Dự báo sai cấp gió giật?
Nam Định là địa phương gánh chịu hậu quả rất nặng của cơn bão số 1, thiệt hại ước tính lên đến 2.350 tỷ đồng. Nói về thông tin dự báo cơn bão này, ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch tỉnh Nam Định cho rằng, cơ quan dự báo đã nhận định đúng về đường đi, khu vực đổ bộ, nhưng cấp gió bão, độ quẩn của bão khi vào đất liền chưa chính xác.
Còn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình khi báo cáo Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, bão số 1 ảnh hưởng đến địa phương này với sức gió mạnh cấp 9, cấp 10, nhưng giật cấp 13-15 và lưu bão mấy tiếng đồng hồ. Kèm theo đó, là mưa to 200-300 mm.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai - ông Hoàng Văn Thắng chỉ nói rằng, qua bão số 1, sẽ họp rút kinh nghiệm về dự báo. Ông Thắng cho biết: Ngày 26/7, khi họp cơ quan dự báo đưa ra kịch bản 1, là 70% vào khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh, 30% vào Đồng bằng Bắc bộ; nhưng sáng 27/7, chuyển sang kịch bản 2, là ngược lại, khoảng 70% đi xuống phía Nam, khu vực Thái Bình-Nam Định.
“Thậm chí, lúc chúng tôi cùng đoàn công tác chỉ đạo phòng chống bão của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Quảng Ninh, phải lật sang đi Thái Bình. Cơn bão này hình thành trên biển Đông, thời gian rất ngắn. Cơ quan dự báo đã thông tin bão đổi hướng là kịp thời. Nhưng cấp độ giật và di chuyển chậm trên bờ là chưa thông tin được”- ông Thắng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Đức, nguyên Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia lưu ý, cơ quan dự báo cần nói rõ hơn thông tin về gió giật. “Gió cả tiếng đồng hồ, nhưng vài phút giật đã gây thiệt hại rất lớn. Nếu công tác phòng chống chỉ quan tâm tốc độ trung bình thì không phải”- ông Đức nói.
Do năng lực và công nghệ dự báo
Trao đổi với Tiền Phong, chiều 1/8, ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết: “Chúng tôi đang dành cả ngày hôm nay để họp rút kinh nghiệm sâu sắc về dự báo số 1 và sẽ có thông báo sau”.
Thông tin thêm với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi Khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết: Sau khi có ý kiến của Thủ tướng về việc Bộ TN&MT rút kinh nghiệm dự báo bão số 1, Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đang làm việc đó. “Việc này phải làm một cách thấu đáo và sẽ có thông tin tới đây”- ông Tuệ nói.
Về thông tin dự báo bão số 1, ông Tuệ cho hay, trong dự báo, cũng có những cái chưa sát thực tế. Chẳng hạn, cấp gió trung bình thực tế có nơi cao hơn dự báo một cấp… Còn việc họp rút kinh nghiệm, nếu có sai, thì sai ở chỗ nào, bắt đầu tư đâu, lý do gì? Còn khả năng do mình chỉ đến thế, cũng phải chứng minh.
“Theo tôi thì vẫn do năng lực và khả năng công nghệ dự báo, nên nó thế thôi. Ví dụ bão vào đến bờ mà nó đứng im, không đi thì ai biết được. Chúng ta theo dõi qua ảnh vệ tinh và một tiếng mới có ảnh. Từ bức ảnh trước đến bức ảnh sau mới biết nó đứng một chỗ. Chứ trước đó, ai dám nói như vậy”- ông Tuệ nói. Cũng theo ông Tuệ, Chính phủ phê duyệt đề án nâng cao năng lực dự báo khí tượng giai đoạn 2010-2012, với tổng kinh phí 1.365 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2016 do nhiều vướng mắc, chậm vốn…nên chỉ thực hiện chưa được 1/3 kế hoạch.