Lời khai rùng mình của hung thủ bắn người Trung Quốc ở Đà Nẵng

Sau khi mua khẩu súng giá 1.500 USD, Feng Long Chun đến Đà Nẵng rồi lên núi Hải Vân ngủ cả đêm...

Sau khi mua khẩu súng giá 1.500 USD, Feng Long Chun đến Đà Nẵng rồi lên núi Hải Vân ngủ cả đêm. Sáng sớm, anh ta xuống trước nhà ông Li chờ nạn nhân ra ngoài rồi rút súng bắn.

15h30 ngày 30/12, Công an TP Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra về vụ người đàn ông Trung Quốc bị bắn chết ở quận Sơn Trà, gây xôn xao dư luận thời gian qua. Chủ trì buổi họp báo là đại tá Lê Văn Tam - Giám đốc Công an TP Đà Nẵng.

Bắn người do mâu thuẫn làm ăn

Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Đà Nẵng cho biết, hung thủ là Feng Long Chun (27 tuổi, quê Quảng Tây, Trung Quốc).

Tại cơ quan công an, anh ta khai làm du lịch và dịch vụ mua bán card điện thoại cho khách Trung Quốc. Ông Li cũng làm nghề này nên 2 bên xảy ra tranh chấp làm ăn, Chun nảy sinh ý định giết đối thủ.

Để thực hiện hành vi, Chun qua Thái Lan mua khẩu súng giá 1.500 USD rồi nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia.

Công an Đà Nẵng tổ chức buổi họp báo về vụ án. Ảnh: Đoàn Nguyên.


Hung thủ ra Đà Nẵng nhưng không thuê khách sạn mà lên núi Hải Vân ngủ. Sáng sớm, anh ta đi xuống nhà nạn nhân đợi khi ông Li ra cổng thì rút súng bắn.

"Sau đó, anh ta bắt xe vào Tây Ninh và trốn qua Campuchia. Hung thủ di chuyển liên tục, không hề lưu trú tại Việt Nam để tránh sự theo dõi của trinh sát", ông Dũng nói.

Sau một tháng điều tra, Công an Đà Nẵng xác định Feng Long Chun là nghi can chính nên ngày 25/12, ra quyết định khởi tố và truy nã số đối với người này.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an Đà Nẵng thông qua gia đình nghi can vận động Chun ra đầu thú. Ngày 27/12, cảnh sát tiếp nhận anh này tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và di lý về Đà Nẵng.

Nghi can rất ma mãnh

Đại tá Lê Văn Tam cho biết đây là lần đầu tiên trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra vụ nổ súng dẫn đến chết người liên quan đến người nước ngoài. Xác định mức độ nguy hiểm của vụ án nên công an đã lập Ban chuyên án và huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ nhiều kinh nghiệm tham gia phá án.

Hung thủ FENG LONG CHUN. Ảnh Tiền Phong.

"Nghi can không ngủ ở nhà nghỉ, khách sạn mà chọn núi Hải Vân để ngủ rồi chờ trời sáng xuống nhà ông Li gây án. Điều này nằm ngoài dự liệu của lực lượng cảnh sát khu vực", ông Tam nói.

Theo ông Tam, hung thủ đi từ Tây Ninh, đến Tam Kỳ mua một chiếc xe máy, rồi ra Đà Nẵng gây án. Đây là manh mối quan trọng để nhà chức trách khoanh vùng nghi can, xác định hung thủ. Dấu vết thứ 2 để xác định được nghi can là vỏ đạn mang đi xác minh là của loại súng B38.

Sau khi vụ án xảy ra, một số báo đưa tin không đúng sự thật, gây nhiễu thông tin ảnh hưởng đến công tác điều tra. "Hung thủ ra đầu thú tại tỉnh Tây Ninh chứ không phải bị bắt ở Campuchia như một số báo đưa tin", ông Tam cho biết.

Theo Giám đốc Công an Đà Nẵng, phía công an nhận ra việc quản lý người nước ngoài trên địa bàn vẫn còn một số vấn đề. Do đó, đơn vị đã tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài làm ăn sinh sống tại địa phương.

Xe máy và dép của nạn nhân tại hiện trường vụ án. Ảnh: Đoàn Nguyên.


Vụ án xảy ra sáng 26/11, tại đường Nguyễn Duy Hiệu (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Khi vừa dắt xe ra cổng để chở con đi học thì ông Limuzi (31 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, ngụ địa chỉ trên) bị một thanh niên bịt mặt dùng súng bắn trúng bụng.

Người thân đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng ông đã tử vong vào trưa cùng ngày. Sau khi xảy ra án mạng, cảnh sát huy động nhiều cán bộ, chiến sĩ dày dặn kinh nghiệm tham gia phá án. Khám nghiệm hiện trường, công an thu giữ được một vỏ đạn màu trắng dài khoảng 2 cm và dấu vân tay nghi của hung thủ.

Theo nhà chức trách, ngày 30/8/2012, do nhập cảnh trái phép nên người đàn ông Li cùng với Xu (30 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) bị Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72 - Công an TP Đà Nẵng) phạt hành chính 15 triệu đồng/người và buộc xuất cảnh khỏi Việt Nam.

Phòng PA 72 xác định, Li từng nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam bằng visa B3 (hoạt động thương mại) do một công ty làm dịch vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, ông ta không làm việc cho công ty này. Li nhờ Nguyễn Thị Quỳnh Nga (24 tuổi, trú đường Nguyễn Duy Hiệu, Đà Nẵng) lập Công ty TNHH MTV Phát triển du lịch Thiện Mỹ Hoàn Á Việt Nam.

Thông qua đó, Li cùng Xu (không đăng ký tạm trú) thường xuyên tổ chức hoạt động du lịch trái phép cho nhiều đoàn người Trung Quốc đến Đà Nẵng. Cũng trong thời gian này, nhà chức trách còn phát hiện dù chưa đăng ký kết hôn nhưng Li và Nga sống với nhau như vợ chồng và có một con gái.

Sau đó, người đàn ông này đã hợp thức hóa cuộc hôn nhân trên. Ông ta trở thành người nước ngoài có thân nhân tại Việt Nam nên được cấp giấy miễn thị thực, 6 tháng mới đến cơ quan chức năng đăng ký một lần. Có được "bình phong" này, Li thường xuyên đưa người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch chui. Chính những hoạt động mờ ám trên nên ở khu phố, ông ta sống rất khép kín.

Theo Đoàn Nguyên (Zing.vn)


Vụ án chuyến bay giải cứu: Cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên đã nộp lại bao nhiêu tiền?
Bị can Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên là một trong 17 bị can bị truy tố trong giai đoạn 2 của vụ án "chuyến bay giải cứu". Theo cáo trạng, bị can này nhận hối lộ 4,4 tỷ đồng và đã nộp khắc phục số tiền 700 triệu đồng.

Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.