Thông tin giật mình về các cây xăng ở HN

Đối chiếu với những quy chuẩn về điều kiện kinh doanh của một cây xăng, trên địa bàn Thủ đô, có lẽ rất khó tìm được một cây xăng… đạt chuẩn.


Đối chiếu với những quy chuẩn về điều kiện kinh doanh của một cây xăng, trên địa bàn Thủ đô, có lẽ rất khó tìm được một cây xăng… đạt chuẩn.

Hơn 50 cây xăng sẽ bị di dời
 
“Đạt chuẩn” ở đây không chỉ là vấn đề chất lượng, số lượng xăng bán đầy đủ hay không, mà đó là quy chuẩn về vấn đề an toàn cháy nổ, PCCC, quy hoạch xây dựng điểm kinh doanh xăng phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô Hà Nội.
 

Vụ cháy tại cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo đã chỉ ra quá nhiều vấn đề trong quy hoạch kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nội đô


Theo quy định về PCCC đối với cây xăng, khoảng cách giữa cây xăng với công trình dân dụng là không dưới 10m, khoảng cách giữa cây xăng với công trình công cộng không dưới 50m.

Ngoài ra, nếu tiếp giáp với các công trình xây dựng khác, cây xăng buộc phải có tường bao chống cháy (cao trên 2,2m).

Cũng theo quy định này, việc tiếp xăng không được thực hiện trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 21 giờ và khi tiếp xăng, cây xăng phải tạm ngừng hoạt động.
 
 

Cây xăng nằm trên đường Trần Khát Chân, HN.

Với thực trạng mà chúng tôi đã khảo sát về vị trí của nhiều cây xăng đặt gần các ngã ba, ngã tư, các tuyến phố huyết mạch; gần khu đông dân cư, gần chợ, trường học, khu nhà cao tầng… (cây xăng Ngã Tư Sở, cây xăng Trường Chinh, cây xăng Nam Đồng, Nguyễn Đình Chiểu, chợ Láng Hạ A – B…), thì rất khó khăn để tìm được cây xăng nào đáp ứng đủ tiêu chí an toàn về quy hoạch, PCCC… nói trên.

Tại Quyết định số 5059/QĐ-UBND ngày 05/11/2012 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ có trên 50 cửa hàng xăng dầu phải di dời hoặc giải tỏa vì quá chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ.

Cụ thể hóa để triển khai QĐ này, ngày 02/4/2013, Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố đến năm2015.

Tại KH 55, Hà Nội yêu cầu các chủ kinh doanh xăng dầu phải: Xây dựng, phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu khang trang, hiện đại, nhằm bảo đảm cung cấp đầy đủ nhu cầu tiêu dùng xăng dầu với chất lượng, hiệu quả cao, phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Xây dựng công trình tuân thủ Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, Tiêu chuẩn thiết kế chuyên ngành...bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường.

Ngoài ra, sẽ có 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu sẽ phải xóa bỏ, giải tỏa vì không phù hợp, không đủ điều kiện kinh doanh; 45 cửa hàng phải di dời theo dự án khác, 52 cửa hàng phải nâng cấp, cải tạo.

Thời hạn xóa bỏ, di dời, nâng cấp các cửa hàng kinh doanh xăng dầu này là ngày 30/12/2014.

Gần 200 cửa hàng kinh doanh xăng dầu sẽ được xây mới trong giai đoạn 2015.

Ngay sau khi vụ việc cháy cây xăng số 2B Trần Hưng Đạo xảy ra, các cơ quan chức năng của Hà Nội cho biết sẽ kiểm tra toàn bộ gần 500 điểm kinh doanh xăng dầu trên địa bàn nội đô.

Khu tập thể kiến nghị di dời “quả bom nổ chậm”

Một trong rất nhiều cây xăng nằm giữa khu đông dân cư, nằm trên các tuyến phố hẹp, mật độ tham gia giao thông đông đúc, cây xăng tại đầu đường Nguyễn Công Trứ (đối diện bãi đỗ xe cao tầng của Tổng Công ty  vận tải Hà Nội) từ lâu đã trở thành nỗi lo ngại của nhiều người.

Tuyến phố Nguyễn Công Trứ chạy ngang với phố Huế, Bà Triệu, cùng các tuyến phố khác như Mai Hắc Đế, Bùi Thị Xuân… hình thành hệ thống đường giao thông ô bàn cờ.
 
 

Cây xăng "gối" dưới KTT Nguyễn Công Trứ khiến hàng ngàn hộ dân sống trong lo lắng

Mật độ các phương tiện lưu thông trên tuyến phố Nguyễn Công Trứ rất lớn, chưa kể tới khu chợ đầu mối nổi tiếng (chợ Trời) tập trung rất đông các tiểu thương và khách mua.

Ở giữa khu đông dân cư như vậy, cây xăng Nguyễn Công Trứ còn “gối đầu” một khu tập thể 5 tầng (tập thể Nguyễn Công Trứ).

Một người dân sống liền kề cây xăng này cho hay: đã nhiều lần, người dân kiến nghị lên phường, lên quận về việc di chuyển cây xăng ra xa khu dân cư, nhưng cây xăng vẫn chẳng hề suy suyển.

Trong khi đó, chính quyền sở tại rất tích cực trong việc vận động bà con di dời để thực hiện dự án cải tạo KTT!

“Hàng ngàn hộ dân sống tại KTT này từ rất lâu. Việc cải tạo KTT là một điều cần thiết, tuy nhiên, hiểm họa “quả bom nổ chậm” liền kề với KTT cũng nguy hiểm không kém. Nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, đường phố chật hẹp như thế, chắc chắn việc cứu hỏa sẽ rất khó khăn, vì bên kia đường là bãi đỗ xe cao tầng án ngữ rồi, không thể nào mà xoay xỏa được!” – một người dân lo lắng.

Theo Vietnamnet


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.