May mắn nhãn cầu chưa bị tổn thương
Trưa ngày 10/8, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tổ chức gặp mặt báo chí, thông tin về sức khỏe của bé trai 12 ngày tuổi, con sản phụ Võ Thị Hồng Duyên ngụ tại tỉnh Vĩnh Long bị vết thương dao đâm thấu sọ.
Nhớ lại tình huống lúc bệnh nhi được chuyển lên cấp cứu sáng ngày 8/8, bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, Trưởng ê kíp phẫu thuật cứu sống cháu bé vẫn không khỏi bàng hoàng.
Các bác sĩ vô cùng xúc động khi chứng kiến thương tổn của cháu bé. Ảnh: Thanh Huyền |
“Là bác sĩ ngoại khoa, từng mổ nhiều bệnh nhi nguy kịch nhưng tôi thực sự "sốc" với tổn thương mà cháu bé phải chịu, và tự trong sâu thẳm lòng mình, không bao giờ tôi muốn phải chứng kiến một trường hợp tương tự như vậy nữa.”, bác sĩ Hiếu nói.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhớ lại: “Em bé nhập viện trong trạng thái con dao cắm ngập trong đầu. Đầu và mặt bé quấn băng kín mít, nhưng vết thương máu vẫn rỉ ra. Bé tỉnh, môi hồng, tôi nghe thấy tiếng khóc rên của cháu.”
Ba của bé sơ sinh phải cố gắng kiềm chế xúc động khi được hỏi về sức khỏe vợ con mình. Ảnh: Thanh Huyền. |
Ngay khi nhìn thấy bệnh nhi, bác sĩ Hiếu đánh giá tình hình vô cùng nghiêm trọng. Chỉ trong vòng 30 phút, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tập hợp tất cả bác sĩ trưởng – phó khoa liên quan như Hồi sức sơ sinh, Ngoại thần kinh, phòng mổ, gây mê…; thậm chí cả bác sĩ Phó khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Nhân dân 115 cũng được mời tới phối hợp hội chẩn.
Trong vẻn vẹn 30 phút đó, em bé đã có đầy đủ các kết quả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.
Đường đi vào của lưỡi dao bắt đầu từ giữa trán, đi vào hốc mắt trái, xuyên qua sọ, mũi dao trổ ra dưới da đầu phía sau. Phần lưỡi dao nằm bên trong đầu bệnh nhi ước tính khoảng 11 cm.
Theo bác sĩ Hiếu, để đánh giá trước ca mổ là vô cùng khó, và tiên lượng trong phẫu thuật càng khó khăn hơn.
“Chúng tôi sợ nhất biến chứng chảy máu khi rút dao ra, bé có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Bên cạnh đó, ban đầu chưa thể đánh giá thương tổn ở nhãn cầu vì bé được băng kín mít. Lúc tiến hành phẫu thuật, mở băng ra ai cũng mừng rỡ. Như một điều kỳ diệu, đường dao đi vào thành trong của hốc mắt nhưng không trúng nhãn cầu. Nhãn cầu của bé vẫn căng và còn phản xạ với ánh sáng.”, bác sĩ Hiếu kể.
Phát hiện máu tụ trong não sau ca mổ
Ca phẫu thuật cho bé sơ sinh quả có một không hai. Vì đường dao nằm ngay giữa trán nên các bác sĩ phải mở xương sọ vùng giữa trán với đường kính khá lớn (4 cm x 6 cm) để bộc lộ não, thấy hết đường đi của dao.
Khi não bộc lộ, thương tổn đầu tiên được nhận thấy là não bệnh nhi bị dập và chảy máu. Cầm máu xong, các bác sĩ lại tiếp tục tìm các thương tổn sâu hơn, phát hiện xương trên hốc mắt bị nứt, vỡ xương sàn.
Màng cứng bao quanh não cũng bị tổn thương rộng. Ê kíp phẫu thuật phải mở một phần não ở thùy trước tạo khoảng trống rồi từ từ rút dị vật ra, ngay sau đó, lập tức vá màng cứng lại bằng vật liệu nhân tạo. Ca mổ đã kéo dài trong 3 tiếng đồng hồ.
Sáng 10/8, cháu bé vẫn tạm ổn định, được theo dõi tại Khoa Hồi sức sơ sinh. Ảnh: Thanh Huyền. |
Tình trạng chảy máu trong mổ được kiểm soát tốt, thông số mạch, huyết áp của em bé sau ca mổ đều bình thường. Tuy nhiên, điều các bác sĩ lo ngại hơn cả là nguy cơ chảy máu thứ phát và nhiễm trùng trong thời gian hậu phẫu.
Bởi chỉ cần 10 cc – 20 cc máu trong não thôi cũng đã đủ gây chèn ép làm bệnh nhi ngưng tim, ngưng thở.
Sáng nay, sau khi siêu âm, kiểm tra thành não của bệnh nhi, bác sĩ Hiếu đã phát hiện vấn đề đã được dự đoán từ trước: trong não và ngoài màng cứng có 2 khối máu tụ đường kính khoảng 2 cm. Tuy nhiên, may mắn khối máu tụ này chưa gây chèn ép nên tạm thời chưa đe dọa tính mạng bệnh nhi.
Các vết thương do lưỡi dao gây ra sau khi xử lý đã khô. Các bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi các thương tổn qua CT Scan trong thời gian tới. Để chống nhiễm trùng, em bé đang được điều trị tới 3 loại kháng sinh đặc hiệu.
Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm cho rằng lấy được dao ra khỏi đầu cháu bé mới chỉ là thành công bước đầu, chưa thể nói bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch.
“Khi mổ, chúng tôi nhận thấy đường dao đâm trúng đầu cháu bé đã cắt đứt một số đường dẫn truyền trong não. Thế nhưng hiện nay không thể đánh giá vận động cảm giác của bé được, bởi bệnh nhi đang dùng thuốc an thần. Khi nào bé cai thở máy chúng tôi sẽ đánh giá lại, như vậy mới chính xác.”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Sáng sớm, có mặt tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 chúng tôi bắt gặp anh Dương Minh Tiền, ba của bé sơ sinh bị nạn. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông trẻ, ánh mắt thất thần, dáng vẻ tiều tụy. Anh Tiền ngồi co mình trên chiếc ghế ngay dưới tầng trệt khu Hồi sức sơ sinh, không dám đi đâu xa để chờ tin con trai bé bỏng.
Khi được hỏi về sức khỏe vợ con, ông bố trẻ cố gắng kìm nén cảm xúc, quay mặt ngó sang chỗ khác, run run đáp lại: “Em đang hoang mang lắm chị ạ, không nhớ nổi chuyện gì. Gọi về quê hỏi vợ thế nào thì ở dưới đó nói vợ em ổn. Trên này em hỏi bác sĩ bé thế nào, bác sĩ cũng bảo tạm thời ổn. Nếu vợ em ổn thật thì đã lên đây rồi, chắc cô ấy sốc và hoảng loạn lắm nhưng mọi người cứ bảo thế để trấn an em thôi.”
Anh Tiền cho biết khoảng 4 giờ sáng ngày 8/8 đang đi giao hàng thì chị của vợ gọi điện báo em bé bị đâm. Anh tức tốc chạy vào bệnh viện, cùng người chị đưa đứa con đầu lòng đi TP.HCM cấp cứu.
“Con em lúc đó vẫn tỉnh chị ạ. Em thấy cháu co giật và nghe tiếng bé khóc. Em thương con, bủn rủn tới mức không bế nổi cháu, ôm cháu suốt chặng đường đi cấp cứu là chị của vợ em, còn em đi bên cạnh.”, anh Tiền bùi ngùi nhớ lại.
Như không thể chịu nổi nỗi đau đưa con trai bé bỏng vừa chào đời chục ngày phải gánh chịu, anh Tiền đứng dậy, đưa tay gạt nước mắt bước vội vào thăm con...
Theo VietNamNet