Bóng hồng kể chuyện bảo vệ nguyên thủ

Xinh đẹp, giỏi võ và cao như một siêu mẫu, ít ai ngờ Đặng Hồng Nhung lại là một trong 2 nữ cảnh vệ của Phòng 7 - Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh vệ,

Xinh đẹp, giỏi võ và cao như một siêu mẫu, ít ai ngờ Đặng Hồng Nhung lại là một trong 2 nữ cảnh vệ của Phòng 7 - Bộ Tư lệnh (BTL) Cảnh vệ, Bộ Công an chuyên đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các nguyên thủ và các vị khách quốc tế đặc biệt đến thăm và làm việc tại Việt Nam...

Con nhà nòi

Nhung bảo mình yêu thích ngành an ninh và công việc bảo vệ các vị chính khách từ nhỏ qua những câu chuyện kể của bố (bố Nhung nguyên là sĩ quan bảo vệ tiếp cận của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, rồi sau đó là Đội trưởng Đội nghiên cứu khoa học thuộc Phòng Tổng hợp của BTL Cảnh vệ, nay ông đã nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá).

Tuổi thơ của Nhung không được gặp bố thường xuyên nhưng mấy chị em đều hiểu người bố ít nói của mình đang làm một công việc quan trọng, âm thầm nhưng rất đỗi vinh dự. Mỗi lần ông về, cả nhà lại quây quần nghe ông kể những chuyến đi với niềm tự hào.

“Đó là những ký ức tôi không thể nào quên, truyền cảm hứng cho tôi quyết tâm phấn đấu không ngừng để trở thành một người lính cảnh vệ” - Nhung nhớ lại. Sau 4 năm theo học chuyên ngành ngoại ngữ của một trường đại học, Nhung quyết định rẽ ngang sang lực lượng công an.

“Tôi không thi vào trường an ninh hay cảnh sát vì “sợ” khi mặc cảnh phục thì trông rất cứng và khô khan, nhưng có lẽ đây là định mệnh vì ai cũng nói nghề này đã chọn tôi”, Nhung tâm sự. Nhờ “gene di truyền” và sự truyền lửa cùng các bài học quý giá từ bố, Nhung hòa nhập rất nhanh với công việc đòi hỏi phải tập trung cao độ và nhiều áp lực vốn thường chỉ dành cho những chàng trai.

Trong 3 năm đầu công tác tại BTL Cảnh vệ, Nhung được phân công về Trung đoàn 375 thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra hành lý các đoàn khách vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 2012, nữ cảnh vệ cao 1m74 này chính thức gia nhập Đội bảo vệ khách quốc tế thuộc Phòng 7 - đơn vị có nhiệm vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các nguyên thủ và khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam hay các hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, cũng như các hội nghị, mít tinh cấp Nhà nước.

Kể về những ngày đầu gia nhập lực lượng cảnh vệ, Nhung cho biết cô thấy yêu thích và bị lôi cuốn ngay từ quá trình học nghiệp vụ ngành. Trải qua quy trình đào tạo khắc nghiệt không khác gì những cảnh vệ nam, Nhung phải thành thục những bài võ ngành, võ chiến thuật, võ đối kháng, cũng như thông thạo các kỹ năng sử dụng nhiều loại vũ khí sát thương như súng, dao, thuốc nổ…

Dù con đường bước vào lực lượng không giống với các đồng nghiệp, nhưng nhìn quá trình học tập, rèn luyện của Nhung, không ít người phải thán phục. Nhung học bơi nghiệp vụ (gồm các bài bơi cứu đuối 50m; đẩy bao gói 50m; bơi thể lực 400m) chỉ mất 10 ngày, trong khi thời gian của khóa học này là 45 ngày. Và dù chỉ bắt đầu học võ từ khi vào ngành, Nhung đã xuất sắc giành HCB tại Liên hoan võ thuật Thanh niên Công an nhân dân lần thứ hai bằng những thế võ Karate điêu luyện.

Những kỷ niệm đặc biệt

“Nguyên tắc của chúng tôi là không tạo rào cản giữa người được bảo vệ với những người xung quanh, nhưng phải luôn đảm bảo sự an toàn cao nhất. Vì thế, chúng tôi phải luôn mềm mỏng, linh hoạt trong mọi tình huống bảo vệ các vị chính khách, coi mình là “lá chắn sống” chấp nhận và sẵn sàng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này”, Nhung tâm sự.

4 năm qua, Hồng Nhung đã thực hiện hàng chục lượt bảo vệ các vị chính khách nước ngoài và thực hiện hàng trăm lượt bảo vệ điểm (nơi diễn ra các hoạt động của các nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao trong và ngoài nước tại Việt Nam).

Với Nhung, những lần thực hiện nhiệm vụ mang lại nhiều bài học quý về nghiệp vụ, cũng như những kỷ niệm khó quên trong đời cảnh vệ. Nhung kể, lời cảm ơn của những vị chính khách đối với các cảnh vệ Việt Nam thường được đưa ra ngay sau những hoạt động đầu tiên của họ tại Việt Nam hay trước lúc lên máy bay về nước.

Đây chính là sự động viên rất lớn và là động lực đối với bản thân Nhung. Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Bangladesh tới Việt Nam, Nhung được giao nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận phu nhân Tổng thống. Phu nhân là người cao tuổi, đi lại khó khăn nhưng cảnh vệ không được phép đi quá gần hay chạm vào người bà theo quy định của đạo Hồi. Rất tinh ý và lịch thiệp, bằng những hành động thân thiện của sĩ quan cảnh vệ Việt Nam, phu nhân Tổng thống đã chủ động nắm tay Nhung trong các hoạt động của bà cho tới khi về nước.

Trước khi lên máy bay rời Việt Nam, bà nhờ phiên dịch nói với Nhung: “Cảm ơn bạn rất nhiều. Trong suốt hành trình tại đây, bạn đã hỗ trợ và giúp đỡ tôi rất nhiều”. Cuối năm 2015, trong chuỗi hoạt động dày đặc tại Việt Nam, do thời gian chuyến thăm không nhiều, bà Bành Lệ Viện - phu nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chợt quay sang hỏi Nhung bằng tiếng Anh rằng câu cảm ơn tiếng Việt thì nói như thế nào.

Nhung nhớ lại: “Khi đó, tôi đang ngồi cùng xe với phu nhân, tôi đã trả lời bà và khá bất ngờ là hôm tiễn đoàn nguyên thủ Trung Quốc ra sân bay, phu nhân đã nói với tôi bằng tiếng Việt: “Cảm ơn đồng chí. Các đồng chí đã làm rất tốt công việc của mình”. Nhiều kỷ niệm đẹp, nhưng cũng có lúc Nhung bất chợt rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi làm nhiệm vụ.

Lần ấy, đang tháp tùng một vị chính khách người Ấn Độ tham quan đền Ngọc Sơn, bỗng phía sau có tiếng gọi rất quen “Nhung ơi”, quay lại thì ra cô bạn thân hồi đại học. Trước ánh mắt vui mừng của bạn, Nhung “lạnh lùng” quay đi như người xa lạ, khiến cô bạn ngỡ ngàng thốt lên: “Sao kiêu thế?”.

“Lúc đó, vì đang thực hiện nhiệm vụ nên tôi không được phép để lộ thân phận, đành chịu hiểu nhầm rồi sau khi kết thúc nhiệm vụ mới gọi điện xin lỗi bạn”, Nhung tâm sự. Bên cạnh việc phải thức khuya, dậy sớm, thậm chí phải thức cả đêm để canh gác mục tiêu được bảo vệ 24/24h, các chuyến thăm của những đoàn nguyên thủ ở các nước lệch nhiều múi giờ với Việt Nam thì chuyện đón, tiễn, bảo vệ cũng khiến những người lính cảnh vệ như Nhung đảo lộn múi giờ sinh học.

Và bí quyết để Nhung luôn hoàn thành tốt công việc của mình là trước mỗi chuyến thăm, Nhung luôn chủ động tìm hiểu về phong tục, tập quán, tôn giáo của khách cũng như tính cách, sở thích của họ để có thể chủ động trong các tình huống tiếp cận và thể hiện sự hiếu khách của người Việt Nam

Chia sẻ về cuộc sống riêng tư, Nhung cho biết sau mỗi nhiệm vụ hoàn thành, Nhung dành thời gian nấu cho mọi người trong gia đình những món ăn là sở trường của cô hay đi xem phim, cà phê tán gẫu cùng bạn bè. “Tôi luôn tâm niệm là phải cống hiến hết mình cho công việc và ngày càng hoàn thiện mình để thích ứng với những thách thức”, Nhung nói.

Theo An ninh thủ đô


bóng hồng

bảo về

nguyên thủ


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.