Dùng chung đơn thuốc - thói quen tai hại

Thay vì đi khám và được chẩn đoán đúng bệnh, nhiều người dùng ngay đơn thuốc của người khác. Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Thay vì đi khám và được chẩn đoán đúng bệnh, nhiều người dùng ngay đơn thuốc của người khác. Không ít trường hợp đáng tiếc xảy ra.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Bệnh viện Bạch Mai cho hay trong gần 40 năm trong ngành y đã chứng kiến rất nhiều trường hợp gặp nguy kịch khi tự ý dùng thuốc, đặc biệt là việc dùng đơn thuốc của người khác để chữa bệnh cho mình. Tức là khi bị một bệnh nào đó, cảm thấy có những biểu hiện giống bệnh của một người khác từng đi khám và chữa trị, bệnh nhân đã tự khám, tự chẩn đoán bệnh và cho rằng bệnh của mình giống bệnh người kia. Do đó, thay vì đi khám để tìm ra bệnh thực sự, họ đã dùng ngay đơn thuốc của người khác.

PGS Dũng khuyến cáo điều này vô cùng nguy hiểm bởi cùng một biểu hiệu ra bên ngoài, các triệu chứng rất giống nhau, nhưng kể cả cùng một bệnh nhân, cũng có thể có các bệnh khác nhau.

“Cùng một biểu hiện ra bên ngoài có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh, có thể 10 bệnh y như nhau, ngược lại, một bệnh cũng có rất nhiều biểu hiện. Đó là mới tính ở một cá thể, mở rộng với nhiều người, giới tính, độ tuổi, sự khác biệt này càng rõ ràng hơn. Mỗi cá thể sẽ có những phản ứng bệnh khác nhau, không ai giống ai. Vì thế người ta mới giao trách nhiệm cho người thầy thuốc”, PGS Dũng nhấn mạnh.

Theo đó, người bác sĩ có vai trò khám và tập hợp các triệu chứng, bao gồm triệu chứng do bệnh nhân và người nhà kể lại - triệu chứng chủ quan và triệu chứng khách quan là những dấu hiệu chỉ người thầy thuốc nhìn thấy. Nếu không cho thầy thuốc khám sẽ không có những triệu chứng khách quan đó, từ đó không thể chẩn đoán được bệnh. Tất nhiên các phương pháp sau đó sẽ sai hoàn toàn khi bệnh không được phát hiện chính xác.

Dùng chung đơn thuốc - thói quen tai hại
Một đơn thuốc luôn có nghĩa dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Ảnh minh họa.

Một đơn thuốc luôn có nghĩa dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể. Bệnh của chính mình bây giờ có vẻ giống như trước kia nhưng bây giờ có thể đã tiến triển ở mức độ nặng hơn mà thuốc dùng theo đơn thuốc cũ không còn hiệu quả. Bệnh của người này có vẻ giống người kia nhưng cách và thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm rất nguy hiểm.

Tại sao vẫn có người khỏi bệnh?

Trước thực tế nhiều người vẫn khỏi bệnh khi dùng đơn thuốc của người khác, PGS Dũng cho hay: “Nếu cứ làm như thế sẽ có những tỷ lệ đúng nhất định, điều đó tương tự việc gieo đồng xu, tức một sự ăn may trong khi tính mạng con người hoàn toàn không thể đánh cược  theo cách đó”.

Vẫn theo bác sĩ, trong ngành y, đã áp dụng nhiều kỹ thuật, máy móc, sau này kể cả việc dùng người máy cũng không thể thay thể thay thế người thầy thuốc. Ngành y vốn dĩ là ngành khoa học không chính xác, dựa trên kinh nghiệm và số đông. Để hạn chế sai sót, nhất là với các ca bệnh nặng, người ta cần phải hội chẩn bao gồm nhiều chuyên gia đầu ngành. Sau đó phải có một người đứng ra quyết để tìm ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Người quyết là người chủ trì cuộc hội chẩn, có đủ kiến thức, năng lực.

Thực tế, những bệnh nhẹ có thể tự khỏi hoặc khỏi theo cách may rủi như trên nhưng khi được can thiệp, tức bệnh nhân được dùng đúng đơn thuốc cho mình, bệnh chắc chắn sẽ khỏe nhanh hơn, không bị di chứng. Chữa sai có thể khỏi nhưng chúng sẽ gây hại về sau.

Việc tự dùng thuốc trở nên nguy hiểm đặc biệt khi làm che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp). Thí dụ, khi bị đau bụng không rõ nguyên nhân mà vội dùng thuốc chống co thắt để giảm đau, bụng hết đau như bệnh vẫn còn (như viêm ruột thừa, có thai ngoài tử cung…), người bệnh không đi bệnh viện để được phát hiện bệnh, mổ cấp cứu kịp thời và có thể xảy ra hậu quả rất đáng tiếc.

Do đó, PGS Dũng nhấn mạnh: tuyệt đối không bao giờ lấy thông tin trên internet để chẩn đoán bệnh, mua thuốc trên mạng, đến nhà thuốc hỏi mua về tự uống hoặc dùng đơn thuốc của người khác. Khi bị rối loạn và nghĩ là mình có bệnh, cách tốt nhất là đến bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa càng tốt) để được khám, hướng dẫn và chỉ định cách điều trị. Đối với đơn thuốc cũ của người khác, hoàn toàn không dùng để tự chữa trị cho mình. Kể cả với đơn thuốc cũ của chính mình dùng đã lâu, nếu bệnh trở lại cũng không nên tự ý dùng trở lại mà tốt nhất nên đi tái khám ở bác sĩ đã chữa bệnh trước đây. Vì chỉ có bác sĩ mới có đủ thẩm quyền cho dùng đơn thuốc cũ hoặc phải thay bằng đơn thuốc mới.

Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.