Áp lực từ công việc, học hành, đau đớn vì bị thất tình, mất tiền, gia đình quá nghèo khó...đó là lý do họ tử tự và để lại những bức thư tuyệt mệnh cho gia đình và người thân. Tuy nhiên, họ đâu biết rằng, ra đi rồi sẽ chẳng thể lưu luyến nhưng người ở lại vô cùng ám ảnh với lá thư tuyệt mệnh.
Mới đây nhất là trường hợp của nam sinh trường Nguyễn Khuyến nhảy lầu tự tử để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.
Hay những ngày cuối tháng 3, dư luận cả nước bàng hoàng trước thông tin một học sinh lớp 6 tại Ninh Thuận để lại thư tuyệt mệnh trước khi tử tự với nội dung “hận” 4 bạn có tên trong thư. Chính gia đình và giáo viên chủ nhiện của học sinh này cũng không hiểu lý do vì sao.
Ngày càng nhiều lá thư tuyệt mệnh xuất hiên (Ảnh facebook).
Ngày 21/12/2017 trên mạng xã hội xuất hiện bức thư tuyệt mệnh dài 4 trang của chị T. (Quảng Ngãi). Chị T. đã tìm đến cái chết thương tâm bằng cách nhảy sông tự tử và để lại thư tuyệt mệnh với nội dung vô cùng thảm thiết. Chị T. sống không hạnh phúc với chồng và phát hiện chồng đã đi ngoại tình bên ngoài quá nhiều lần. Thậm chí gọi điện cho cô gái đó tâm sự suốt đêm, bỏ bê vợ con. Nhiều lần khuyên ngăn chồng quay về với gia đình nhưng không được. Trong khi đó gia đình nhà chồng chị lại trách móc và cho rằng chị không yêu thương con. Nên chị đã chọn cách chết để kết thúc tất cả.
Từ những câu chuyện trên, PV đã có dịp nói chuyện với một bạn trẻ đã từng để lại thư tuyệt mệnh cho mẹ đẻ mình. H.N (SN 1994, Phú Thọ) chia sẻ: “Cách đây hơn 2 năm tôi bị cha dượng nghi oan lấy tiền của dượng. Dù đã giải thích nhiều lần nhưng không ai tin tôi. Khi không thể làm gì để chứng minh bản thân mình trong sạch tôi đã nghĩ đến cái chết.
Tôi đã để lại vài dòng nhắn nhủ với mẹ rồi tôi về nhà bà ngoại. Khi về tôi thấy bà ngoại tôi cũng đang khóc và định đi tìm tôi. Thương bà, thương mẹ tôi đã quay về và không làm điều dại dột đó nữa”.
Áp lực công việc, học tập và cuộc sống khiến người trẻ mất kiểm soát (Ảnh minh họa).
Trước tình trạng để lại thư tuyệt mệnh rồi “ra đi”, trao đổi với PV, T.S tâm lý Nguyễn Thị Minh (Học viện Hành chính Quốc gia TP.Hồ Chí Minh) cho rằng: "Khi con người ta đẩy đến bước đường cùng, bế tắc về tâm lý họ dễ tìm đến cái chết. Họ nghĩ rằng chết là hết, là giải thoát được tất cả, sẽ không phải chịu bất kỳ áp lực nào. Tuy nhiên, họ cũng không lường trước được hậu quả sau này và nỗi đau cho người ở lại”.
Cũng theo vị chuyên gia này, dường như người trẻ đang bắt chước nhau. Một người viết thư tuyệt mệnh trước khi chết thì những người sau sẽ nghĩ rằng, mình nên làm như thế, như vậy gia đình sẽ hiểu được nỗi khổ của mình. Đây là một suy nghĩ hoàn toàn không đúng và là hành động dại dột.
Theo T.S Nguyễn Thị Minh, việc xuất hiện những lá thư tuyệt mệnh rung lên hồi chuông báo động về lối sống, sự nghèo nàn về kỹ năng xử lý tình huống. Sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình còn hạn chế. Chính vì thế, mỗi người hãy tự trang bị cho mình những kiến thức đủ để bước vào cuộc sống, vượt qua những vấp ngã về tinh thần để chúng ta không còn phải chứng kiến những mất mát đau lòng nữa.
Còn gia đình, hãy tâm sự, giãi bày mọi chuyện phiền muộn với nhau. Thấy người thân nào cũng mình thay đổi về tâm tính hãy gần họ hơn và đưa tay cho họ nắm khi cần để giúp họ vượt qua khó khăn.