những đối tượng thụ động, họ rất tỉnh táo và thông minh để ứng phó với những cái gọi là "thực tế" của các chương trình truyền hình. Scandal lộ kết quả có thể là sai như thông cáo của ban tổ chức nói, nhưng, khán giả thì đều đã có những câu trả lời riêng cho mình.

Và những chuyện để dành suy ngẫm

Scandal đến với The Voice lần này, nhiều người trong cuộc và cả ngoài cuộc đều nhận định là một chuyện ngoài dự kiến. Chính vì ngoài dự kiến nên ban tổ chức luống cuống, lỡ lời, sơ hở. Cũng vì ngoài dự kiến nên mới có những sự không rõ ràng và những người quá khích...


Quang cảnh buổi họp báo ngày 11/9


Nếu được làm lại, chắc hẳn giám đốc Cát Tiên Sa sẽ không bạo miệng phát ngôn rằng: "Một phần là do báo chí chỉ biết thông tin một chiều" để rồi sau đó lại phải gửi thông cáo xin lỗi vì đây "hoàn toàn là hiểu nhầm..."

Nếu được làm lại, chắc chắn trong 2 cuộc họp kín, ban tổ chức đã huấn luyện các thí sinh kỹ càng hơn về cách ứng xử ở chốn đông người và những phép tắc tối thiểu để chứng minh sự khôn ngoan và trưởng thành. Trẻ thì cần phải học, điều đó là lẽ thường, và ở cuộc thi The Voice này, thí sinh là những người trẻ. Họ còn cần phải học rất nhiều, và đáng nhẽ là đã phải được học rất nhiều.


Thí sinh The Voice tại buổi họp báo


Nếu được làm lại, nước mắt của Phương Uyên có thể đã không rơi. Trong cuộc họp báo ấy, Phương Uyên được xem là then chốt của mọi chuyện, cô cũng được nhiều người kỳ vọng sẽ làm sáng tỏ được mọi vấn đề, dù bằng những sự thật đau thương nhất. Tuy nhiên, cô lại chỉ giải quyết mọi thứ bằng nước mắt, sự ủy mị và bằng những dự định viển vông.


Phương Uyên đáng lẽ không nên khóc


Nếu được làm lại, có lẽ cũng sẽ chẳng có một cuộc họp báo nào được tổ chức vào buổi chiều ngày 11/9 cả, chẳng có "cuộc khủng bố" nào với HLV, giám đốc Cát Tiên Sa cả, chẳng có sự căng thẳng, gay gắt hay thất vọng, phẫn nộ nào từ phía báo giới cả. Đơn giản, bởi ban tổ chức muốn mọi thứ vẫn bình thường, ghế ai người đấy ngồi thì chỉ cần 1 thông cáo báo chí nói rõ clip trên là cắt ghép, là dựng chuyện. Vậy đã là đủ cho một chuyện ồn ào không đáng có!

Và, nếu được làm lại, Phương Uyên - người tại vị chức Giám đốc âm nhạc của The Voice - đã nghĩ khác về chiếc ghế cô đang ngồi. Gọi là sếp của ai đó cũng được, gọi là linh hồn của một tập hợp nhất định cũng được, nhưng Phương Uyên cần ý thức rõ hơn rằng danh dự của cô có thể ảnh hưởng đến uy tín của cả một chương trình phiên bản quốc tế lớn lần đầu tiên đến Việt Nam. Chuyện tình cảm riêng tư không bàn đến, tuy nhiên để tình cảm ảnh hưởng đến công việc, lại là công việc của rất nhiều người và quan điểm, suy nghĩ của rất nhiều khán giả thì riêng ở chuyện này, Phương Uyên cần phải rút kinh nghiệm rất nhiều...


Tình cảm và công việc cần phải rạch ròi


Tất nhiên, ngày hôm qua chẳng bao giờ trở lại, tình cảm giữa The Voice với khán giả giờ đã có một vết nứt, làm thế nào thì rồi cũng sẽ có gợn. Nhưng cái đã qua có lẽ cũng nên khép lại, việc hàn gắn vết nứt thế nào và bước tiếp theo ra sao, khán giả và cả báo chí xin nhường lại cho ban tổ chức The Voice, những người đã gửi lời hứa chắc chắn rằng: "Chúng tôi sẽ cố gắng để xứng đáng với những tình cảm và sự kỳ vọng của tất cả khán giả yêu thích chương trình Giọng Hát Việt..."

Bình luận