Theo anh, những sự kiện xã hội "chấn động" dư luận xảy ra trong thời gian gần đây đều bắt nguồn từ vấn đề quản lý văn hóa đang bị buông lỏng.
- Năm 2013 diễn ra nhiều sự kiện xã hội chấn động như vậy, Vượng Râu có bị ám ảnh với sự kiện nào không?
Thực chất là tôi chẳng ám ảnh một sự kiện nào cả. Bởi vì tôi thấy không chỉ năm nay, mà những dấu hiệu từ hàng loạt sự kiện xảy ra vài năm trước đã là tiền đề. Gốc của mọi vấn đề nằm ở văn hóa. Song ở các nước đang phát triển văn hóa lại không được kiểm soát.
Khi mải mê, ồ ạt phát triển kinh tế thì trường thì đời sống văn hóa nói chung của mỗi đất nước đều bị ảnh hưởng nặng nề. Nói đâu xa, những nước có văn hóa gần với mình nhất như Trung Quốc chẳng hạn, cũng xuất hiện rất nhiều hiện tượng ba lăng nhăng.
Hiện nay ta cứ nói ra rả về cái gọi là phát triển văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng lấy cái gì để mà đậm đà?! Hay mở tivi lên, kênh nào cũng chỉ toàn K-pop, tất cả là thứ phim ảnh lai căng không có một chút truyền thống nào cả.
Chính thế nên những hiện tượng như “Anh không đòi quà” sẽ xuất hiện liên tục. Đứng trên góc độ một người nghệ sĩ, một công dân, tôi thấy là nếu không quản lý chặt nó sẽ còn xảy ra rất nhiều vấn đề nữa.
Những năm gần đây vàng thau lẫn lộn, nghệ sĩ có tên tuổi có học hành thậm chí còn "thua" độ nổi tiếng với những đối tượng cứ nude cứ cởi. Rồi hát hò thì chỉ đi thi 1 vài game show cũng đoạt giải cống hiến, trong khi có những Nghệ sĩ nhân dân đóng góp cả đời mình cho nghệ thuật giờ hỏi nhiều người còn chả biết.
Tôi thấy ở Việt Nam hiện nay bị ảnh hưởng nặng nề bởi cái gọi là văn hóa phong trào, cái sự a dua từ ngòi bút của người làm truyền thông đến độc giả, từ sự kiện đến hiện tượng ...
Nói rộng ra khỏi showbiz thì là những vấn đề xã hội thuộc về vấn đề đạo đức, vấn đề nhân cách. Gần đây nhất là vụ bảo mẫu hành hạ trẻ em, rồi bác sĩ thẩm mỹ giết người vứt xác ... Chúng ta không phán xét, vì chúng ta không có quyền gì cả song tất cả là do lỗ hổng văn hóa.
Tôi dám khẳng định những điều như thế vẫn còn tiếp tục xảy ra nếu như không quản lý chặt, không bám sâu vào cái gọi là "nền tảng văn hóa".
- Như thế nào là "quản lý chặt"?
Đương nhiên phải là luật. Nhưng tôi ví dụ như thế này thôi, ngay cả cái khái niệm đơn giản nhất cũng không được rạch ròi: thế nào là nghệ sĩ? Thế nào không phải là nghệ sĩ? Anh chỉ đóng 1-2 phim thì tôi không thể gọi anh là nghệ sĩ được. Thế mà giờ đây mọi thứ cứ bị lẫn lộn, trà trộn hết thảy.
Và những người viết về mảng văn hóa cũng phải nhận thức đúng về những vấn đề như thế. Ví dụ như hiện tượng cô gái chụp ảnh nude để thiền chẳng hạn. Cái ông ngồi đấy chụp không thể gọi là nhà sư. Đừng gọi bừa bãi như thế vì nó liên quan tới cả vấn đề tôn giáo nữa.
Tôi vẫn phải nhắc đi nhắc lại rằng xã hội càng tiên tiến, càng phát triển thì càng cần 1 nền tảng văn hóa vững chắc để có thể điều tiết và quản lý những vấn đề khác nảy sinh trong xã hội.
Vượng Râu đang chỉ đạo diễn xuất trong một MV hài Tết sẽ xuất hiện vào Tết Nguyên Đán năm nay |
- Nói là không bị ám ảnh bởi những sự kiện chấn động đó, nhưng hẳn là với tư cách là một người cha, khi xem clip những đứa trẻ ở trường mầm mon Phương Anh bị bạo hành, hẳn anh có nhiều cảm xúc?
Thật sự tôi không thể chấp nhận được. Đấy là một vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức bị hoen ố. Cái tình người, tình thương giữa con người với con người bị đánh mất vì lối sống quá vội vàng, quá hời hợt.
Mà tôi thấy chính các cuộc thi trên truyền hình như cách mà các ông Cát Tiên Sa đang làm là phá hoại văn hóa Việt Nam đấy chứ!
Cái nền tảng văn hóa Việt Nam trong cuộc thi của các ông là gì? Những ca sĩ đó sau này sẽ mang cái gì đi biểu diễn? Là K-pop à? Hip-hop à? Những người tổ chức không nhìn nhận vấn đề đó một cách đàng hoàng, nếu có thì kết quả đã rất khác.
- Việc đưa các bài hát , ca khúc nước ngoài vào các chương trình sao lại có thể kết luận là hủy hoại văn hóa Việt Nam được ?
Hủy hoại nhiều chứ! Bây giờ thử nhắc đến các giá trị văn hóa truyền thông Việt Nam được Unessco công nhận, thậm chí sắp "tuyệt chủng" luôn thì bao nhiêu người biết đến. Còn các giá trị văn hóa nước ngoài, lai căng thì nhắc đến vanh vách luôn.
Người Việt phải biết những giá trị văn hóa của chính người Việt, bảo tồn và phát triển nó. Sự sống của các giá trị văn hóa là nằm trong chính đất nước, chính dân tộc đó chứ không phải trong tấm giấy chứng nhận.
- Song có 1 thực tế là văn hóa cũng cần nhìn nhận trong sự hội nhập và phát triển nữa...
Không, cái hội nhập và phát triển là cái tốt, trong điều kiện nó vẫn giữ được cái gốc. Nhưng nhìn thẳng vào thực tế thế này nhé: K-pop của Hàn Quốc các nước khác có nhập không hay chỉ có nước mình là tràn ngập ồ ạt. Những nước nào không bám sâu vào văn hóa của chính mình sẽ bị các hiện tượng trên thế giới làm phong hóa văn hóa bản địa.
Còn cái văn hóa toàn cầu có quan trọng không? Có cần không? Tất nhiên là có chứ! Nhưng đó là những thức nghệ thuật cao chứ không phải cái ồ ạt thị trường. Tôi thấy, hiện nay, đến 98% MV trong nước sản xuất bắt chước ý tưởng của nước ngoài nhưng vẫn tự nhận là của mình.
Tôi rất thích cách Thúy Nga Paris By Night vẫn làm. Mặc dù họ ở nước ngoài, nhưng xem chương trình nào của họ cũng thấy được văn hóa Việt Nam. Tà áo dài dân tộc vào tay họ đẹp 1 cách sang trọng. Cả cái cô Minh Tuyết "bốc lửa" như vậy nhưng mà vẫn ra con người Việt Nam.
Một cảnh quay trong Hài Tết 2014 của Vượng Râu |
- Quay trở lại câu chuyện trường mầm non hành hạ trẻ em một chút. Sau khi tận mắt xem những cảnh nhẫn tâm đó, anh có thấy sợ khi cho con đi học không?
Những hiện tượng như thế có từ nhiều năm rồi, báo chí cũng đã phản ánh vài lần nhưng đó không phải là số đông mà chỉ là những trường hợp hi hữu. Sau này, trước khi cho con đi học tôi cũng sẽ phải tìm hiểu thật kỹ càng, gửi con ở những trường mầm non có uy tín.
Là cha mẹ, nhìn thấy những cảnh đó ai mà chịu được, đau xót lắm. Những hành vi đó không bình thường nữa, nó quá ác độc, quá dã man. Trẻ con nó quấy khóc là lẽ đương nhiên, bởi thế mới cần tình thương yêu của các cô, thế mà ...
Tôi nghĩ các trường mầm non cần chú trọng tới việc đào tạo đội ngũ giáo viên của mình. Như cái cô bảo mẫu gì đó có chứng chỉ học hành gì đâu. Nó giống cũng như làm nghệ sĩ ấy, khi được đào tạo thì cái phông văn hóa sẽ nâng lên, theo đó mà cách ứng xử, hành xử cũng sẽ khác.
- Dịp cuối năm cũng liên tiếp xảy ra các vụ giết người dã man, điển hình là việc 1 MC đám cưới giết chết rồi cứa chân cứa tay người tình, bác sĩ Cát Tường làm chết bệnh nhân vứt xác phi tang...A nghĩ vì sao những câu chuyện tàn nhẫn ấy lại có thể xảy ra?
Theo tôi, những hiện tượng ấy chung quy bởi một xã hội chạy theo đồng tiền. Đồng tiền khiến con người ta biến chất, vô cảm, sống không còn yêu như ngày xưa nữa.
- Những vấn đề xã hội nhức nhối như vậy tại sao anh không "túm" lấy để đưa vào các tác phẩm của mình - như cách các đơn vị sản xuất hài khác vẫn làm?
Tôi có những nguyên tắc làm nghệ thuật riêng của mình. Không phải là tôi quá cứng nhắc nhưng đưa những sự việc ấy lên tác phẩm của mình có 2 mặt. Một mặt nó có thể tấm gương để soi chiếu xã hội dưới góc nhìn của mình nhưng cũng có thể khoét vào nỗi đau của người khác.
Trước kia có 1 em gái đi thi Vietnam Idol bị họ "gài" cho phát biểu linh tinh trên truyền hình, sau đó thì lại lấy nó ra để làm hài. Đấy là một cách làm rẻ tiền.
Trong những trường hợp như vậy đòi hỏi bản lĩnh của người sản xuất chứ không phải khán giả thích cái gì chiều theo cái đấy.
Chiều bây giờ khán giả được cười, mình cười, nhưng có một bộ phận nào đó người ta đau thì hóa ra mình đang cười trên nỗi đau của người ta à? Quan điểm của tôi là không phải cái gì cũng có thể mang ra làm trò cười được.
Theo Soha