‘Chuẩn bị tinh thần dịch Covid-19 còn kéo dài, nới lỏng là bùng phát’

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, diễn biến dịch còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn lớn, phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài, nếu nới lỏng sẽ bùng phát.

Ngày 13/4, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về triển khai công tác phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo nhận định Việt Nam vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh, tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước còn rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn vẫn rất lớn, nếu nới lỏng, dịch bệnh có thể bùng phát trở lại và “chúng ta phải chuẩn bị tinh thần là dịch còn kéo dài”.

Do đó, cùng với việc kiên trì thực hiện nguyên tắc chống dịch từ ban đầu (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, điều trị, dập dịch) thì công tác truy vết ca bệnh kết hợp với các biện pháp cách ly xã hội vẫn là những giải pháp hiệu quả nhất.

Cần cụ thể, chi tiết hơn trong cách ly xã hội

Ban chỉ đạo đánh giá việc triển khai việc cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng thời gian đầu được thực hiện rất tốt, nhưng những ngày gần đây có hiện tượng chủ quan, người dân ra đường đông hơn…

Việc thực hiện cách ly toàn xã hội ảnh hưởng nhiều tới người dân, doanh nghiệp, nhưng với quan điểm “sức khoẻ là trên hết”, “còn người còn của”, Ban chỉ đạo quán triệt cần tiếp tục thực hiện nghiêm quy định này.

‘Chuẩn bị tinh thần dịch Covid-19 còn kéo dài, nới lỏng là bùng phát’-1
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP.

Trước hết, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 đến ngày 15/4 để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh; tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện nghiêm cách ly xã hội; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ban Chỉ đạo thống nhất sau khi Chỉ thị 16 hết hiệu lực sẽ đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị mới, trong đó, quán triệt tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch từ ban đầu, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, củng cố các quy định về truy vết ca bệnh.

Đối với việc cách ly, giãn cách xã hội, các ý kiến cho rằng cần kiến nghị các giải pháp cụ thể, chi tiết hơn, có tính đến yếu tố địa phương, nhóm đối tượng, ngành nghề sản xuất kinh doanh. Đồng thời tăng cường ứng dụng các công cụ công nghệ thông tin, truyền thông để truy vết, giám sát các ca bệnh; giám sát việc thực hiện cách ly xã hội.

Ban chỉ đạo yêu cầu tất cả địa phương có bộ phận cập nhật dữ liệu dịch bệnh thống nhất để hình thành hệ thống dữ liệu trong cả nước, phân nhóm những tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, nguy cơ thấp.

Liên quan đến nội dung này, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT, Viettel cũng đề xuất các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch bệnh như: Triển khai hoạt động giám sát phục vụ yêu cầu giãn cách xã hội theo từng tình huống cụ thể; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh qua việc sử dụng tiền mặt trong mua, bán hàng hoá…

Các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp tiếp tục thực hiện các giải pháp để “chặn đến cùng” tất cả ca xâm nhập; chưa nới lỏng chính sách nhập cảnh; giám sát chặt nhóm người mắc các bệnh giống cúm (qua những người mua thuốc); triển khai xét nghiệm điểm một số nhóm đối tượng (lao động phổ thông, cộng đồng người nước ngoài sinh sống tập trung); kiểm soát chặt chẽ các địa điểm tập trung đông người (cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, các di tích, danh thắng, khu du lịch, vui chơi, giải trí, chợ đầu mối, chợ dân sinh, làng nghề, bếp ăn tập thể…).

‘Chuẩn bị tinh thần dịch Covid-19 còn kéo dài, nới lỏng là bùng phát’-2
Ban chỉ đạo quốc gia nhận định dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, có thể kéo dài. Ảnh: Việt Linh.


Bên cạnh các giải pháp về phòng chống dịch bệnh, cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp về xã hội, quan tâm tới nhóm người yếu thế gặp khó khăn vì dịch bệnh; đồng thời xem xét tiến hành nới lỏng trên cơ sở có biện pháp kiểm soát phù hợp đối với một số ngành hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu…

Chỉ xuất khẩu khẩu trang khi đáp ứng đủ trong nước

Về công tác hậu cần, Ban chỉ đạo cho biết Việt Nam đã sản xuất thành công khẩu trang vải chống thấm (khẩu trang 870), được nhiều nước đánh giá cao, do đó cần đẩy mạnh quảng bá để xuất khẩu sản phẩm này.

Về khẩu trang y tế, trong nước đã chủ động nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế và quần áo chống dịch. Số lượng này cơ bản đáp ứng được nhu cầu trong nước.

Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ phải nêu cao trách nhiệm xã hội, chỉ xuất khẩu sau khi đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Đồng thời, chỉ khuyến khích xuất khẩu đối với những doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Song song với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất khẩu trang, trang phục bảo hộ.

Ban chỉ đạo giao Bộ Y tế và Bộ Công an phối hợp rà soát và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế, trang thiết bị bảo hộ.

Biên phòng 'gõ cửa từng nhà' phát khẩu trang phòng dịch. Thay vì tuyên truyền tập trung phòng dịch Covid-19, Bộ đội biên phòng Quảng Trị đến từng bản làng, gõ cửa nhà dân hướng dẫn đeo khẩu trang, rửa tay phòng dịch.

Theo Zing

 

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/chuan-bi-tinh-than-dich-covid-19-con-keo-dai-noi-long-la-bung-phat-post1072257.html?fbclid=IwAR3V_GD5WIG4PHFg1PFfRQJDqvpei1QpOdZ2wXdftzxVD8KNUBB8W_oBuwA

cách ly xã hội

Covid-19

dịch bệnh


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.