Vợ mỗi tháng chi 10 triệu mua đồ online, xót tiền tôi cầm kinh tế thì lặng người phát hiện bí mật sau cánh tủ

Lặng nhìn những giọt nước mắt của vợ rơi, tôi mới biết mình sai. Tôi sai, sai thật rồi...

Cưới nhau được 3 tháng, tôi phải để vợ ở nhà một mình để đi làm xa. Tôi là dân công trình đi suốt, mấy năm nay dịch bệnh nên chẳng về quê liên tục được. Tôi đi được mấy ngày thì vợ báo có bầu, tôi mừng lắm. Có con, cô ấy ở nhà cũng đỡ tủi, coi như có người bầu bạn tâm sự. Tôi ở xa chỉ gọi điện động viên vợ thôi, còn đâu nhờ bố mẹ ở nhà chăm vợ. 

May thay, ngày vợ đẻ tôi có thể về bên mẹ con cô ấy. Nhưng ở nhà được nửa tháng lại phải đi làm, bây giờ có con tôi càng phải nỗ lực, cố gắng hơn trước nhiều. Nuôi một đứa trẻ đâu phải dễ, giờ vợ lại ở cữ, không làm ra tiền, mình tôi đi làm lo cho cả gia đình. Vì đi xa, lại làm kỹ thuật nữa nên tháng nào tôi cũng gửi về cho vợ 15 triệu chi tiêu, để dành phòng lúc con cái ốm đau, hoặc sau này xây nhà.

Vợ mỗi tháng chi 10 triệu mua đồ online, xót tiền tôi cầm kinh tế thì lặng người phát hiện bí mật sau cánh tủ-1(Ảnh minh họa)

Gửi hết tiền về quê cho vợ giữ, vậy mà mỗi lần tôi hỏi cô ấy tháng này tiết kiệm được bao nhiêu cô ấy đều nói tiêu hết rồi, phải vay thêm cả bà ngoại. Vợ đổ cho nuôi con tốn kém, nhưng một đứa trẻ tiêu gì hết 15 triệu? Rồi mẹ gọi điện cho tôi kể vợ ở cữ mà mua đồ online liên tục, cứ vài ba hôm lại có người giao hàng, lúc thì đơn vài trăm, có khi lên cả tiền triệu.

Vợ tiêu tiền như thế thì tôi có cố gắng kiếm cũng chẳng đủ nuôi vợ con. Tôi cằn nhằn cô ấy chuyện tiêu pha, vợ lại gằn giọng nói rằng tôi kẹt xỉ, tính toán. Cô ấy bầu, ở nhà 1 mình cô đơn thì sắm chút quần áo, đồ lặt vặt thì đã sao. Tôi ích kỷ chỉ sợ mất tiền chứ không thương và hiểu vợ. 

Chán về vợ không biết tiết kiệm, chi tiêu hoang phí tôi quyết định cầm kinh tế, không đưa cho vợ đồng nào nữa. Mỗi tháng tôi sẽ gửi mẹ đẻ 5 triệu, nhờ bà mua thức ăn, bỉm sữa cho cháu để kiểm soát kinh tế. 10 triệu còn lại tôi sẽ giữ để phòng lúc con ốm đau, góp tiền vào lo chuyện nhà cửa hoặc làm ăn sau này. Vợ ăn tiêu như phá vậy, tôi thấy phát sợ và dần mất niềm tin vào cô ấy. 

Không cho vợ cầm tiền, cô ấy dỗi không thèm nói chuyện, nghe điện thoại của tôi nữa. Thậm chí còn cau có, mặt nặng mày nhẹ với bố mẹ chồng. Tôi rất bực trước thái độ của vợ, mẹ nấu cơm, phục vụ tận nơi mà còn thái độ thế này thế kia. Nếu ở nhà tôi phải dạy vợ một trận ra trò để cô ấy biết điều hơn, biết sợ hơn.

Vợ mỗi tháng chi 10 triệu mua đồ online, xót tiền tôi cầm kinh tế thì lặng người phát hiện bí mật sau cánh tủ-2(Ảnh minh họa)

Sau 5 tháng vợ sinh, tôi mới về nhà thăm con. Vợ chẳng thèm hỏi han tôi lấy một câu, chỉ tập trung vào chăm con rồi lại ôm cái điện thoại. Cả ngày cô ấy chẳng buồn ra ngoài chơi với ai, cứ ở trong phòng. Mãi cho đến khi vợ đi tắm, tôi trông con, mà con lại đi ngoài. Luống cuống không biết lấy quần áo đâu thay cho nó, tôi kéo vội cánh tủ ra tìm. Bên trong rất nhiều quần áo, giày dép vợ mua còn nguyên mác chưa mặc lấy một lần. 

Rồi những viên thuốc lạ được gói ghém cẩn thận khiến tôi nghi ngờ, lên mạng tra tên thuốc tôi giật mình khi chúng đều là thuốc điều trị trầm cảm. Vợ tôi trầm cảm sau sinh ư? Tôi đã nghe qua vài vụ trầm cảm sau sinh đáng sợ thế nào, thế mà cô ấy không hề chia sẻ với tôi. Vợ vào, thấy tôi đang thẫn thờ trước những viên thuốc đó, cô ấy giật lại nổi cáu cấm tôi đụng vào.

Ôm lấy vợ, nhìn cơ thể gầy gò xanh xao của vợ tôi hỏi cô ấy bị từ bao giờ. Vợ lắc đầu rồi nói: "Nếu anh muốn em hết trầm cảm, hãy để em về ngoại hoặc ly hôn. Em không muốn ở đây làm vợ anh nữa. Em sợ cảm giác cô đơn, ghẻ lạnh của chồng lắm rồi". Lặng nhìn những giọt nước mắt của vợ, tôi mới biết mình sai. Vợ ở nhà 1 mình bầu bí, sinh đẻ tôi không quan tâm, chỉ biết trách móc cô ấy tiêu tốn mà không hỏi lý do vì sao. Vợ cứ khóc, tôi thở dài nhìn vợ và xin cô ấy 1 tuần để suy nghĩ về lời đề nghị kia. Theo mọi người tôi có nên đáp ứng yêu cầu của cô ấy không?

(Xin giấu tên)

Theo Vietnamnet



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.