Cây xăng Trần Hưng Đạo bị cháy không được cấp phép kinh doanh

Trạm xăng dầu số 9, nơi bị hỏa hoạn không hề được cấp phép kinh doanh, cây xăng này ra đời nhằm phục vụ nhu cầu nội bộ của Bộ Quốc phòng. Thế nhưng vào thời điểm xảy ra vụ cháy, nơi đây vẫn tấp nập kinh doanh xăng dầu cho người dân...

Trạm xăng dầu số 9, nơi bị hỏa hoạn không hề được cấp phép kinh doanh, cây xăng này ra đời nhằm phục vụ nhu cầu nội bộ của Bộ Quốc phòng. Thế nhưng vào thời điểm xảy ra vụ cháy, nơi đây vẫn tấp nập kinh doanh xăng dầu cho người dân...

Cây xăng kinh doanh trái phép

Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Trạm xăng dầu Quân đội số 9 tại 2B Trần Hưng Đạo, thuộc Tổng công ty xăng dầu Quân đội hiện chưa được cấp phép kinh doanh theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP (Nghị định 84).

Theo đó, từ năm 2001, Công ty Xăng dầu Quân đội đã trả lại đất cho Bộ Quốc phòng và không kinh doanh xăng dầu tại đây nữa. Đến năm 2002, TP Hà Nội cũng đã loại cây xăng này ra khỏi quy hoạch kinh doanh xăng dầu, đồng thời Sở Công Thương Hà Nội cũng không cấp phép kinh doanh cho cây xăng này.


Hiện trường vụ hỏa hoạn tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo.

Tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, các trạm xăng phục vụ trong nội bộ thì không chịu sự điều chỉnh theo Nghị định 84 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Chỉ những cây xăng của quân đội tại vùng 3 (vùng miền núi, vùng sâu vùng xa) mới được bán cho người dân.

Ông Quyền cho biết, theo báo cáo của Cục Quản lý thị trường, qua hai lần kiểm tra trước đó, cây xăng này vẫn khẳng định là chỉ phục vụ cho nhu cầu nội bộ. Và từ trước tới nay, cây xăng này chưa có vi phạm nào về bán sai đối tượng. Tuy nhiên, theo nhiều người tiêu dùng phản ánh, trước khi cây xăng này bị cháy, nhiều người vẫn mua xăng tại đó.

“Nếu cây xăng này bán sai đối tượng thì cơ quan quản lý thị trường sẽ xử lý và đề nghị không được phép bán cho những đối tượng không đúng quy định nữa. Sau đó, sẽ thông báo tới cơ quan chủ quản của trạm xăng đó, và nếu cần sẽ báo cáo Bộ Quốc phòng về vấn đề này” – ông Quyền cho hay.

Những quả bom nổ chậm

Vụ cháy cây xăng vào chiều ngày 3/6 như một tiếng chuông cảnh báo về hỏa hoạn nói chung và cháy nổ cây xăng nói riêng. Theo quy định, các trạm xăng dầu khi xây dựng trong đô thị phải đảm bảo các yêu cầu, như: không được làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông; phải cách lộ giới ít nhất 7m tính từ mép ngoài hình chiếu bằng của công trình trạm xăng; khoảng cách an toàn giữa cửa hàng này với các công trình công cộng xung quanh phải bảo đảm 50m, cách đường điện cao thế 1,5 lần chiều cao cột điện và cách các điểm có tính chất nguy hiểm, cháy nổ 100m; phải cách nơi tụ họp đông người (như trường học, chợ) ít nhất 100m; Bảo đảm an toàn về phòng chống cháy, bảo vệ cảnh quan…

Thế nhưng, ở Hà Nội có hơn 500 điểm kinh doanh xăng dầu. Điều đáng nói là hầu hết các cây xăng này đều nằm sát các khu dân cư và vi phạm về khoảng cách an toàn phòng chống cháy nổ. Dạo quanh một vài điểm kinh doanh xăng dầu trên đường Láng, Trường Chinh, Cầu Giấy..., những cây xăng ở đây đều nằm sát nơi đông người, rất nguy hiểm. Thông tin về vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo càng khiến những hộ dân sống quanh khu vực có cây xăng thấp thỏm lo lắng khi hiểm nguy rập rình hàng ngày.


Một cây xăng trên phố Nguyễn Công Trứ liền kề với xưởng sửa chữa ô tô.

Trở lại vụ hỏa hoạn, có thể thấy ít có một đám cháy nào, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy phải dập lửa vất vả như vụ cháy trạm xăng trên phố Trần Hưng Đạo này. Sau vụ việc, nhiều chiến sĩ cảnh sát PCCC đã bị bỏng phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Và cũng ít có vụ cháy nào, lực lượng công an của Hà Nội được điều động nhiều đến như vậy. Suốt gần 5 giờ đồng hồ “chiến đấu” với “giặc lửa”, gần 1.000 cảnh sát phòng cháy chữa cháy; công an khu vực, bộ đội... đã được điều đến hiện trường dập lửa.

Điều mà cơ quan chức năng cần phải lắng nghe và hành động sau vụ cháy này là sự an toàn của người dân trước những "quả bom” đang nằm giữa các khu dân cư. Biết đâu, một ngày nào đó những cây xăng như cây xăng trên đường Đê La Thành, phố Tây Sơn, Khâm Thiên, Trần Khát Chân... phát hỏa thì hậu quả sẽ như thế nào.

Liên quan đến vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi – Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, sau vụ việc này cần phải làm mạnh tay hơn nữa việc kiểm tra, thậm chí tước giấy phép đối với người vi phạm. Trong thời gian tới, sẽ kiểm tra toàn bộ hơn 500 cây xăng trên địa bàn Hà Nội, kiên quyết giải tỏa những cây xăng không đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, sẽ khó làm vì nhiều trạm xăng đã có từ 20 năm. Khi đó, những cây xăng này nằm ở khoảng cách đảm bảo an toàn, nhưng qua thời gian, nhiều hộ dân lấn ra. Bên cạnh đó, do quỹ đất của TP Hà Nội eo hẹp, mật độ dân cao, lượng xe lớn nên nhu cầu xăng dầu trong nội thành khá cao. Nếu quyết liệt di chuyển các cây xăng khỏi nội đô thì người dân khi đổ xăng lại chạy ra ngoại thành để mua xăng thì rất khó. “Nếu di chuyển cây xăng ra ngoại thành, người dân ở quận Hoàn Kiếm muốn đổ xăng lại đi xe sang Gia Lâm chỉ để mua xăng rồi lại về sao được?" – Thiếu tướng Nghi đưa ra giả thiết.

Đánh giá về tình hình cháy nổ trong thời gian vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi cho biết: Mỗi năm trung bình có 230 đến 250 vụ cháy nổ/năm, tuy nhiên năm 2012 giảm 13% vụ cháy từ 220 xuống 197 vụ. Đặt mục tiêu trong năm 2013 giảm 5 đến 10% số vụ. Trong 6 tháng đầu năm 2013 có 76 vụ cháy nổ (75 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm chết 3 người, bị thương 11 người, thiệt hại 16 tỉ). So với cùng kỳ giảm 49 vụ cháy, 5 người chết, giảm về thiệt hại tài sản.

Theo PetroTimes



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.