Nô nức thi công chức
Vài ba năm gần đây, việc thi công chức, đặc biệt ở các thành phố lớn, đột nhiên trở thành… sự kiện xã hội bởi tính chất căng thẳng, cạnh tranh, đông đúc và công khai của kỳ thi.
Năm 2014, chỉ tiêu tuyển dụng công chức Hà Nội là 458, thì có tới 3.924 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Tỉ lệ “chọi” bình quân là 8,57 người lấy một, cá biệt có ngành tỷ lệ cạnh tranh tới 70 lấy một như ngành thuế.
Trước đó, năm 2013, trong khi số thí sinh đủ điều kiện thi công chức là 3.837 người, thì chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 512, gồm 231 chỉ tiêu công chức khối sở, ban, ngành và 281 công chức khối quận, huyện, thị xã. Tính bình quân, tỷ lệ “chọi” trung bình khoảng 1/8. Trong đó, có những đơn vị có tỷ lệ “chọi” rất cao - khoảng 1/20.
Năm 2014, Tổng cục Thuế dự kiến tuyển dụng 1.796 chỉ tiêu tại 21/63 tỉnh thành. Đã có trên 30.000 thí sinh nộp hồ sơ đủ điều kiện tham dự kỳ thi tuyển.
Đặc biệt, cảnh tượng giữa tháng 8/2014, cảnh hàng nghìn người xếp hàng từ 5 giờ sáng nộp hồ sơ thi công chức tại Cục thuế Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh. Chỉ trong 5 ngày tiếp nhận đã có gần 9.000 người nộp hồ sơ dự tuyển, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng của Cục chỉ là 340…
Cơ hội nào cho “dân thường”?
GS Hoàng Tụy từng nhận định: “Trên thực tế chúng ta đã thu nhận người vào cơ quan Nhà nước theo kiểu mà dân gian nói: Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, và thứ tư mới là trí tuệ”.
Trước và sau các đợt tuyển dụng công chức, luôn luôn râm ran những câu chuyện về khuất tất trong các kỳ thi. Ngay cả các ứng viên, từ trước khi thi, cũng không mấy người tỏ ra lạ lẫm khi nghe nói những chuyện “chưa rõ thực hư” về việc thi - tuyển công chức.
Trên các diễn đàn xã hội có bàn và thông tin về thi tuyển công chức của các bộ, ngành, người ta hay bắt gặp câu hỏi “Tỷ lệ chỉ tiêu dành cho “dân thường” là bao nhiêu phần trăm?”.
Năm 2014 đã xảy ra câu chuyện hàng trăm người thi tuyển vào Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) nhưng kết quả là chỉ có 10 người đỗ và đa số được xác minh là người nhà của cán bộ trong ngành…
Ảnh minh họa: Báo Tiền Phong |
Thế nhưng, trong vài năm qua, số lượng người dự thi kiếm được một chân công chức vẫn ngày càng đông. Không ít người đã từng dự thi công chức chia sẻ: “Nhiều chỉ tiêu thế hy vọng chừa phần con chấu, tiền bạc ra vẫn có suất dành cho mình, vì chắc các cơ quan cũng cần có người để… làm việc”.
Theo các chuyên gia về nhân sự, làn sóng người đổ dồn vào các kỳ thi công chức ngoài lý do quan niệm lâu nay cho rằng làm Nhà nước là ổn định, nhàn nhã…, còn xuất phát từ nguyên nhân thực sự khác: Do khủng hoảng kinh tế nên vài năm gần đây cơ hội việc làm cho người lao động ở khu vực ngoài Nhà nước giảm sút rõ rệt.
Một thống kê cho biết số doanh nghiệp đóng cửa do kinh doanh khó khăn mỗi năm khoảng 60 – 80 nghìn doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không đóng cửa, nhưng giảm quy mô và biên chế, làm cho nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động giảm đáng kể.
Gần đây nhất, báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đầu tư quý I/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong quý I/2015, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong quý I/2015 của cả nước là 2.565 doanh nghiệp.
Tại phiên giải trình của Chính phủ với Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội ngày 24/4 vừa qua, theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, mặc dù trong giai đoạn 2010 - 2014, số lao động có trình độ ĐH, CĐ có việc làm tăng nhưng người thất nghiệp cũng tăng cao hơn so với số tốt nghiệp và số có việc làm. Trong khi người có việc làm chỉ tăng 38% thì người thất nghiệp tăng gấp đôi. “Dù chúng tôi đã chủ động giảm quy mô đào tạo ĐH, CĐ từ 2 - 3 năm nay nhưng số sinh viên tốt nghiệp ra thị trường lao động là số đã được tuyển từ nhiều năm trước đây nên chưa giảm, trong khi đó kinh tế lại suy thoái, việc làm mới không có, doanh nghiệp mới ít hơn rất nhiều so với doanh nghiệp phá sản và ngừng hoạt động” - ông Luận giải thích.
Cũng trong phiên giải trình này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Thanh Hòa nhận khuyết điểm chưa làm được công tác dự báo dài hạn do lĩnh vực này quá mới. Ông Hòa đặt vấn đề với Bộ GD-ĐT “SV tốt nghiệp hầu hết là cử nhân, kỹ sư, là những người có tri thức cao, thế thì bây giờ chúng ta quen thụ động hay chúng ta còn thiếu gì trong giáo dục, đào tạo?”, nhưng lại không trả lời được thỏa đáng câu hỏi của đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng): “Bộ LĐ-TB-XH đã tham mưu gì cho Chính phủ để tạo ra cơ chế phối hợp với các bộ ngành, các doanh nghiệp để đưa ra các dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, từ đó có hướng đào tạo ngành nghề phù hợp với yêu cầu thực tiễn?”...
Trong khi các cơ quan chức năng còn lòng vòng chuyển trách nhiệm, khi làn sóng phá sản doanh nghiệp chưa dừng lại, khi việc đào tạo nghề vừa thoát khỏi cuộc tranh cãi cơ quan nào là chủ quản… sẽ không khó lý giải hiện tượng rồng rắn nộp hồ sơ thi công chức trong thời gian qua…
Và khi gia đình không có quan hệ, thì “Mẹ em đang giữ 500 triệu để chạy cho em mà mãi không được vì hết suất rồi, xin tiền làm ăn thì không cho, bảo để chờ cơ hội” – một bạn đọc gửi tâm sự sau loạt bài liên quan tới việc tuyển dụng công chức của VietNamNet.
Theo Ngân Anh/VietNamnet