Câu chuyện phẫn nộ phía sau bức ảnh đứa bé bị trói và nhét vào thùng các-tông

Người chia sẻ hình ảnh cho biết đây là nạn nhân của nạn buôn trẻ em nhưng câu chuyện thực tế còn đáng sợ hơn nhiều.

Những bức ảnh ghi lại cảnh tượng 1 bé gái bị trói chặt chân tay bằng băng dính rồi nhét vào thùng các-tông được chia sẻ rộng rãi trên facebook khiến nhiều người sợ hãi. Người chia sẻ hình ảnh cho biết đây là nạn nhân của nạn buôn trẻ em nhưng câu chuyện thực tế còn đáng sợ hơn nhiều.

Bức ảnh được một tài khoản facebook có tên N.T.H chia sẻ với nội dung như sau: "Hình ảnh này mình lấy ở face của 1 bạn sống bên Malaysia. Buôn trẻ em từ Malaysia sang Thái đấy ạ! Các mẹ cẩn thận hơn nhé! Giờ ai mà đăng mấy cái bài dạy con tự tìm đường về nhà với để con tự do thì muốn tế cho 1 trận! Bảo vệ con vẫn là trên hết các mẹ ạ!"

Đoạn chia sẻ cùng với những bức ảnh được chia sẻ khiến nhiều người dùng mạng hoang mang - (Ảnh chụp màn hình Fb N.T.H)

Từ những bức ảnh này, có thể thấy hình ảnh một bé gái chỉ khoảng 8, 9 tuổi trong tình trạng không mảnh vải che thân bị trói chặt hai tay, hai chân bởi băng dính. Miệng của bé cũng bị bịt chặt lại và máu vẫn còn vương trên mặt. Xung quanh đứa bé là khung cảnh đầy những rác và bẩn thỉu.

Theo thông tin của người chia sẻ hình ảnh, đứa bé chính là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em. Cũng theo người này, khi phát hiện, đứa bé vẫn còn sống. Đứa bé tội nghiệp bị một nhóm người đánh thuốc mê hay thuốc ngủ rồi trói lại nhét vào thùng các-tông cùng với xe chở hàng.

"Các mẹ cẩn thận nhé! Gửi con bây giờ cũng nhắc các bà thường xuyên không sai 1 li hối hận cả đời! Nhìn thế này bé có được cứu cũng bị chấn động tâm lý mạnh không biết sau này nó còn ám ảnh con đến thế nào nữa", facebook N.T.H cảnh báo.

Chỉ sau gần 1 ngày được chia sẻ trên trang facebook cá nhân của người dùng mạng Việt Nam, những bức ảnh này đã thu hút hàng trăm lượt like và sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều tỏ ra bất bình trước hành động dã man, vô nhân đạo của người đã hành hạ đứa bé. Một số người khác có con nhỏ còn tỏ ra hoang mang và sợ hãi hơn.

"Ôi nhìn mà không cầm lòng được. Con mình dứt ruột đẻ ra mà bị những người này đối xử dã man. Sao càng ngày càng ác thế", một người dùng mạng bình luận.

Một facebook khác có con nhỏ cũng tỏ ra hoang mang: "Sợ quá. Phải cẩn thận với bọn trẻ, quan tâm và răn đe thật nhiều để cảnh giác với bọn xấu".

Những bình luận bày tỏ thương xót và phẫn nộ với hành động tội ác đối với đứa bé - (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, sự việc đã xảy ra tại Indonesia hồi đầu tháng 10 vừa qua. Sự thật còn đau lòng hơn những gì người dùng Việt Nam đang chia sẻ, đứa bé không phải là nanh nhân của nạn buôn người, cũng không còn sống mà đã bị bắt cóc và giết chết sau khi tan học.

Vào thời điểm đó, dư luận đất nước này cũng đã sôi sục khi những bức ảnh này được đăng tải lên Facebook. Thông tin và hình ảnh vụ việc được đăng tải trên các báo địa phương từ ngày 5/10 vừa qua.

Thông tin về đứa bé được đăng tải trên báo Malaysia vài ngày trước - (Ảnh chụp màn hình)


Qua tìm hiểu, được biết, đứa bé - nạn nhân được chụp lại mới 9 tuổi. Báo chí địa phương đưa tin, xác của bé được tìm thấy vào ngày thứ 6 (2/10) tại quận Kalideres, phía Tây Jakarta, Indonesia. Danh tính đứa trẻ được xác định là Putri Nur Fauziah, con thứ 3 của cặp vợ chồng Asep Saepuloh và Ida Fitriyani. Putri đã bị bắt cóc khi tan học.

Khi được phát hiện, đứa bé đã chết được khoảng 4 tiếng. Xác của Putri hoàn toàn khỏa thân, có nhiều vết cắt, bầm tím trên cơ thể, bộ phận sinh dục và hậu môn có dấu hiệu bị xâm hại. Cảnh sát cũng tìm được trong hộp một số áo quần được cho là của bé.

Hiện tung tích của nhóm người đã thực hiện hành vi tội ác với đứa bé vẫn đang được lực lượng chức năng địa phương tích cực truy lùng và làm rõ.

Đây không phải là lần đầu tiên những người dùng mạng ở Việt Nam chia sẻ những thông tin gây hoang mang nhưng thực tế lại không có thật ở Việt Nam. Vào ngày 22/9, một bức ảnh chụp lại cảnh một người đàn ông bị trương phình nằm chờ chết vì hút thử shisha pen được chia sẻ trên facebook khiến nhiều người rùng mình. Thế nhưng qua tìm hiểu, đây lại là hình ảnh được chụp ở Campuchia và đây là một du lịch người Úc được phát hiện tử vong trong khách sạn sau khi lên cơn đau tim.

Trước đó, hình ảnh cậu bé bị dúi đầu vào chum nước tiểu vì ăn trộm dừa được chia sẻ rầm rộ vào ngày 22/6 cũng khiến cư dân mạng phẫn nộ để rồi sau đó nhờ thông tin báo chí xác minh, nhiều người mới biết được sự thật vụ việc không hề xảy ra ở Việt Nam.

Đã quá nhiều trường hợp cảnh báo về thói quen share không có ý thức khiến cho cộng đồng mạng và dư luận xã hội hoang mang, lo lắng. Có lẽ người dùng mạng ở Việt Nam cần tỉnh táo hơn trong mỗi nút like, share của mình bởi những thông tin trên mạng xã hội chỉ thực sự có ý nghĩa khi chúng được kiểm chứng và có tác dụng cảnh báo thực sự.

Hành vi cung cấp thông tin không đúng sự thật trên internet là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt hành chính.

Cụ thể tại Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, Điều 64 khoản 3 điểm a quy định hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000đ – 30.000.000đ (Đối với tổ chức vi phạm) và từ 10.000.000đ – 15.000.000đ (Đối với cá nhân vi phạm).

“Việc cung cấp thông tin không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến an ninh, an toàn thông tin, khiến cho người tiếp nhận thông tin hoang mang, lo lắng dẫn đến trật tự xã hội không được đảm bảo. Vì vậy để tránh tình trạng này, trước khi đưa thông tin lên mạng internet, mạng xã hội, người đưa thông tin cần tỉnh táo, thận trọng kiểm tra mức độ chính xác của nguồn tin. Nếu thông tin không đảm bảo, nửa vời, nhất quyết không sử dụng thông tin đó để vừa không làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, vừa tránh nguy cơ bị pháp luật xử lý.


Theo H.Minh (Kenh14.vn/Trí Thức Trẻ)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.